Theresa May - “Bà đầm thép” 2.0

(PLO) - Sau khi đảng Bảo thủ của nước Anh xác nhận Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đã chính thức được bầu chọn làm người đứng đầu đảng này và sẽ sớm nhậm chức Thủ tướng Anh, bà Theresa May khẳng định muốn Anh quốc đạt được một thỏa thuận có lợi nhất về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Anh quốc sẽ có một vai trò mới trên thế giới. 
“Bà đầm thép” 2.0 Theresa May
“Bà đầm thép” 2.0 Theresa May

Việc bổ nhiệm tân Thủ tướng Anh diễn ra sớm hơn dự kiến do Thứ trưởng Năng lượng và Biến đổi Khí hậu Andrea Leadsom Andrea Leadsom, người ủng hộ Brexit, vào sáng 11/7 đã quyết định rút lui khỏi cuộc đua. Ngay lập tức, Thủ tướng David Cameron thông báo chính thức từ chức trong phiên chất vấn thủ tướng hàng tuần vào thứ Tư -ngày 13/7. 

“Bà đầm thép” 2.0

Thủ tướng Anh David Cameron, người sẽ từ chức sau sự kiện cử tri Anh chọn rời EU (Brexit), đã tuyên bố ông sẽ đệ đơn từ chức lên Nữ hoàng Elizabeth II sau phiên chất vấn trước Quốc hội. Như vậy, bà Theresa May sẽ trở thành nữ Thủ tướng thứ hai của Anh quốc, sau bà Margaret Thatcher (1979-1990). 

Bà Margaret Thatcher khi làm Thủ tướng nước Anh đã thay đổi bộ mặt nước Anh và cùng Tổng thống Ronald Reagan của Mỹ tạo ra nhiều thay đổi trên thế giới. Nhiều ngày qua truyền thông bắt đầu so sánh bà Theresa May với tên tuổi của bà Margaret Thatcher. Bà May đã ngồi lại chiếc ghế Bộ Nội vụ lâu nhất trong tất cả các đời Bộ trưởng trong lịch sử nước Anh. Người ta bắt đầu thấy hình ảnh của một bà Bộ trưởng cứng rắn, sẵn sàng có những bước đi mới để giải quyết các vấn đề di cư, di trú, không sợ chỉ trích từ trong nước hay rào cản ở nước ngoài. 

Hiện bà May đang chịu sức ép để đưa ra kế hoạch cho việc thực hiện lộ trình đưa nước Anh rời khỏi EU một cách thành công. Các nhà lãnh đạo EU cảnh báo bất kỳ sự trì hoãn nào trong tiến trình này đều có thể kéo dài những bất ổn kinh tế vốn đang làm xáo trộn các thị trường tài chính nước Anh cũng như thế giới trong những ngày qua.

Trên lý thuyết, bà Theresa May có thể thông báo thời điểm Anh “chia tay” EU ngay trong diễn văn nhậm chức vào ngày 13/7, nhưng có lẽ sớm nhất phải vào ngày 20/7, bà mới trình bày cụ thể trong phiên chất vấn Thủ tướng hàng tuần đầu tiên của bà, sau khi đã thành lập đủ nội các. Sau đó bà sẽ gặp các lãnh đạo của Liên minh châu Âu trong vai trò Thủ tướng và khi ấy mới có lộ trình cụ thể. 

Người “giữ nhịp” đoàn kết

Bà May là người bỏ phiếu muốn nước Anh ở lại EU. Mặc dù bà tuyên bố sẽ thể theo ý nguyện của dân chúng là từ bỏ tư cách thành viên EU, nhưng có thể thấy con đường đi của bà sẽ là giữ lại những gì có thể giữ để mối quan hệ giữa Anh quốc và châu Âu vẫn còn tiếp tục suôn sẻ, đặc biệt là tư cách trong khối kinh tế chung.

Bản thân bà Theresa May đã tháp tùng Thủ tướng David Cameron trong các cuộc đàm phán về cải tổ EU cho nên có lẽ hiện nay, bà là người nắm rõ tình hình nhất để chèo lái con thuyền nước Anh trong giai đoạn này. Tuy nhiên, với những biến động vô cùng bất ngờ chỉ trong vòng vài tuần qua, thật khó có thể đoán trước được tình hình trong những ngày tới sẽ như thế nào. 

Báo kinh tế Les Echos (Pháp) nhận định, tân Thủ tướng Anh sẽ là người đoàn kết các phe phái trong đảng Bảo Thủ cầm quyền, bởi bà Theresa May tuy là “người ủng hộ phe chống Brexit”, nhưng trên thực tế, đương kim Bộ trưởng Nội vụ lại là “người hoài nghi châu Âu”. Les Echos dự đoán về việc Anh ra khỏi châu Âu, bà Theresa May sẽ thương thuyết rất quyết liệt với Brussels. Về mặt đối nội, bà Theresa May công bố “chương trình hành động”, với ưu tiên chống bất bình đẳng, kiểm soát lương của các chủ doanh nghiệp lớn, và nhà nước can thiệp mạnh hơn vào lĩnh vực công nghiệp. 

Việc “chiếc ghế” tân Thủ tướng nước Anh thuộc về bà Theresa May cũng được giới ngân hàng trong nước ủng hộ với hy vọng bà có thể kích hoạt các cuộc đàm phán về việc duy trì quyền tiếp cận của Vương quốc Anh đối với thị trường chung châu Âu sau khi nước này rời khỏi khối 28 nước thành viên.

Đây là một yêu cầu vô cùng quan trọng đối với các tổ chức tài chính vì những trụ sở tại Anh – một nước thành viên EU – lâu nay đã mang đến cho họ một tờ “giấy thông hành” để cung cấp dịch vụ từ nước Anh đi khắp châu Âu và tiết kiệm các khoản chi phí liên quan đến yêu cầu về vốn cũng như thiết lập mạng lưới tại các nước thành viên khác. Sau khi có thông tin chính thức bà May sẽ trở thành tân Thủ tướng Anh, thị trường chứng khoán toàn cầu đã có những phản ứng tích cực. 

Các nhà phân tích đã bày tỏ tin tưởng bà May - một chính trị gia giàu kinh nghiệm sẽ sớm dẫn dắt nước Anh lấy lại sự ổn định chính trị và giành được những thỏa thuận tốt nhất với EU về thương mại, kinh tế và dịch vụ cho nước Anh trong quá trình đàm phán về Brexit sau khi bà trở thành Thủ tướng Anh. Tuy nhiên trước mắt, nữ Thủ tướng thứ hai trong lịch sử nước Anh sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn và thách thức để điều hành đất nước thời hậu Brexit với một vị thế đã khác xa so với trước.

Đọc thêm