Sự đặc biệt về thể chế Nhật hoàng

(PLVN) - Bắt đầu từ ngày 1/5, triều đại mới của Nhật Bản sẽ có niên hiệu là Reiwa (Lệnh Hòa). Niên hiệu mới sẽ chính thức được sử dụng khi Thái tử Naruhito lên ngôi, kế vị Vua cha là Nhật Hoàng Akihito.
Nhật hoàng Akihito và Thái tử Naruhito.
Nhật hoàng Akihito và Thái tử Naruhito.

Bình minh của thời đại mới

Ngày 1/4 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức công bố niên hiệu mới sau một cuộc họp được tổ chức vào sáng cùng ngày. Theo giới chức Nhật Bản, ký tự đầu tiên “rei” trong niên hiệu mới Reiwa có nghĩa là “tôn ti”, “khiến cho” hoặc “tốt lành” còn ký tự thứ 2 “wa” mang ý nghĩa “hòa hợp” hay “hòa bình”. 

“Cái tên Reiwa có nghĩa là văn hóa được sinh ra và phát triển khi mọi người đến với nhau và chăm sóc cho nhau một cách tốt đẹp”, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lý giải về ý nghĩa của niên hiệu mới của Nhật Bản tại một cuộc họp báo.

Theo Thủ tướng Nhật Bản, niên hiệu mới Reiwa có nguồn gốc từ tuyển tập thơ ca lâu đời nhất của Nhật Bản có tên Manyoshu (Vạn diệp tập), có từ thế kỷ 8. Trong cuốn Vạn Diệp Tập, Reiwa mang ý nghĩa một mùa Xuân mới, lan tỏa hòa bình. Vì vậy, Thủ tướng Nhật nói rằng ông mong muốn niên hiệu mới của nước này sẽ là phản ánh một thời kỳ mới tràn trề hy vọng. 

“Giống như những bông hoa của cây mận nở rộ vào mùa xuân sau mùa đông lạnh giá, chúng tôi mong muốn người dân Nhật Bản sẽ nở rộ như những bông hoa riêng lẻ với tương lai đầy hứa hẹn. Với mong muốn như vậy cho Nhật Bản, chúng tôi đã quyết định chọn cái tên Reiwa”, ông Abe nói với các phóng viên. 

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên niên hiệu của Nhật Bản được lấy từ văn học cổ điển của nước này thay vì văn học Trung Quốc như trước đây. Theo ông Abe, cái tên mới biểu thị tầm quan trọng của văn hóa đất nước và sự hòa hợp của người dân.

Reiwa sẽ là niên hiệu thứ 248 ở Nhật Bản. Niên hiệu hiện nay của nước này đang là Heisei (Bình Thành), có nghĩa là “đạt được hòa bình”, được sử dụng từ năm 1989 và gắn liền với quá trình nắm quyền của Nhật Hoàng Akihito.

Trước đó, từ năm 1868 đến 1912, niên hiệu của Nhật Bản là Meiji (Minh Trị), có nghĩa là khai sáng. Trong thời gian từ 1912-1926, Nhật Bản dùng niên hiệu Taisho (Đại Chính) và từ năm 1926 đến 1989 là Showa (Chiêu Hòa), có nghĩa là “hướng tới sự hòa hợp”.

Nhật hoàng Akihito năm nay 86 tuổi, dự kiến sẽ thoái vị vào ngày 30/4 tới, trở thành hoàng đế đầu tiên của Nhật thoái vị khi còn sống. Nhật hoàng Akihito sẽ nhường ngôi cho con trai cả là Thái tử Naruhito, 59 tuổi.

Như vậy, kể từ 0h00 ngày 1/5, sau khi Thái tử Naruhito đăng quang ngôi vị Nhật Hoàng, Nhật Bản sẽ chính thức sử dụng niên hiệu Reiwa thay cho niên hiệu Heisei được bắt đầu sử dụng từ năm 1989. Niên hiệu mới Reiwa sẽ được dùng trong suốt thời gian trị vì của tân Nhật hoàng Naruhito. 

Sự kiện lịch sử 

Hiện Nhật Bản vẫn giữ truyền thống quân chủ Á Đông là các vị vua sẽ chọn cho mình niên hiệu trong thời gian nắm quyền để thể hiện ý chí, mục tiêu hoặc đánh dấu một sự kiện nào đó. Niên hiệu của mỗi đời vua đều hướng tới việc đặt hướng đi cho những thập niên tới và vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của người dân Nhật Bản. 

Ví dụ, sau khi lên ngôi, Nhật hoàng Akihito chọn niên hiệu Heisei với hàm ý nhấn mạnh ước muốn hòa bình, không lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Năm 2018 được tính là năm Heisei thứ 30, tức năm trị vì thứ 30 của Nhật hoàng Akihito.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga công bố niên hiệu mới.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga công bố niên hiệu mới.

Sau khi niên hiệu mới chính thức được quyết định, đồng loạt tại các nhà ga, cửa hàng, biển quảng cáo của Nhật Bản đã phát đi hình ảnh về niên hiệu mới để phổ biến cho người dân.

