Thế giới tôn vinh cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu

(PLO) - “Cha đẻ của đất nước Singapore” Lý Quang Diệu sáng qua (23/3) từ trần trong sự tiếc nuối của hàng triệu người dân đảo quốc Sư tử. Các nhà lãnh đạo và người dân trên thế giới cũng đã dành những lời tốt đẹp nhất để bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của nhân vật được ca ngợi là xuất chúng.
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
“Nỗi đau không diễn tả nổi”
Văn phòng Thủ tướng Singapore trong bản tin phát đi rạng sáng 23/3 cho biết ông Lý Quang Diệu đã qua đời nhẹ nhàng lúc 3h18 ngày 23/3 tại Bệnh viện Quốc gia Singapore (SGH), hưởng thọ 91 tuổi. Ông Lý nhập viện từ ngày 5/2/2015 do viêm phổi nặng và phải thở bằng máy. Từ ngày 17/3, tình trạng của ông liên tục xấu đi trước khi niềm hy vọng của người dân vào sự bình phục của ông chấm dứt vào sáng 23/3. 
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, trong một bài phát biểu cùng ngày cho biết ông “đau buồn không thể diễn tả nổi” trước sự ra đi của người cha.
“Ông đã là nguồn cảm hứng cho chúng ta, trao cho chúng ta lòng dũng cảm, giữ chúng ta đoàn kết với nhau và mang chúng ta đến đây. Ông đã đấu tranh vì độc lập, xây dựng đất nước nơi mà không ai không tự hào là người Singapore. Chúng ta sẽ không thể nhìn thấy một người đàn ông nào khác như ông Lý Quang Diệu” - ông Lý Hiển Long phát biểu đầy xúc động.
Trong bài phát biểu trước đó, ông Lý Hiển Long đã tuyên bố 7 ngày quốc tang để tưởng nhớ người sáng lập và là cựu Thủ tướng của nước Cộng hòa Singapore. Thi thể ông Lý sẽ được quàn tại Tòa nhà Quốc hội từ ngày 25 tới ngày 28/3 để người dân tới viếng. Tang lễ cấp Nhà nước dành cho ông sau đó được tổ chức vào chiều 29/3 tại Trung tâm văn hóa của Trường Đại học Quốc gia Singapore. 
“Người khổng lồ”
Sự ra đi của ông Lý đã khiến người dân Singapore vô cùng đau buồn. Người bán hàng June Tay Mae Sann, 37 tuổi, cho biết cô đã bỏ cả bữa trưa để đi viếng ông Lý. “Tôi làm gần đây nhưng việc làm xa hay gần cũng chẳng quan trọng vì ông Lý chính là người về cơ bản đã dựng nên đất nước của tôi” – bà Tay nói.
Người phụ nữ này nức nở cho hay, dù hầu hết người dân Singapore trong thời gian qua đều đã có sự chuẩn bị sẵn cho sự ra đi của ông Lý nhưng “mọi thứ vẫn rất khác khi sự việc xảy ra”. Cũng trong ngày hôm qua, hàng nghìn người dân Singapore đã đến đặt hoa chia buồn và bày tỏ lòng cảm ơn của họ trước ông Lý tại nơi ông đang yên nghỉ.
Các nhà lãnh đạo quốc tế cũng đã dành những lời đẹp đẽ nhất để bày tỏ lòng thành kính của họ trước sự ra đi của ông Lý. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi ông Lý như một người có tầm nhìn chiến lược và là một người khổng lồ thực sự của lịch sử.
“Là một người có tầm nhìn xa, đã lãnh đạo đất nước của ông từ một nước Singapore độc lập vào năm 1965 thành một trong những đất nước thịnh vượng nhất trên thế giới hiện nay, ông là một công chức tận tâm và xuất chúng. Ông ấy là một người khổng lồ thực sự của lịch sử và sẽ được nhiều thế hệ tương lai nhớ đến như người cha của Singapore hiện đại, một trong những nhà chiến lược vĩ đại nhất của châu Á” – ông Obama cho biết trong phát biểu chia buồn. 
Thủ tướng Anh David Cameron trong khi đó khẳng định ông Lý sẽ luôn được lịch sử ghi nhận là một nhà lãnh đạo, một trong những chính khách lỗi lạc nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Thủ tướng Australia Tony Abbott cũng ca ngợi ông Lý Quang Diệu là một người khổng lồ của khu vực. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong khi đó nhìn nhận ông Lý là một nhà lãnh đạo vĩ đại của châu Á – người đã đặt nền móng cho sự thịnh vượng của Singapore hiện nay.
