Thách thức chờ đợi tân Tổng thư ký Liên hợp quốc

(PLO) -Tuyên bố “bất nhất” của Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ), ông Vitaly Churkin, người đang đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, được coi là sự đánh giá cao của Moskva đối với cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres, người vừa được bầu thay thế Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. 
Ông Antonio Guterres (thứ 3 từ phải sang) trò chuyện với người di dân trên đảo Lesbos (Hy Lạp) vào tháng 10/2015
Ông Antonio Guterres (thứ 3 từ phải sang) trò chuyện với người di dân trên đảo Lesbos (Hy Lạp) vào tháng 10/2015

Trước đó (3/10), Moskva tuyên bố ủng hộ bà Kristalina Georgieva, 63 tuổi, là ủy viên Hội đồng Ngân sách châu Âu, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), người Bulgaria làm tân Tổng thư ký LHQ. Nhưng trong tuyên bố hôm 6/10, ông Vitaly Churkin khẳng định, ông Antonio Guterres là ứng cử viên số một trở thành Tổng thư ký LHQ thứ 9.

“Vòng đua tử thần”

Đại sứ Vitaly Churkin còn cho biết, sau 6 vòng bỏ phiếu tín nhiệm, Hội đồng Bảo an LHQ đã chọn ông Antonio Guterres, người luôn giành được sự tín nhiệm cao.

Thông báo của ông Vitaly Churkin, cùng với sự hiện diện của Đại sứ Mỹ Samantha Power và đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ cho thấy, ông Antonio Guterres đã chính thức giành được sự ủng hộ của cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc).

Trong các lần bỏ phiếu kín trước, ông Antonio Guterres luôn nhận được sự tín nhiệm cao, với số phiếu tín nhiệm luôn đạt 11-12 phiếu trong 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.

Sau cuộc bầu cử chính thức của Hội đồng Bảo an hôm 6/10, Đại hội đồng LHQ sẽ phê chuẩn lựa chọn này và khi đó cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres mới chính danh trở thành người thay thế ông Ban Ki-moon.

Tuy nhiên, tại các phiên bỏ phiếu kín không chính thức trước và trong cuộc bỏ phiếu hôm 5/10 (theo giờ địa phương), cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha nhận được sự ủng hộ của 13/15 nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.

Ông Antonio Guterres là người Bồ Đào Nha đầu tiên trở thành Tổng thư ký LHQ và nhiệm kỳ sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2017. Trong 8 đời Tổng thư ký LHQ, có 2 người không tranh cử nhiệm kỳ thứ ba (và là 2 người duy nhất tính đến nay), sau 10 năm tại nhiệm là ông Kurt Waldheim, người Áo (từ 1/1/1972 đến 31/12/1981) - bị Trung Quốc phủ quyết và ông Javier Perez de Cuellar, người Peru - từ chối sau khi hoàn thành vai trò Tổng thư ký LHQ thứ năm (từ 1/1/1982 đến 31/12/1991).

Tổng thư ký LHQ thứ ba (ông U Thant, người Myanmar), thứ bảy (ông Kofi Annan, người Ghana) và thứ tám (ông Ban Ki-moon, người Hàn Quốc) đều tại vị 10 năm. Ông Dag Hammarskjold (người Thụy Điển) là người duy nhất trong số 8 đời Tổng thư ký LHQ chết khi tại nhiệm (10/4/1953-18/9/1961).

Ông Boutros Boutros-Ghali (người Ai Cập) chỉ tại vị có 1 nhiệm kỳ (từ 1/1/1992 đến 31/12/1996) vì bị Mỹ phủ quyết nhiệm kỳ thứ 2. Và trước khi ông Trygve Lie (người Na Uy) được bổ nhiệm làm Tổng thư ký LHQ đầu tiên (từ 2/2/1946 đến 10/11/1952), ông Gladwyn Jebb (người Anh) được cử là Tổng Thư ký lâm thời (từ 24/10/1945 đến 1/2/1946). 

Ông Antonio Guterres
Ông Antonio Guterres

Hữu xạ tự nhiên hương

Sau khi gia nhập đảng Xã hội, ông Antonio Guterres bắt đầu tham chính, đúng thời điểm Bồ Đào Nha thực hiện thành công “Cách mạng hoa cẩm chướng” lật đổ chế độ độc tài của Thủ tướng Marcelo Caetano năm 1974, nhanh chóng trở thành Chủ tịch đảng Xã hội (1992) và đắc cử Thủ tướng Bồ Đào Nha (1995).

Vì đưa nền kinh tế Bồ Đào Nha đạt mức tăng trưởng ổn định và tổ chức thành công triển lãm quốc tế Lisbon (Expo 1998), nên đến năm 1999, ông Antonio Guterres tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 nhưng vì mâu thuẫn trong nội bộ đảng Xã hội cộng với tình hình kinh tế trì trệ, nên tháng 12/2001, ông Antonio Guterres đã từ chức. Ông Antonio Guterres xin từ chức (và được Tổng thống Jorge Sampaio chấp nhận) sau khi đảng Xã hội cầm quyền thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử ở một loạt thành phố lớn.

Theo kết quả do Ủy ban Kiểm phiếu quốc gia thông báo hôm 16/12/2001, đảng Xã hội chỉ thành công ở 98/308 khu vực trong khi đảng đối lập Xã hội Dân chủ (SDP) giành chiến thắng tại 141 điểm. Khi đó, ông Antonio Guterres thừa nhận: “Đây là thất bại của tôi”. Sau khi rời chính trường Bồ Đào Nha, ông Antonio Guterres tái khẳng định khả năng lãnh đạo khi được bầu lãnh đạo Cao ủy LHQ về người tị nạn năm 2005.

