'Thế chiến thứ ba' trên mạng Internet?

(PLO) - Báo Độc lập (Nga) số ra gần đây có bài viết cho biết, Washington sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại các tổ chức đã thực hiện vụ tin tặc nhằm vào bà Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Mỹ. 
Tấn công trên mạng Internet đã ngày càng trở nên nguy hiểm.
Tấn công trên mạng Internet đã ngày càng trở nên nguy hiểm.

Theo đó, chính quyền Mỹ đã phát động một cuộc điều tra có liên quan đến các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, được phát động chống lại đảng Dân chủ Mỹ. Các quan chức không loại trừ khả năng sẽ áp đặt các lệnh cấm vận đối với các tên tội phạm này.

Đại diện của bà Hillary Clinton đã nhanh chóng đổ lỗi cho Moskva; tuy nhiên, ngay cả Nga cũng là nạn nhân của các vụ tấn công và Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) cho rằng có bóng dáng của Mỹ trong các vụ tấn công này.

Hàng chục nghìn email rò rỉ

Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với hãng NBC, Tổng thống Obama cáo buộc tin tặc Nga đã đánh cắp và làm rò rỉ hàng chục nghìn bức thư điện tử (e-mail) của Ủy ban Quốc gia của đảng Dân chủ (DNC), đồng thời không loại trừ khả năng Moskva có thể can thiệp vào quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ. Chính phủ Nga ngay lập tức đã phủ nhận cáo buộc trên, cho rằng đây là những câu chuyện hoang đường do các chính trị gia Mỹ thêu dệt. 

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, DNC cho biết 3 quan chức cấp cao của đảng này đã từ chức, trong bối cảnh đảng Dân chủ tiến hành cuộc cải tổ sau khi xảy ra vụ xâm nhập hàng nghìn email gây xôn xao nội bộ ngay trước khi tiến hành Đại hội đảng toàn quốc vào tuần trước.

Theo Chủ tịch lâm thời DNC Donna Brazile, 3 quan chức gồm Giám đốc điều hành của DNC Amy Dacey, Giám đốc Truyền thông Luis Miranda và Giám đốc Tài chính Brad Marshall đã từ chức.

Vụ tấn công mạng nhằm vào DNC đã khiến nội bộ đảng Dân chủ bất hòa. Một số email do trang mạng WikiLeaks công bố cho thấy nhiều quan chức của đảng này đã thiên vị bà Clinton trước đối thủ là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders trong cuộc bầu cử sơ bộ. Vụ việc đã khiến Chủ tịch DNC Debbie Wasserman Schultz  phải từ chức.

Ngoài vụ tấn công mạng nhằm vào DNC, một mạng máy tính được sử dụng trong chiến dịch tranh cử của ứng cử viên tổng thống của đảng này là bà Hillary Clinton và ủy ban làm nhiệm vụ gây quỹ giúp các thành viên đảng Dân chủ chạy đua vào Hạ viện - cũng bị xâm nhập. 

Tấn công mạng

Chủ đề tấn công mạng đang là một trong những nội dung quan trọng nhất tại Diễn đàn An ninh ở Aspen. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) John Brennan, cũng giống như Trợ lý Tổng thống Mỹ Barack Obama về các vấn đề an ninh Nội địa Lisa Monaco đã rất "cẩn thận lựa chọn từ ngữ để tránh đề cập trực tiếp đến Nga".

Ông Brennan tuyên bố nếu xác định được thủ phạm các vụ tấn công này thì Chính phủ Mỹ sẽ phải xem xét để đưa ra "các hành động cần thiết". Ông này cũng nhấn mạnh rằng "sự can thiệp vào quá trình bầu cử Mỹ là một vấn đề rất nghiêm trọng".

Bà Monaco cũng tuyên bố rằng Nhà Trắng không loại trừ sẽ áp đặt các biện pháp đáp trả các vụ tấn công mạng. Bà này nhận định rằng Mỹ cần phải làm cho rõ ràng mọi chuyện trước khi có các hành động đáp trả bởi vì trong trường hợp này rất dễ dẫn đến nguy cơ "leo thang căng thẳng" nếu hiểu sai vấn đề.

Tờ New York Times đặt câu hỏi liệu Mỹ sẽ có hành động gì để đáp trả các vụ tấn công mạng vừa qua. Theo nguồn thông tin cao cấp, tờ báo này cho biết đó là một danh sách khá dài, từ việc tấn công mạng đáp trả vào hệ thống mạng của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) hay Tổng cục Tình báo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nga (GRU) cho tới áp đặt cấm vận các cá nhân đã tiến hành vụ tấn công mạng nhằm vào nước Mỹ (ví dụ như các hạn chế về kinh tế).

Trong khi đó, tờ ABC News dẫn lời ba cựu nhân viên tình báo Mỹ khẳng định rằng Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã tiến hành điều tra hai nhóm tin tặc có liên quan đến chính phủ Nga và rất có thể đã tham gia vào cuộc tấn công mạng kể trên. 

