Sự thật về 'chiến thắng chớp nhoáng' mở màn Thế chiến II

(PLO) -Cuộc tấn công của Đức nhằm vào Ba Lan, mở màn Thế chiến II được xem là một trong những trận chiến nổi tiếng nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Câu chuyện được nhiều người biết đến, đó là không lực Ba Lan hoàn toàn bị tiêu diệt chỉ sau 3 ngày, thậm chí khi những chiếc máy bay chưa kịp cất cánh. Thế nhưng, những tài liệu lịch sử công bố mới đây cho thấy, sự thật không hoàn toàn như vậy. 
Phi đội máy bay ném bom Stuka của Đức trên bầu trời Ba Lan năm 1939.
Phi đội máy bay ném bom Stuka của Đức trên bầu trời Ba Lan năm 1939.

Chiến thắng chớp nhoáng trong vòng 3 ngày trong trận đánh mở màn Thế chiến II hóa ra chỉ là chiêu “tự đánh bóng” của Đức Quốc xã. Thực tế, dù bị áp đảo với tỷ lệ 1 chọi 3, hệ thống phòng không của Ba Lan đã chống cự hết sức hiệu quả trong vòng một tuần đầu, và khi năng lực giảm dần, Ba Lan vẫn chiến đấu thêm khoảng 2 tuần nữa trước khi thất thủ!

Cuộc chiến không cân sức

Năm 1939, không quân Ba Lan hoàn toàn sử dụng các loại máy bay trong nước sản xuất, chỉ phân bổ nguồn kinh phí khoảng 2USD/đầu người cho không quân, so với con số 100 USD/người của Đức. 

Với mục đích ban đầu là hỗ trợ cho lực lượng quân đội dưới mặt đất, không quân Ba Lan chỉ có một lữ đoàn máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, còn lại toàn bộ nguồn lực được phân bổ đều cho các phân đội hỗn hợp được bố trí dưới mặt đất.

 Có 445 máy bay trong đội hình chiến đấu, ngoài ra còn có thêm một số máy bay tham gia huấn luyện, dù vậy, không quân Ba Lan đã có những chương trình huấn luyện phi công chiến đấu rất tốt. Khi chiến tranh chuẩn bị nổ ra, Ba Lan cố gắng trang bị thêm loại máy bay chiến đấu tiên tiến hơn là Hawker Hurricane và MS.406 của Anh và Pháp.

Thế nhưng khi Đức triển khai tấn công, những chiếc máy bay này vẫn đang chờ vận chuyển đến Rumani để lắp ráp – quốc gia vẫn được xem là đồng minh của Ba Lan. 

Máy bay chiến đấu P.11 của Ba Lan
Máy bay chiến đấu P.11 của Ba Lan 

Trong khi đó, Đức sở hữu lực lượng không quân mạnh nhất thế giới, và những đơn vị mạnh nhất được điều động để thực hiện cuộc tấn công Ba Lan, đó là Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn 4 với 1.302 máy bay.

 Máy bay tuyến đầu của Không quân Đức là Messerchmitt Bf.109 có thể bay với tốc độ 570 km/h, được trang bị hai khẩu pháo 20mm và súng máy tự động. Hỗ trợ cho Bf.109 là loại máy bay động cơ kép thế hệ mới Bf.110, có thể đạt tốc độ tới 560km/h và mang theo nhiều vũ khí hạng nặng. 

Không quân Đức còn dùng máy bay ném bom Ju-87 Stuka, tạo dựng được danh tiếng trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha với tiếng còi hú khủng khiếp sau mỗi lần ném bom chính xác với góc gần như thẳng đứng. Cuối cùng, máy bay ném bom cỡ vừa, cũ hơn một chút là Do-17 và máy bay trọng tải lớn He-111, nổi tiếng với phần mũi hoàn toàn bằng kính – tham gia ném bom vào các đơn vị của Ba Lan. 

Máy bay ném bom của Ba Lan khá hơn so với các loại máy bay chiến đấu. 120 chiếc P.23 Karas trong biên chế chỉ hơi kém hơn so với máy bay Stukas của Đức, trong khi 36 chiếc máy bay ném bom hạng nhẹ động cơ kép P.37 Los đều là những thiết kế hiện đại, có khả năng bay với tốc độ 460 km/h. 

Sự kiên cường của Ba Lan

Không quân Đức đã cố gắng phá tan hệ thống phòng thủ của Ba Lan theo chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh”, nhưng người Ba Lan không chấp nhận đầu hàng sớm như vậy. 

Rạng sáng ngày 1/9/1939, Đức sử dụng chiến thuật tấn công bất ngờ nhưng người Ba Lan đã… không bất ngờ. Bầu không khí căng thẳng trước đó đủ để Ba Lan huy động các lực lượng phòng không cả tuần trước khi cuộc tấn công diễn ra. Khi hành động thù địch nổ ra, các phi đội Ba Lan đã được chuyển đến các cơ sở bí mật, từ đây, mở các chiến dịch tấn công nhằm vào máy bay và xe tăng Đức và rút lui nhanh chóng. 

Chiếc máy bay P.11 cuối cùng của Ba Lan trong Thế chiến II đang được trưng bày tại bảo tàng
Chiếc máy bay P.11 cuối cùng của Ba Lan trong Thế chiến II đang được trưng bày tại bảo tàng

Vào lúc 4h45’ sáng 1/9/1939, một chiếc Stuka của Đức đã bắn hạ chiếc P.11 của Đại tá Mieczyslaw Medwecki thuộc Không đoàn Krakow 2 khi đang cất cánh, là vụ đụng độ đầu tiên giữa hai bên. Đáp trả, đồng đội của Medwecki là Wladek Gnys đã bắn hạ hai chiếc Do-17.

