Thổ Nhĩ Kỳ vẫn trong 'tâm bão'

(PLO) - Thời gian này năm trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã rơi vào một cuộc khủng hoảng. Phe nổi dậy được vũ trang đã cố gắng lật đổ chính quyền đương nhiệm song thất bại và Tổng thống Tayyip Erdogan đã nhân cơ hội này tiến hành các hoạt động thanh trừng trong bộ máy chính quyền của mình và cả với những đối thủ tiềm tàng của ông. 
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp dù điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã qua
Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp dù điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã qua

Cuộc thanh trừng vẫn chưa kết thúc, còn Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp dù điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng đã qua và Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu ổn định. 

Nhìn từ Ankara

Ở phía Nam, tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) đang dần bị tiêu diệt. Tại Iraq, IS gần như mất hết kiểm soát đối với “thành trì” cuối cùng, trong khi tại Syria tổ chức này cũng bị tấn công bởi các lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn và chính quyền của Tổng thống Assad được Nga hỗ trợ.  Thổ Nhĩ Kỳ muốn IS bị đánh bại, song không hoàn toàn ủng hộ các bên tham gia cuộc chiến này bởi SDF là “hiện thân” của người Kurd tại Syria - những người bị Ankara xếp ngang hàng với IS, và từ trước khi cuộc nội chiến ở Syria xảy ra Ankara đã là “kẻ thù” của chính quyền Tổng thống Assad.

Phía Đông Nam, chính phủ khu vực của người Kurd (KRG) - một khu vực tự trị của người Kurd ở phía bắc Iraq - dường như quyết tâm hướng tới một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập vào ngày 25/9. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu KRG hoãn việc trưng cầu dân ý bởi họ lo ngại rằng một cuộc bỏ phiếu ủng hộ độc lập đồng nghĩa với việc sẽ có hàng triệu người Kurd đang sinh sống bên trong lãnh thổ hoặc tại biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. 

Xa hơn ở phía Nam, Iran và Saudia Arabia đang vừa ve vãn vừa đe dọa lẫn nhau. Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu can dự vào những mối quan hệ này khi tính tới khả năng hợp tác “có chừng mực” với Iran trong một số lĩnh vực có lợi ích chung. Trong khi đó, ở phía Bắc, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga vẫn hết sức phức tạp và chịu sự chi phối của mối quan hệ Nga - Mỹ. 

Theo chuyên gia Jacob L. Shapiro, phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với những thách thức này là điều đã trở thành nét đặc trưng trong chính sách đối ngoại của Ankara: đó là tìm cách cân bằng quan hệ với tất cả các bên nhưng không đưa ra cam kết chắc chắn đối với bất cứ bên nào. 

Ở giữa các cường quốc

Rất khó cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc cân bằng quan hệ với Nga và Mỹ hiện nay. Trong những năm tới, những vấn đề cấp thiết của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc Ankara lấn vào những khu vực mà Nga coi là năm trong tầm ảnh hưởng của mình. Trước mắt Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa sẵn sàng cho một xung đột như thế, và tạm thời, Nga đang là  nhân vật chính ở vùng Caucasus và là một nhân vật quyền lực tại khu vực Trung Đông. 

Việc Ankara vượt ra khỏi vòng ảnh hưởng của Nga sẽ phù hợp hơn với quan điểm của Mỹ đối với khu vực, song không phải là điều hoàn hảo. Mỹ tìm kiếm một sự cân bằng về quyền lực trong khu vực và muốn Ankara là một đồng minh thứ yếu; trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tự coi thấy mình là một thế lực mới nổi không cần phải làm theo mệnh lệnh của ai, kể cả Mỹ. 

Bên cạnh Ankara, Mỹ còn đặt sự chú ý trong quan hệ với Kiev. Truyền thông Nga và Ukraine đều trích dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho biết Mỹ đã phê chuẩn “việc cung cấp số trang thiết bị đặc biệt nhằm tăng cường khả năng phòng vệ của Ukraine”, trị giá 175 triệu USD. Dù truyền thông Mỹ đã bỏ sót chi tiết đặc biệt này thì cũng không thể nghi ngờ về những cam kết của ông Mattis trong cuộc gặp Tổng thống Ukraine. Ông Mattis cũng chỉ trích sự hung hăng của Nga và nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không tha thứ cho hành động xâm phạm lãnh thổ Ukraine của Nga. 

Một tầm nhìn phù hợp

Tất cả những vấn đề trên đều có tầm quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ và người Thổ hiện đang phải xây dựng một kế hoạch rõ ràng nhằm theo đuổi những lợi ích của mình mà không vượt quá khả năng. Mục tiêu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là “chế ngự” được người Kurd ở Syria - nhóm người có nhiều điểm chung với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn so với người Kurd ở Iraq - và đưa ra sự ủng hộ tối đa đối với Nga và Mỹ nhằm làm cho các chính sách của cả 2 cường quốc này phù hợp với những mối quan tâm trước mắt của Ankara. 

Cuộc đảo chính đã làm Thổ Nhĩ Kỳ suy yếu, đặc biệt là đối với tham vọng trở thành một cường quốc. Tuy nhiên, cuộc đảo chính cũng cho Tổng thống Erdogan một cơ hội giải quyết sự lộn xộn và theo đuổi các tham vọng lớn hơn. Bây giờ, sau một năm hồi phục, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng đóng vai trò quan trọng về quân sự đối với Mỹ, Nga và Iran. Thổ Nhĩ Kỳ giờ có quyền “rao giá” cho sự hỗ trợ của mình với các nước mà không cần ràng buộc mình với bất kỳ cam kết nào, ngoại trừ với những tham vọng trước mắt của nước này trong việc duy trì sự hòa hợp quốc gia, tái xây dựng sức mạnh kinh tế và quân sự, đồng thời để mặc các bên tự làm suy yếu chính họ thông qua việc đánh lẫn nhau. 

Thổ Nhĩ Kỳ muốn ở trong “mắt bão” càng lâu càng tốt, song cuối cùng Ankara không thể kiểm soát được mọi thứ xảy ra xung quanh mình...