Tham nhũng có thể là ngòi nổ của xung đột

(PLO) - Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 10/9, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước mạnh mẽ trấn áp nạn tham nhũng đã “ăn sâu bén rễ” trong xã hội, gây phẫn nộ cho mọi người dân trên thế giới. 
Tổng thư ký LHQ phát biểu tại phiên họp.
Tổng thư ký LHQ phát biểu tại phiên họp.

Theo Tân Hoa xã, phát biểu tại phiên thảo luận của HĐBA LHQ về chủ đề tham nhũng và xung đột, ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nỗ lực nhiều hơn nữa để đấu tranh với tham nhũng, tăng cường quản trị và xây dựng những thể chế đáng tin cậy có thể đảm bảo sự trung thực và tiến bộ cho tất cả mọi người. 

Theo TTK LHQ, các quốc gia thành viên LHQ phải ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng. Việc củng cố những ủy ban chống tham nhũng quốc gia cũng như những nỗ lực khởi tố những đối tượng tham nhũng là rất quan trọng, theo ông Guterres.

Ông Guterres cũng gợi mở các chính phủ cũng có thể thúc đẩy nỗ lực chống tham nhũng bằng cách đảm bảo bộ máy tư pháp độc lập, xã hội dân sự mạnh, tự do báo chí và cơ chế bảo vệ hiệu quả những người chống tham nhũng. 

Cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ những nỗ lực này thông qua việc hành động hiệu quả hơn để chống nạn rửa tiền, trốn thuế và các luồng tài chính bất hợp pháp đang khiến nhiều quốc gia mất những nguồn lực vô cùng cần thiết, tức tiếp tay cho tham nhũng.

Đặc biệt, TTK LHQ cảnh báo tham nhũng có thể là ngòi nổ dẫn tới cho xung đột. “Xung đột càng lan rộng, tham nhũng càng có đất phát triển. Và ngay cả khi xung đột kết thúc, tham nhũng vẫn có thể cản trở sự phục hồi”, ông nói.

Tham nhũng làm suy yếu các tổ chức chính trị - xã hội. Những thể chế này sẽ luôn ở trong tình trạng khủng hoảng nhất trong thời gian xảy ra xung đột.

Theo TTK LHQ, các cuộc khảo sát về tham nhũng trên quy mô lớn do Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của LHQ tiến hành cho thấy nạn hối lộ công chức đặc biệt phổ biến tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Ông Guterres cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tận dụng các tiến bộ công nghệ để mở rộng sự tham gia của dân chúng vào việc quản lý đất nước và tăng trách nhiệm. 

Theo báo cáo của LHQ, tham nhũng tồn tại ở tất cả các quốc gia, cả giàu và nghèo, phía Bắc và phía Nam, cả các nước phát triển và đang phát triển. 

Theo ước tính của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tham nhũng gây thiệt hại ít nhất là 2.600 tỷ USD, hay 5% GDP. Còn theo Ngân hàng thế giới (WB), các công ty và cá nhân mỗi năm chi tới hơn 1.000 tỷ USD để hối lộ.