Còn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi ông Lý là một con sư tử trong các nhà lãnh đạo. “Cuộc đời ông Lý Quang Diệu đã dạy cho tất cả mọi người những bài học quý giá. Tin tức về sự ra đi của ông thực sự rất đau lòng” – ông Modi viết. 
Con người dám nghĩ, dám làm
Ông Lý Quang Diệu nổi tiếng vì là người đàn ông không hề sợ hãi, dám thách thức những tư tưởng phổ biến hiện tại. Sân bay Changi – một biểu tượng của phép lạ kinh tế của Singapore – là ví dụ điển hình cho điều này.
Cụ thể, khi Singapore muốn mở rộng các hoạt động của sân bay ở thành phố này vào đầu những năm 1970, một nhà tư vấn hàng không người Anh đã đề xuất xây dựng một đường bay thứ 2 tại sân bay hiện có lúc đó tại Paya Lebar nhằm giảm chi phí thu hồi đất và tái định cư. Nội các Singapore lúc bấy giờ chấp nhận khuyến nghị trên. Cả các nhà tư vấn người Mỹ lẫn Ủy ban gồm các quan chức cấp cao của Singapore cũng thống nhất với ý kiến xây đường băng ở Paya Lebar.
Mặc dù vậy nhưng ông Lý vẫn không chắc chắn rằng phương án trên là khôn ngoan và phù hợp với sự phát triển bền vững của Singapore trong dài hạn. Ông nhớ lại những bài học đã thu được trong các chuyến đi của mình. “Tôi đã bay tới sân bay Logan của Boston và thấy ấn tượng bởi tiếng ồn của máy bay khi cất cánh và hạ cánh. Một đường băng thứ 2 tại Paya Lebar sẽ khiến máy bay bay ngay ở trung tâm thành phố Singapore. Chúng tôi sẽ phải gánh ô nhiễm tiếng ồn trong nhiều năm” – ông Lý cho biết. 
Để đánh giá kỹ lưỡng ý tưởng của mình, ông Lý quyết định lập một ủy ban để nghiên cứu về phương án lập sân bay tại Changi. Báo cáo của nhóm làm việc này sau đó kết luận dự án Changi là có thể làm được. Với báo cáo đó, bất chấp việc cuộc khủng hoảng dầu mỏ nổ ra vào năm 1973 và việc tăng trưởng tại Đông Nam Á trở nên bất ổn do cuộc chiến tranh tại Việt Nam, ông Lý vẫn quyết định đánh “canh bạc 1 tỉ SGD” vào năm 1975 nhằm xây dựng sân bay Changi mới. 
Trong quá trình này, hàng loạt  ngôi nhà đã bị phá bỏ, hàng ngàn ngôi mộ được khai quật, những đầm lầy được dọn sạch, đất biển được cải tạo. Việc xây dựng được rút ngắn xuống còn 6 năm thay vì 10 năm như kế hoạch. Bù lại, “canh bạc” đó đã được trả giá xứng đáng, đưa Singapore trở thành một đầu mối du lịch, hàng không và kinh tế quan trọng.
Đây là một trong số đầy rẫy những “câu chuyện không thể xảy ra” đã được ông Lý xoay chuyển thành chuyện có thể trong quá trình đưa đất nước Singapore từ một nước thuộc thế giới thứ 3 chuyển thành một nước phát triển giàu mạnh, gần bằng những nước phát triển nhất thế giới.
“Trong tình thế đất nước đang phát triển, các bạn cần một người lãnh đạo không chỉ hiểu những lập luận thông thường mà cần một người hiểu được liệu việc làm đó có phù hợp với hoàn cảnh của đất nước hay không. Đừng bận tâm những người Anh, người Australia hay người New Zealand làm gì. Đây là Singapore. Liệu việc làm đó có phù hợp với tình thế của chúng ta hay không mới là quan trọng” – ông từng nói.
Tất cả sự táo bạo, dám nghĩ, dám làm, các quyết sách kinh tế - giáo dục đúng đắn, chính sách loại trừ tham nhũng triệt để… của ông Lý Quang Diệu chính là nhân tố đưa Singapore từ một nước nghèo khổ trở thành một trong những con rồng châu Á giàu mạnh như hiện nay./.