Thế giới tiếc thương ông Nelson Mandela

(PLO) - Trong gần 7 thập kỷ đấu tranh vì tự do và công bằng, ông Nelson Mandela đã truyền cảm hứng và thúc giục thế giới đấu tranh vì người khác. Khi tin tức về sự ra đi của ông được công bố, các nguyên thủ quốc gia, các vận động viên, ngôi sao giải trí và người dân ở trên khắp thế giới đều dành những điều tốt đẹp về cuộc đời và di sản của nhà cựu lãnh đạo Nam Phi. 
Thế giới tiếc thương ông Nelson Mandela
Cuộc đời nhiều biến động
Ông Mandela sinh ngày 18/7/1918 tại một ngôi làng nhỏ ở miền Đông Nam Phi. Ở tuổi 23, ông Nelson Mandela tới Johannesburg và trở thành một trong những luật sư da đen đầu tiên. Ông gia nhập Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vào năm 1943. Năm 1952, ông mở văn phòng luật tại Johannesburg với ông Oliver Tambo - một người chung chí hướng chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid.
Năm 1956, ông Mandela bị cáo buộc tội phản nghịch cùng với 155 nhà hoạt động khác và bị tống giam 5 năm. Làn sóng phản kháng chống lại chủ nghĩa Apartheid sau đó dâng cao vì luật mới được thông qua, trong đó quy định những nơi mà người da đen được quyền sống và làm việc. Đảng ANC cũng bị cấm hoạt động. 
Sự kiện 69 người da đen bị cảnh sát bắn chết trong đợt biểu tình ở thị trấn Sharpville đã đánh dấu chấm hết cho những phản kháng hòa bình và ông Mandela, khi đó đã là Phó Chủ tịch toàn quốc của ANC, quyết định chuyển sang đấu tranh bằng vũ trang. Song, ông đã bị bắt và bị cáo buộc tội phá hoại và dùng bạo lực lật đổ chính quyền. 
Tự bào chữa trước phiên tòa tại Rivonia, ông Mandela dùng vành móng ngựa làm nơi chuyển tải niềm tin của mình về dân chủ, tự do và bình đẳng. “Tôi ca tụng lý tưởng dân chủ và xã hội tự do, nơi mọi người chung sống hòa hợp và có các cơ hội như nhau. Đó là lý tưởng mà tôi hy vọng được sống vì nó, sống để tạo dựng nó. Nhưng nếu cần thì tôi cũng sẵn sàng chết vì lý tưởng đó” – ông Mandela tuyên bố. Mùa đông năm 1964, ông bị kết án tù chung thân.
Ông bị cầm tù tại đảo Robben suốt 18 năm trước khi bị chuyển sang nhà tù Pollsmoor trên đất liền vào năm 1982, thậm chí cả khi mẹ và con trai mất ông cũng không được dự tang. Trong thời gian này, tiếng tăm của ông ngày càng lan rộng, ông trở thành biểu tượng của đấu tranh. Năm 1980, ông Oliver Tambo, khi đó đang sống lưu vong, đã tiến hành chiến dịch vận động quốc tế đòi thả ông Nelson Mandela. 
Cộng đồng thế giới đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nam Phi từ năm 1967 nhằm chống lại chế độ Apartheid. Áp lực mạnh mẽ đã đem lại kết quả. Năm 1990, Tổng thống FW de Klerk bỏ lệnh cấm đối với ANC. Ông Mandela được trả tự do và việc đàm phán nhằm hình thành một xã hội dân chủ đa chủng tộc ở Nam Phi được khởi đầu.
Tháng 12/1993, ông Mandela và ông De Klerk được trao Giải Nobel Hòa bình. 5 tháng sau, lần đầu tiên trong lịch sử Nam Phi, toàn bộ các chủng tộc ở nước này đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử dân chủ và ông Mandela được bầu làm Tổng thống. Trong thời gian sau đó, ông tập trung xây dựng một hình ảnh quốc tế mới cho Nam Phi. Ông đã thành công trong việc thuyết phục các tập đoàn đa quốc gia tiếp tục ở lại và đầu tư vào Nam Phi. 
Sau khi rời khỏi cương vị Tổng thống vào năm 1999, ông Mandela tiếp tục tham gia vận động chống lại HIV/AIDS và giành quyền đăng cai World Cup 2010 cho Nam Phi. Ông cũng tham gia vào quá trình đàm phán hòa bình ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Burundi và các nước châu Phi khác. Năm 2004, ở tuổi 85, ông rời khỏi đời sống xã hội để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và để “yên lặng suy ngẫm”.
“Một ánh sáng vĩ đại đã rời bỏ thế giới”
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cho hay: “Người đồng chí của người dân Nam Phi, ông Nelson Mandela đáng kính, vị Tổng thống sáng lập đất nước dân chủ của chúng ta đã ra đi. Ông qua đời trong yên bình bên những người thân trong gia đình lúc 20h50 ngày 5/12/2013. Ông ấy giờ đang yên nghỉ trong hòa bình. Đất nước của chúng ta đã mất đi người con vĩ đại nhất”. 
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, người dân Nam Phi đã tập trung tại Johannesburg và Soweto để bày tỏ lòng tiếc thương đối với ông Mandela. Hàng loạt lãnh đạo trên thế giới cũng đã chia sẻ những dòng tưởng nhớ đến ông và gửi lời chia buồn tới người dân Nam Phi. “Ông đã không còn thuộc về chúng ta. Giờ đây, ông thuộc về thời đại” - Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ. Thay mặt Liên Hợp quốc, Tổng Thư ký Ban Ki-moon gọi ông Mandela là “người khổng lồ vì công lý”. 
Thủ tướng Anh David Cameron thì xúc động: “Một ánh sáng vĩ đại đã rời bỏ thế giới. Ông Nelson Mandela là một anh hùng của thời đại chúng ta”. Ông Camreon cũng cho biết đã yêu cầu treo cờ rủ trước Dinh Thủ tướng. Tổng thống Pháp Francois Hollande ca ngợi ông Nelson Mandela là người “đã làm nên lịch sử của Nam Phi và cả thế giới”. 
Cựu Tổng thống Mỹ George Bush thì cho biết ông đang tưởng nhớ “một trong những người đại diện vĩ đại nhất của tự do”. “Người đàn ông vĩ đại này sẽ luôn được tưởng nhớ, và di sản của ông sẽ sống mãi với thời gian” – ông Bush nói. Một cựu lãnh đạo khác của Mỹ là ông Bill Clinton trong khi đó đăng tải bức ảnh của ông và “người bạn” và nói: “Hôm nay, thế giới đã mất đi một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất và là một trong những nhân cách vĩ đại nhất”. 
Các nhà lãnh đạo châu Phi và nhiều nước khác trên thế giới cũng đã bày tỏ sự tiếc thương đối với nhà lãnh đạo vĩ đại. Sự ra đi của ông Mandela cũng đã gây xúc động mạnh đối với các doanh nhân, các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người đứng đầu các tổ chức quốc tế, nhà văn, học giả, nhân vật giải trí, nhà vận động trên thế giới.  

Đọc thêm