Thế giới lặng lẽ đón năm mới

(PLVN) - Khác với mọi năm, người dân trên thế giới đón năm mới 2021 trong bầu không khí có phần lặng lẽ hơn bởi những quy định về phòng chống đại dịch COVID-19. Bởi đại dịch, mọi người nhận ra rằng nơi an toàn nhất để đón năm mới 2021 không phải là ở những điểm du lịch nổi tiếng mà là chính tại ngôi nhà của mình.
Thế giới lặng lẽ đón năm mới
Một tấm bảng kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài để ngừa dịch COVID-19 ở Oxford, Anh. Ảnh:Reuters
Một tấm bảng kêu gọi người dân hạn chế ra ngoài để ngừa dịch COVID-19 ở Oxford, Anh. Ảnh:Reuters

Tại Anh, những tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt vì biến thể mới của SARS-CoV-2. Nước này ghi nhận 50.023 trường hợp mắc mới vào ngày 30/12, trong đó có 981 bệnh nhân tử vong.

Trước tình hình trên, người dân Anh được khuyến cáo không nên tổ chức tiệc mừng năm mới trong đêm 31/12. Chính phủ Anh đồng thời ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn về giãn cách xã hội.

Pháo hoa trên Cầu Tháp bắc qua sông Thames ở thủ đô London, Anh mà không có người dân xung quanh như mọi năm - Ảnh:Reuters.
Pháo hoa trên Cầu Tháp bắc qua sông Thames ở thủ đô London, Anh mà không có người dân xung quanh như mọi năm - Ảnh:Reuters.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kêu gọi người dân tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội và "đón năm mới ở nhà một cách an toàn".

Thời điểm chuyển giao năm mới và năm cũ cùng là lúc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chấm dứt 48 năm làm thành viên của khối, sau khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit hết hiệu lực vào 23h giờ địa phương (6h giờ Hà Nội).

Cảnh sát Paris đi tuần trên đại lộ Champs Elysees để giám sát lệnh giới nghiêm. Ảnh:AFP
Cảnh sát Paris đi tuần trên đại lộ Champs Elysees để giám sát lệnh giới nghiêm. Ảnh:AFP

Pháp là một trong những quốc gia ở châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 với 2,6 triệu ca nhiễm và hơn 64.000 ca tử vong tính đến ngày 30/12.

Xe cảnh sát đỗ trước Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris. Ảnh:AFP
Xe cảnh sát đỗ trước Khải Hoàn Môn ở thủ đô Paris. Ảnh:AFP

Chính phủ Pháp thông báo sẽ triển khai 100.000 cảnh sát và hiến binh vào đêm giao thừa để giữ các bữa tiệc và đám đông mừng năm mới trong tầm kiểm soát. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin cho biết lệnh giới nghiêm sẽ được thực thi từ 20h ngày 31/12 đến 6h ngày 1/1/2021 trên toàn quốc. Động thái này được cho là một phần của "cuộc chiến chống tụ tập trái phép ở nơi công cộng và tình trạng bạo lực đô thị".

Sự kiện hạ quả cầu pha lê truyền thống vào phút chuyển giao năm mới tại quảng trường Thời đại ở New York vẫn được tiến hành nhưng không có khán giả - Ảnh: AP

Sự kiện hạ quả cầu pha lê truyền thống vào phút chuyển giao năm mới tại quảng trường Thời đại ở New York vẫn được tiến hành nhưng không có khán giả - Ảnh: AP

Tại Mỹ, ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới, sự kiện hạ quả cầu pha lê truyền thống vào phút chuyển giao năm mới tại quảng trường Thời đại ở New York vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, thay vì được chào đón bởi hàng triệu người đổ về mừng năm mới, sự kiện năm nay diễn ra âm thầm hơn, bởi quảng trường Thời đại sẽ đóng cửa với công chúng để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Pháo hoa và nhạc hội mừng năm mới 2021 tại Brandenburg Tor, Berlin. Ảnh:Reuters
Pháo hoa và nhạc hội mừng năm mới 2021 tại Brandenburg Tor, Berlin. Ảnh:Reuters

Chính phủ Đức đang phong tỏa một số điểm nóng của dịch COVID-19 trong lãnh thổ nước này, đồng thời duy trì quy định cách ly xã hội trên diện rộng.

Với gần 1,7 triệu ca nhiễm và hơn 32.000 trường hợp tử vong vì COVID-19 tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel nhận định 2020 là năm khó khăn nhất trong 15 năm bà đảm nhận vai trò lãnh đạo đất nước.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn bày tỏ hy vọng người dân nước này sẽ đón một "đêm giao thừa yên tĩnh nhất" trong ký ức đời mình.

Thủ đô Berlin vẫn tổ chức trình diễn ánh sáng, bắn pháo hoa và nhạc hội Willkommen 2021 (Chào mừng 2021) trước Brandenburg Tor, tuy nhiên, giới chức trước đó đã ngăn các tuyến đường dẫn tới địa điểm tổ chức sự kiện để hạn chế dân chúng tụ tập.