Sinh ra (30/4/1949) tại Lisbon, tốt nghiệp chuyên ngành vật lý, kỹ thuật và theo con đường giảng dạy, nhưng chỉ sau 3 năm là Tổng thư ký đảng Xã hội, ông Antonio Guterres đã đắc cử Thủ tướng Bồ Đào Nha.

Sau khi có 2 con (Pedro Guimaraes e Melo Guterres và Mariana Guimaraes e Melo de Oliveira Guterres) với người vợ đầu Luisa Amelia Guimaraes e Malo (lên xe hoa năm 1972 và qua đời năm 1998 vì bệnh ung thư), ông Antonio Guterres (tên gọi đầy đủ là Antonio Manuel de Oliveira Guterres) tái hôn năm 2001 và hiện đang sống với bà Catarina de Almeida Vaz Pinto (sinh ngày 15/6/1960).

Ông Antonio Guterres có thể nói được 4 thứ tiếng là Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, việc ông Antonio Guterres trở thành tân Tổng thư ký LHQ đã gây thất vọng đối với cho không ít nhà vận động, kể cả Tổng thư ký LHQ. Bởi ông Ban Ki-moon và nhiều người muốn chiếc ghế này phải được trao cho phụ nữ hoặc một ứng cử viên đầu tiên ở Đông Âu. 

Cựu TT Antonio Guterres
Cựu TT Antonio Guterres

Thách thức không nhỏ

Đại sứ Nga Vitaly Churkin cho biết, mặc dù tất cả các ứng cử viên lần này đều am hiểu và quan tâm sâu sắc đến tình hình thế giới, nhưng “chúng tôi đã có một lựa chọn rất rõ ràng, đó là ông Antonio Guterres”.

Đại sứ Anh tại LHQ Matthew Rycroft nhận định, ông Antonio Guterres sẽ “đưa LHQ đến một tầm lãnh đạo mới” và sẽ là “tiếng nói đạo đức giữa một thế giới đang bị chia rẽ”. Đại sứ Pháp Francois Delattre coi việc lựa chọn ông Antonio Guterres, người có thể nói tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha cũng như Bồ Đào Nha, là "một tin tốt cho LHQ".

Tờ Asian Tribune dẫn lời Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho biết, quá trình bầu chọn đã ở mức không còn gì để tranh cãi và cuối cùng chỉ có một ứng cử viên với kinh nghiệm, tầm nhìn và tài năng vượt trội - Tất cả đều đoàn kết quanh một người đã gây ấn tượng suốt quá trình bầu chọn.

Gần 3 tháng trước (21/7), sau nhiều tháng tranh luận và điều trần, đại sứ của 15 nước Hội đồng bảo an LHQ đã bỏ phiếu kín không chính thức lần đầu tiên để chọn tân Tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guteres là ứng cử viên nhận được nhiều phiếu "khuyến khích" nhất.

Khi đó, hãng AFP coi cách bầu chọn này là rõ ràng và minh bạch hơn những lần trước bởi đây là lần đầu tiên trong lịch sử LHQ, các ứng cử viên được tham gia các buổi tranh luận và điều trần công khai trước Đại hội đồng. Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silvia hy vọng ông Antonio Guterres đã để lại một di sản tại Cao ủy LHQ về người tị nạn và thế giới “sẽ lắng nghe tiếng nói của ông ấy” trong tương lai.

Ông Antonio Guterres được bầu và lãnh đạo Cao ủy LHQ về người tị nạn trong 10 năm (2005-2015) và đã dẫn dắt cơ quan này vượt qua các cuộc khủng hoảng tị nạn nghiêm trọng nhất tại Syria, Afghanistan và Iraq.

Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha đã liên tục kêu gọi các nước phương Tây tăng cường hỗ trợ cho người tị nạn đến từ những vùng xảy ra xung đột, và đây sẽ là một trong những thách thức lớn khi ông Antonio Guterres trở thành Tổng thư ký LHQ thứ chín.

Cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm tại Syria, bên cạnh vấn đề khủng bố, biến đổi khí hậu, nhân quyền đều là thách thức không nhỏ của tân Tổng thư ký LHQ. Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres từng cam kết, sẽ cải tổ LHQ để thúc đẩy nỗ lực hòa bình và nhân quyền...

Hãng Bloomberg từng dự đoán, tuy đã ở tuổi ngoại thất thập, nhưng ông Ban Ki-moon có thể tranh cử Tổng thống Hàn Quốc vào năm 2017. Dư luận quốc tế cũng rộ lên tin này bởi ông Ban Ki-moon đang có cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa trong việc ra tranh cử Tổng thống Hàn Quốc. Sự nghiệp chính trị của ông Ban Ki-moon có thể kéo dài thêm.

Hãng thông tấn Yonhap từng dẫn kết quả một cuộc khảo sát được tiến hành trong tháng 2/2016 cho thấy, ông Ban Ki-moon đứng đầu danh sách các ứng cử viên Tổng thống ở Hàn Quốc.

Nhưng 5 tháng trước (12/5), tờ Korea Times dẫn lại thông tin của tạp chí The Economist bình luận, ông Ban Ki-moon là một trong những Tổng thư ký LHQ kém cỏi nhất trong lịch sử của tổ chức này.