Thủ phạm “ôm” kho tranh trị giá 900 triệu USD vẫn là ẩn số

(PLO) - Gần 30 năm trôi qua, nhưng đến giờ tung tính những bức tranh bị đánh cắp của các danh họa nổi tiếng như: Vermeer, Rembrandt, Govert Flinck, Édouard Manet, Degas… được trưng bày tại Viện Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở thành phố Boston, bang Massachusetts, Mỹ, có giá trị không dưới 900 triệu USD vẫn là một ẩn số.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giả mạo cảnh sát 

Vụ trộm xảy ra vào khoảng sau 12 giờ đêm ngày 18/3/1990, hai tên trộm giả dạng cảnh sát lái một chiếc xe bán tải màu đỏ, hiệu Dodge Daytona, đến viện Viện Bảo tàng Isabella Stewart Gardner. 

Vào lúc 1 giờ sáng, Richard Abath, nhân viên bảo vệ bảo tàng nhận bàn giao ca. Ông kiểm tra ổ khóa cổng chính và đi một vòng qua các phòng trưng bày rồi ký vào sổ trực, bảo đảm rằng ông đã thực hiện đúng mọi nguyên tắc an ninh đã được ban giám đốc bảo tàng quy định.

30 phút sau, hai người đàn ông giả dạng cảnh sát tiến tới gần cổng và nói với nhân viên bảo vệ là nhận được điện thoại gọi tới. Ông Richard Abath bước ra xem thì thấy một người trong trang phục cảnh sát. 

“Đèn trong sân khá sáng nên tôi nhớ là khuôn mặt người này hơi gầy, đeo kính cận và có ria mép. Anh ta nói với tôi là nhận được thông báo về những tiếng động lạ phát ra từ bên trong bảo tàng nên đề nghị tôi mở cửa.

Theo nguyên tắc, sau 6 giờ chiều không một người khách nào được phép vào bảo tàng nếu không có lệnh trực tiếp từ ban giám đốc nhưng tôi không biết lệnh cấm đó có áp dụng cho cả cảnh sát hay không. Hơn nữa, thái độ của người đàn ông rất đĩnh đạc và bộ quần áo anh ta đang mặc chứng tỏ đó là một sĩ quan nên tôi đã mở khóa”, ông Richard Abath khai với cảnh sát. 

Khi vào được bên trong, hai cảnh sát giả theo ông Abath đến phòng trực. “Vừa bước vào phòng, viên cảnh sát đi đầu nói với tôi là trông tôi giống một kẻ đang có lệnh truy nã nên yêu cầu tôi cho xem căn cước. Chưa kịp giải thích rằng đây có thể là sự hiểu lầm thì tôi đã bị đẩy vào sát tường. Khuôn mặt anh ta gần như chạm vào mặt tôi lúc gã còng tay tôi nên tôi biết chắc bộ râu là râu giả”, ông Richard Abath nói.  

Vài phút sau đó, theo “lệnh” của hai tên cướp, Richard Abath buộc phải nói qua điện thoại, gọi người bảo vệ thứ hai là Dawson xuống phòng trực. Cũng như Abath, Dawson nhanh chóng bị còng tay. 

“Người còng tay tôi có khuôn mặt mập và cũng có ria mép. Tôi hỏi họ lý do tại sao chúng tôi lại bị còng thì một trong hai tên trả lời: “Đưa chúng tao đến phòng tranh ngay”. Lúc này tôi hiểu rằng chúng là bọn cướp”, Dawson nói với cảnh sát. 

Hình ảnh Viện Bảo tàng Isabella Stewart Gardner.
Hình ảnh Viện Bảo tàng Isabella Stewart Gardner. 

“Tôi chắc rằng chúng đã nghiên cứu kỹ từ trước vì bảo tàng có rất nhiều phòng nhưng chúng chỉ chọn phòng Hà Lan - nơi trưng bày những tác phẩm của các họa sĩ người Hà Lan – trong đó có những bức tranh trị giá hàng trăm triệu USD”. Sau đó, hai tên cướp lôi hai bảo vệ trẻ xuống tầng hầm, còng tay vào đường ống cách nhau 40 mét, quấn băng dính quanh tay, chân và đầu.