Đường phố Seoul trống trải trong đêm cuối cùng của năm 2020 - Ảnh: Reuters
Đường phố Seoul trống trải trong đêm cuối cùng của năm 2020 - Ảnh: Reuters

Tại Hàn Quốc, chính phủ đã đóng cửa các bãi biển tại thành phố Gangueng, nằm ở vùng biển phía đông. Các bãi biển ở Gangueng là nơi người dân có truyền thống đến ngắm bình minh đầu tiên của năm mới.

Trong khi đó, lễ rung chuông Bosingak tại Seoul cũng bị hủy lần đầu tiên kể từ năm 1953. Dù vậy, người dân vẫn có thể chứng kiến buổi lễ Bosingak "ảo" trên trang web của thành phố.

Hàn Quốc hiện vẫn áp đặt các giới hạn nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch COVID-19.

Triều Tiên vẫn tổ chức bắn pháo hoa mừng năm mới 2021 - Ảnh chụp màn hình
Triều Tiên vẫn tổ chức bắn pháo hoa mừng năm mới 2021 - Ảnh chụp màn hình

Trái ngược với cảnh tượng ở Hàn Quốc, thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên ngày cuối năm nhộn nhịp với các hoạt động nhạc hội và bắn pháo hoa. Quốc gia này vẫn mừng năm mới mặc cho đang áp đặt nhiều lệnh giới hạn nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Hình ảnh từ truyền hình quốc gia Triều Tiên cho thấy người tham gia đón giao thừa tại Bình Nhưỡng đều đeo khẩu trang nhưng đứng sát nhau tại quảng trường Kim Nhật Thành.

Cầu nguyện tại Đền Zojoji, Tokyo, Nhật Bản, vào đêm giao thừa - Ảnh: AFP
Cầu nguyện tại Đền Zojoji, Tokyo, Nhật Bản, vào đêm giao thừa - Ảnh: AFP

Giây phút giao thừa tại Nhật Bản năm nay đã không thể trọn vẹn vì thời tiết xấu và COVID-19. Nhiều sự kiện tại đây đã phải hủy và các dịch vụ công cộng cũng bị giảm thiểu.

Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản đã hủy sự kiện mừng năm mới trong ngày 2/1 vì dịch bệnh. Tại buổi lễ này, Nhật hoàng Naruhito và các thành viên hoàng tộc sẽ đón nhận lời chúc năm mới từ người dân. Các đền thờ tại Nhật Bản cũng kêu gọi người dân không đến cầu nguyện vào đêm giao thừa và ngày đầu năm.

Màn bắn pháo hoa tại khu vực cảng gần Nhà hát Opera Sydney, thành phố Sydney - Ảnh:Reuters
Màn bắn pháo hoa tại khu vực cảng gần Nhà hát Opera Sydney, thành phố Sydney - Ảnh:Reuters

Australia năm nay không còn cảnh tượng người dân nhộn nhịp đi xem pháo hoa tại khu vực cảng gần Nhà hát Opera Sydney, thành phố Sydney. Vì đại dịch, các khu vực gần cảng đã bị phong tỏa, các công viên nổi tiếng cũng bị đóng cửa. Chính quyền địa phương chỉ cho phép người dân đến một số khu vực được giám sát nghiêm ngặt.

Các chương trình bắn pháo hoa cũng được phép diễn ra nhưng chỉ giới hạn trong 7 phút.

Lễ hội chiếu đèn laser tại tháp Sky Tower, thành phố Auckland, New Zealand - Ảnh: Newzealand Herald
Lễ hội chiếu đèn laser tại tháp Sky Tower, thành phố Auckland, New Zealand - Ảnh: Newzealand Herald

Thời khắc giao thừa của New Zealand diễn ra vào lúc 18h ngày 31/12 giờ Việt Nam. Một số nơi như thành phố Auckland và thành phố Tauranga của nước này đã bắt đầu chương trình bắn pháo hoa mừng năm mới. Người dân New Zealand vẫn có thể đón năm mới như thường lệ, vì quốc gia này kiểm soát thành công virus sau 7 tuần phong tỏa nghiêm ngặt.

Một người bán hàng rong vào đêm giao thừa vắng vẻ ở Jakarta, Indonesia - Ảnh:Reuters
Một người bán hàng rong vào đêm giao thừa vắng vẻ ở Jakarta, Indonesia - Ảnh:Reuters

Tại Indonesia, chính quyền thủ đô Jakarta đã siết chặt các biện pháp chống dịch, ngăn người dân tụ tập ăn mừng năm mới.

Theo Jakarta Post, khoảng 94 tuyến đường và địa điểm công cộng tại thủ đô Indonesia đã bị đóng cửa hoặc giới hạn trong đêm giao thừa để ngăn đám đông tụ tập và ăn mừng. Cảnh sát tại đây cũng đặt 11 chốt an ninh tại vùng ngoại ô để giới hạn việc ra vào thành phố.