Sóng gió sau 'quyết định lịch sử' của Tổng thống Donald Trump

(PLO) - Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 đã chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đi ngược lại chính sách đối ngoại được thực hiện 7 thập kỷ qua của Mỹ, đồng thời cũng khởi động quá trình đưa Đại sứ quán của Mỹ từ Tel Aviv tới vùng Đất Thánh này. 
Sóng gió đang nổi lên tại Trung Đông sau quyết định của ông Trump
Sóng gió đang nổi lên tại Trung Đông sau quyết định của ông Trump

Theo New York Times, quyết định trên đã được ông Trump đưa ra tại Phòng tiếp tân ngoại giao của Nhà Trắng. “Hôm nay, chúng tôi cuối cùng thừa nhận điều rõ ràng Jerusalem là thủ đô của Israel. Đây chỉ là sự thừa nhận thực tế, là việc đúng đắn phải làm”, ông Trump nói.

Tổng thống Mỹ cho rằng quyết định của ông sẽ chấm dứt nhiều thập kỷ thực thi chính sách thất bại trong vấn đề Jerusalem. Theo Tổng thống Mỹ, chính sách trước đây không đưa các nước tới gần một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa người Israel và Palestine, việc ông công nhận Jerusalem là sự khởi đầu cho cách tiếp cận mới để giải quyết cuộc xung đột Israel – Palestine.  

Ngoài ra, ông Trump cũng đã nhắc lại lời hứa di chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem đã được ông đưa ra trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016. Dù không nói đến nhưng ông Trump cũng đã ký sắc lệnh đặc miễn đã được những người tiền nhiệm của ông ký, theo đó cho phép chính quyền giữ đại sứ quán tại Tel Aviv thêm 6 tháng. Theo các quan chức Nhà Trắng, đây là việc không thể tránh khỏi vì sẽ cần phải mất vài năm việc chuyển đại sứ quán tới cơ sở mới ở Jerusalem mới hoàn tất.

Việc ông Trump công nhận Jerusalem đã khiến Mỹ trở nên biệt lập với thế giới, một trong những vấn đề ngoại giao nhạy cảm nhất hiện nay. Động thái của ông Trump đã dấy lên làn sóng chỉ trích từ thế giới Ả rập cho tới các nhà lãnh đạo châu Âu. Theo AFP, nhà lãnh đạo Palestine Mahmud Abbas tuyên bố động thái của ông Trump là “tồi tệ và không thể chấp nhận”, đánh dấu việc Mỹ rút lui khỏi tư cách nước bảo trợ cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông. Tổ chức giải phóng Palestine đã tuyên bố biểu tình ở khu Bờ Tây trong ngày 7/12 còn Phong trào Hồi giáo Palestine hiện kiểm soát Dải Gaza đã kêu gọi tiến hành “ngày giận dữ” trong hôm nay 8/12. Hamas cũng cảnh báo ông Trump đã mở cánh cửa chấm dứt lợi ích của Mỹ ở khu vực. 

Bộ Ngoại giao Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã lên tiếng bày tỏ quan ngại sâu sắc về quyết định của Mỹ. Đức Giáo hoàng Francis và Bộ ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng cảnh báo rằng động thái của Mỹ có thể dấy lên làn sóng bạo lực mới trên khắp khu vực. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Federica Mogherini tuyên bố châu Âu xem quyết định của châu Âu là một mối đe dọa tới hòa bình ở Trung Đông.

“Chúng tôi cho rằng cần tránh bất kỳ hành động nào có thể làm suy yếu những nỗ lực hòa bình ở Trung Đông. Giải pháp cho vấn đề tình trạng là thủ đô tương lai của cả 2 nước của Jerusalem phải được đưa ra thông qua đàm phán”, bà Mogherini nói.

Hôm nay, (8/12), Hội đồng bảo an LHQ sẽ có phiên họp khẩn theo đề nghị của 8 nước để thảo luận về quyết định của ông Trump. Các nước này cũng đã đề nghị Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tham dự và có phát biểu khai mạc cuộc họp. Trong phát biểu ngày 6/12, ông Guterres cho rằng tư cách cuối cùng của Jerusalem chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp giữa người Palestine và Israel. Ông cũng khẳng định chống lại bất kỳ biện pháp đơn phương nào. 

Jerusalem hiện là một trong những địa điểm tranh chấp gay gắt nhất thế giới. Cả người Israel và người Palestine đều tuyên bố Jerusalem thuộc về họ. Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của họ và đặt chính quyền ở đây trong khi người Palestine xem khu vực phía đông thành phố là thủ đô của một nhà nước Palestine tương lai. Phần lớn thế giới xem khu vực này là lãnh thổ bị chiếm đóng. 

Thành cổ ở Jerusalem là nơi có điện thờ thiêng liêng thứ ba của người Hồi giáo và là địa điểm thiêng liêng nhất của người Do Thái, khiến tình trạng của thành phố này trở thành một vấn đề gây tranh cãi đối với người Do Thái và người Hồi giáo khắp thế giới. Ngoài ra, Jerusalem cũng là một địa điểm linh thiêng của người Cơ Đốc giáo.