Đến ngày 2/9, trong lúc đang bay trên không, chiếc Bf.109 của Đức phát hiện một sân bay ngụy trang gần khu vực Lodz, liền bắn phá và thiêu hủy các trạm xăng dầu gần đó. Dù vậy, hệ thống sân bay vệ tinh xung quanh đã giúp cho các máy bay chiến đấu của Ba Lan thoát khỏi sự truy sát của không quân Đức. 

Trong những ngày đầu, chiến dịch tấn công sân bay đối phương của Không quân Đức không mang lại nhiều kết quả. Khi Đức tấn công sân bay Rokowice ngày 1/9, 28 máy bay bị hủy nhưng phần lớn trong số này là đã quá lạc hậu, không còn sử dụng.

Ngược lại, Không quân Ba Lan đã đánh đuổi được đội quân tới 80 chiếc He-111 đang quần thảo trên bầu trời Warsaw, bắn hạ 6 - 7 chiếc máy bay Đức trong khi chỉ thiệt hại 4 chiếc P.11. Dù số lượng máy bay Bf.109 và Bf.110 của Đức vượt trội hoàn toàn nhưng các máy bay Ba Lan vẫn xoay sở tốt để có thể vượt vòng vây.

Đại úy Leopold Pamula sau khi bắn hạ 2 máy bay, thậm chí kịp lao vào máy bay thứ 3 của Đức và nhảy dù thoát ra ngoài, tiên phong cho chiến thuật mà Liên Xô áp dụng rất nhiều sau này. 

Người Ba Lan còn nổi tiếng bởi “tinh thần hiệp sĩ” khi không bắn phi công Đức nếu đã nhảy dù ra khỏi máy bay. Ví dụ, Đại tá không quân Ba Lan Skalski, sau khi bắn hạ một máy bay ném bom Hs.123 của Đức còn đáp xuống một bãi đất gần đó để đảm bảo rằng đối thủ của mình đã được chăm sóc y tế. Người Đức không “đáp lễ” lại như vậy khi súng máy của Đức sẵn sàng nhả đạn vào những chiếc dù của người Ba Lan. 

Lực bất tòng tâm

Trong 6 ngày đầu của cuộc chiến, Ba Lan bắn hạ 105 máy bay Đức, trong khi chỉ mất 79 chiếc, tiêu hao của Đức khoảng 10 tấn bom. Nhưng các đơn vị xe tăng của Đức đã nhanh chóng tiến sâu vào Ba Lan, và Ba Lan không có lựa chọn nào khác là phải dần rút lui khỏi các cứ điểm, rơi vào tình cảnh thiếu nhiên liệu và phụ tùng, chỉ có thể cử từng nhóm nhỏ máy bay xuất kích.

Ngày 10/9, tướng Tadeusz Kutrzeba dẫn đầu Trung đoàn Poznan thực hiện đợt phản công nhằm vào quân Đức bên bờ sông Bzura. Hàng trăm máy bay của Không quân Đức đã phải tới để giải cứu quân Đức. Những chiếc máy bay P.23 và P.27 đã hỗ trợ rất hiệu quả cho quân đội Ba Lan trên mặt đất, bắn hạ 32 máy bay chiến đấu của Đức trong chiến dịch này.

Tuy nhiên, sự áp đảo về quân số của không quân Đức đã làm đảo chiều trận chiến. Quân Ba Lan phải rút về sát biên giới Rumani lập tuyến phòng thủ và chờ đợi tiếp viện từ Anh và Pháp để bổ sung máy bay hiện đại cho lực lượng không quân. 

Nhận thấy tình hình không mấy sáng sủa, khoảng 150 chiếc máy bay còn lại của Ba Lan cùng với chính phủ chạy trốn sang Rumani. Rumani đã bắt giữ các phi công, tịch thu máy bay Ba Lan, gồm cả những chiếc mới được gửi từ Anh và Pháp sang.

Việc phá vỡ hiệp ước liên minh với Ba Lan là một tính toán đầy thực dụng của Rumani khi đó, nhưng hàng trăm phi công Ba Lan đã trốn thoát được sang Anh, Pháp và phục vụ trong lực lượng không quân của hai nước này.

Chính họ sau này đã đóng góp công lớn trong chiến thắng của người Anh trong Trận chiến nước Anh (trận Đức tấn công Anh vào tháng 6/1940), bắn hạ 203 máy bay Đức. Tính đến cuối Thế chiến II, khoảng 19.000 người Ba Lan phục vụ trong các đơn vị chiến đấu của quân Đồng minh. 

Có thể nói, cỗ máy tuyên truyền của Đức Quốc xã đã “phóng đại” chiến thắng của nước này trong trận chiến mở màn Thế chiến II. Dù chỉ sử dụng các loại máy bay lạc hậu hơn, dù bị áp đảo về mặt quân số và bị bao vây tứ phía, lực lượng phòng không Ba Lan đã không hề bị tiêu diệt ngay trên mặt đất trong vòng 3 ngày như Đức vẫn rêu rao; thay vào đó, Ba Lan đã phát huy tốt nhất nguồn lực mình có trong 3 tuần.

Rất nhiều phi  công Ba Lan đã trốn thoát và sau này vẫn tiếp tục bắn hạ nhiều máy bay Đức trong phần còn lại của cuộc chiến. Sự hy sinh anh dũng của các phi công Ba Lan vẫn được ghi nhận và tưởng niệm tại Bảo tàng Không quân Ba Lan tại thành phố xinh đẹp Krakow…/.