Tên lửa Nga “lật nhào chính sách pháo hạm tên lửa Mỹ” có thể lên bộ vào cuối năm

(PLVN) - Nga có thể phát triển phiên bản phóng từ đất liền của hệ thống tên lửa hành trình phóng từ biển Kalibr và đưa vào sản xuất hàng loạt từ cuối năm 2019, hãng tin TASS của Nga dẫn một nguồn tin trong ngành công nghiệp phát triển tên lửa Nga cho hay.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo nguồn tin của TASS, việc phát triển phiên bản phóng từ đất liền của tên lửa Kalibr không mất nhiều thời gian vì tên lửa tầm xa này vốn đã được đưa vào triển khai lâu nay trong Hải quân Nga.

Đặc biệt, tên lửa này còn đưa vào sử dụng thành công khi Nga tiến hành không kích các phần tử khủng bố ở Syria.

“Để có thể sử dụng phiên bản phóng từ mặt đất, chỉ cần thay đổi hệ thống kiểm soát và thay thế phần mềm”, nguồn tin giải thích.

Thông tin trên được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tại cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã đồng ý với đề xuất của Bộ Quốc phòng nước này, theo đó bắt đầu công việc xây dựng bệ phóng di động mặt đất cho tên lửa phóng từ tàu Kalibr. 

Theo giới chức Nga, tên lửa hành trình Kalibr có khả năng triệt hạ mục tiêu ở khoảng cách 2.600 km và có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng không cũng như lá chắn tên lửa.

Trong quá trình hoạt động, Kalibr liên tục thay đổi chiều cao và phương hướng, khiến đối phương khó lòng phát hiện.

Ở giai đoạn bay cuối, nhờ tầng tăng tốc bổ sung, tên lửa này có thể bay ở tốc độ siêu âm đến 2,7-2,9M.

Được cho là ưu việt hơn nhiều so với Tomahawk của Mỹ, sự xuất hiện của các tên lửa hành trình Kalibr của Nga được đánh giá là đã tước bỏ sự độc quyền của Mỹ về “chính sách pháo hạm tên lửa”.

Trong phát biểu sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phát triển tên lửa hành trình tầm xa Kalibr phiên bản phóng từ trên bộ trong năm 2019, 2020 nhằm đối phó với việc Mỹ cũng đang phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất với tầm bắn trên 500km.