Niên hiệu mới là vấn đề được nhiều người Nhật quan tâm bởi cách tính năm theo niên hiệu được dùng trên các văn bản chính thức của chính phủ, báo chí và lịch bán trên thị trường. Trong đời sống hàng ngày, nhiều người Nhật vẫn sử dụng niên hiệu khi nói về năm.

Việc triều đại Heisei sắp kết thúc cũng được cho là lý do khiến Chính phủ Nhật Bản gần đây đã quyết định thi hành án tử đối với 13 thành viên giáo phái Aum Shinrikyo bị kết tội đầu độc bằng khí sarin tại hệ thống tàu điện ngầm ở Tokyo khiến 13 người chết vào năm 1955 vì không muốn để vụ việc dây dưa sang thời kỳ mới.

Chính phủ Nhật Bản hiện đã gửi lời mời tới nguyên thủ, đại diện từ 195 quốc gia tham dự sự kiện Thái tử Naruhito đăng quang. Sau lễ đăng quang, tân Nhật Hoàng sẽ lần đầu tiên gặp gỡ đại diện của người dân. Đây là sự kiện lịch sử của Nhật Bản. Đặc biệt, sự kiện này diễn ra đúng vào dịp “tuần lễ vàng” của Nhật Bản, dịp người dân nước này được nghỉ 10 ngày liên tục.

Quyền lực mang tính biểu tượng

Nhật Bản là quốc gia có chế độ quân chủ cha truyền con nối lâu đời nhất trên thế giới và chưa từng gián đoạn từ năm 660 trước công nguyên tới nay. Điều này đồng nghĩa với việc chế độ quân chủ ở Nhật Bản đến nay đã được duy trì đến gần 2.700 năm. Nhật hoàng Akihito hiện nay là nhà vua thứ 125 của Nhật Bản.

Ông kế nhiệm Thiên hoàng Hirohito - người đã dẫn dắt nước Nhật qua Chiến tranh thế giới thứ 2. Nhật hoàng Akihito hiện là vị quân chủ duy nhất trên thế giới giữ danh hiệu hoàng đế. Trong tiếng Nhật, Nhật hoàng được gọi là tenno, mang ý nghĩa là hoàng tộc là hậu duệ của các vị thần.

Ít lâu sau khi Chiến tranh thế giới II kết thúc, Nhật hoàng lúc bấy giờ đã không còn thừa nhận điều mà ông cho là “quan niệm sai lầm cho rằng nhà vua là thần thánh”.

Bản Hiến pháp hiện nay của Nhật Bản được có hiệu lực từ năm 1947 cũng đã không công nhận vị thế hậu duệ của thần thánh hay quyền lực chính trị trực tiếp của Nhật hoàng như trước. Thay vào đó, theo văn kiện này, Nhà vua Nhật Bản là “biểu tượng của quốc gia và sự đoàn kết của nhân dân”. Vai trò của Nhật hoàng chỉ còn mang tính biểu tượng, là người đứng đầu quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến.

Tương tự như ở hầu hết các nước theo chế độ quân chủ lập hiến khác, Nhà vua Nhật Bản không phải là người đứng đầu Chính phủ mà chỉ giữ vị trí “đại diện cho đất nước”, đảm nhiệm các hoạt động được quy định trong hiến pháp nhưng không có quyền lực trong Chính phủ. Hiến pháp Nhật quy định mọi hoạt động của Nhà vua liên quan đến những vấn đề quốc gia phải tham vấn và được sự chấp thuận của Nội các.

Ví dụ, Điều 6 trong hiến pháp Nhật Bản quy định Nhà vua có quyền như bổ nhiệm Thủ tướng Chính phủ, bổ nhiệm Chánh án tòa án tối cao. Tuy nhiên, theo điều 6 của Hiến pháp Nhật Bản, Nhà vua chỉ thực hiện việc bổ nhiệm ứng viên theo chỉ định của Quốc hội chứ không có quyền từ chối.

Điều 7 của hiến pháp Nhật Bản quy định 10 quyền mà Nhà vua nước này thay mặt nhân dân thực hiện, như công bố các điều luật, sắc lệnh của nội các hay các hiệp ước; triệu tập Quốc hội; giải tán Hạ viện; tuyên bố kết quả bầu cử Quốc hội; bổ nhiệm hay bãi miễn các bộ trưởng; thực hiện ân xá, giảm án, hoãn thi hành án, khôi phục quyền công dân; trao huân chương; xác định việc Quốc hội chuẩn y các hiệp định quốc tế, các văn bản ngoại giao theo pháp luật; tiếp đón các bộ trưởng và các đại sứ các nước; đại diện quốc gia trong các buổi lễ long trọng. Song, các quyết định trên cũng phải được sự đồng ý của Nội các Nhật.

Theo các nhà sử học, tuy không có thực quyền nhưng Nhà vua Nhật Bản vẫn được nhân dân yêu mến, tôn kính. Nhật hoàng Akihito được cho là đã có vai trò rất lớn trong việc xây dựng lại hình ảnh của hoàng gia và hoàng đế trong suốt thời gian cai trị. 

Đọc thêm