Ai tài trợ “chiến tranh mạng”?

Hãng Reuteurs dẫn nguồn tin cho rằng Phòng An ninh Nội địa thuộc Bộ Tư pháp Mỹ đã phát động một cuộc điều tra để tìm hiểu xem các vụ tấn công mạng này có đe dọa tới an ninh quốc gia Mỹ hay không. Cả hai cuộc điều tra này gần như dẫn đến kết luận rằng các cuộc tấn công mạng vừa qua được các nguồn lực nước ngoài tài trợ.

Ông Kenneth Geers, từng là nhà phân tích không gian mạng thuộc Lầu Năm Góc và là tác giả của cuốn sách về hoạt động mạng của Nga đã cho ABC News biết rằng ông không hoàn toàn tin rằng các vụ tấn công này là do Nga thực hiện, đồng thời cho biết thêm đôi khi ngay cả việc tìm được các chứng cứ cần thiết cũng chưa đủ chứng minh sự tham gia của các cá nhân hoặc các nhóm người cụ thể.

Trong khi đó, cựu Trưởng bộ phận tham mưu của NSA Rajesh Dae cho biết cơ quan này chỉ có thể chống lại tin tặc Nga bằng cách hợp tác với các cơ quan tình báo nước ngoài, hoặc dưới sự giám sát của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Ông này cũng nói thêm rằng các nhà chức trách Nga thực sự "đã có một mục đích thăm dò rõ ràng".

Một đại diện khác của NSA lưu ý rằng cơ quan này có đủ khả năng về kỹ thuật và có thẩm quyền pháp lý để "truy cập ngược lại vào hệ thống máy tính" thủ phạm của vụ tấn công: "Đó là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng là một trong những nhiệm vụ của chúng tôi".

Thậm chí trước khi có kết quả của vụ điều tra thì Robby Mook, người quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, đã vội vàng đổ tội các cuộc tấn công này cho Moskva. Theo ông này, Nga tấn công mạng Mỹ để hỗ trợ ứng cử viên Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa - đối thủ của bà Clinton. Trong khi đó, ứng cử viên tỷ phú gọi đây là điều "vô lý và xa vời".

“Thế chiến thứ ba”?

Người ta không thể loại trừ khả năng Mỹ đã đáp trả Nga vì các vụ tấn công vào đảng Dân chủ. Ngày 30/7, FSB đã công bố rằng trong các mạng lưới máy tính của 20 "cơ sở hạ tầng quan trọng" của Nga tìm thấy các phần mềm độc hại cho phép giám sát nhân viên và truy cập được các thông tin mật.

Cơ quan an ninh Nga cho biết đây là kết quả của một "kế hoạch chuyên nghiệp" đã khiến "lây nhiễm nguồn thông tin của các cơ quan công quyền và quản lý, các tổ chức khoa học và quân sự, các doanh nghiệp thuộc khu tổ hợp quân sự-công nghiệp và nhiều đối tượng khác của các cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước".

Hiện còn chưa rõ ai đứng đằng sau các vụ tấn công này. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban Hạ viện Nga về các vấn đề an ninh và chống tham nhũng Dmitry Gorovtsov đã phỏng đoán Mỹ là tác giả của các vụ tấn công này.

Vị nghị sỹ này cho biết: "Điều này mang lại lợi ích trước hết là cho nước Mỹ. Phần mềm của các công ty Microsoft, Oracle có thể làm được tất cả, và tất nhiên, chúng là mối đe dọa đối với an ninh thông tin của chúng tôi, và không chỉ an ninh thông tin".

Các chuyên gia cũng đồng tình rằng Internet đã trở thành một chiến trường thực sự, nơi hội tụ các "chiến binh" hàng đầu trên thế giới. Phó Trưởng khoa Luật thuộc Viện Kinh tế, Quản lý RSUH Sergey Liauchuk cho biết: "Cuộc Chiến tranh Thế giới thứ ba đã bắt đầu, và nó được thực hiện trong lĩnh vực điện tử, nơi chiến thắng có thể giành được bằng việc sử dụng các phương tiện truyền thông điện tử"...

Vụ rò rỉ thư điện tử sẽ không làm thay đổi quan hệ với Nga

Ngày 2/8, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố nếu Nga có liên quan đến việc xâm nhập thư điện tử các tổ chức của đảng Dân chủ thì ông sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin, song việc này sẽ không làm thay đổi lớn đến quan hệ hai nước.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung tại thủ đô của Mỹ trong chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Obama thừa nhận Mỹ có nhiều bất đồng với Nga về một loạt vấn đề, nhưng hai bên đã cố gắng tập trung vào những lĩnh vực có lợi ích chung, trong đó có nỗ lực chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syria.

Nếu phía Nga can dự vào việc xâm nhập thư điện tử của đảng Dân chủ thì đó chỉ là một trong danh sách dài các vấn đề mà ông và người đồng cấp Nga sẽ thảo luận.

Đọc thêm