“Hô biến” 13 bức tranh 

Hai tên cảnh sát hiện nguyên hình là những kẻ lưu manh. Chúng ném các khung tranh mạ vàng xuống nền đá cẩm thạch rồi dùng dao rạch lấy tranh vải. 

Đầu tiên, khi vào phòng Hà Lan, chúng đến trước bức “Chân dung tự họa” của danh họa Rembrandt vẽ năm 1634. Khi chúng đưa tay chạm vào bức họa lập tức chuông báo động réo vang. Một tên liền đập vỡ chuông. Kết quả phân tích từ máy ghi tiếng động chứng tỏ rằng cả hai gã đã cố kéo bức tranh xuống nhưng vì khung gỗ quá nặng, lại được bắt chặt vào tường bằng đinh vít nên chúng không lấy được.

Kết cục, 2 tên trộm đã lấy đi 13 tác phẩm nghệ thuật bao gồm: Bức “Chez Tortoni” của Édouard Manet, vẽ năm 1778; bức “Cortege và cảnh vật xung quanh Florence” của danh họa Degas vẽ năm 1857 cùng một số bức khác cũng của Degas, chúng chỉ tháo lấy tranh và bỏ lại khung gỗ. 

Đắt giá nhất trong số đó là bức vẽ “Buổi hòa nhạc” của danh họa người Hà Lan Johannes Vermeer vẽ năm 1664, được mua bởi nhà sưu tập nghệ thuật Isabella Stewart Gardner với giá 200 triệu USD và hai bức tranh “Bão trên biển Galilee”, “Một quý ông và một quý bà trong bộ trang phục đen” của danh họa Rembrandt.

Ngoài ra, chúng còn lấy một tượng đồng cổ Trung Quốc có từ đời nhà Thương, một con đại bàng bằng đồng đen, niên đại thế kỷ thứ 6. Đây cũng là con đại bàng được đúc bằng đồng đen duy nhất trên thế giới. Một số khác chúng không lấy được vì không tháo ra được, chẳng hạn như lá cờ Napoleon, có giá 50 triệu USD. 

Trước khi rời đi, chúng không quên xóa trắng đoạn băng trong hệ thống camera giám sát ghi lại quá trình ăn trộm kéo dài 81 phút từ lúc đỗ xe trước bảo tàng. Duy có một điều khó hiểu là, bọn trộm không động tới bức tranh vô giá “The Rape of Europa” dù vẫn có thời gian lấy vài chiếc kẹo socola từ máy bán hàng tự động.

Hung thủ đến nay vẫn là ẩn số

8 giờ sáng 18/3, ca trực bảo vệ ban ngày không thấy bảo tàng mở cửa nên đã báo cho ban giám đốc. 8 giờ 15 phút, cảnh sát đến và giải thoát cho Abath và Dawson. Theo giám đốc viện bảo tàng, trị giá của tất cả những thứ bị cướp là trên 900 triệu USD và ông sẵn sàng tặng 5 triệu USD cho bất cứ ai cung cấp thông tin để có thể tìm lại các bức tranh và 2 cổ vật này.

Ngay sau khi những thông tin về vụ cướp ở Viện Bảo tàng Isabella Stewart Gardner xuất hiện trên mặt báo và các phương tiện thông tin đại chúng, nó đã không chỉ gây chấn động với toàn nước Mỹ mà nó còn là sự tiếc nuối với khá nhiều người yêu hội họa trên toàn thế giới. Rất nhanh chóng, vụ việc được giao cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bởi lẽ các tác phẩm ấy có thể đã bị bọn cướp hoặc các đồng phạm bí mật đưa ra nước ngoài.

Chân dung 2 kẻ trộm do FBI phác thảo.
Chân dung 2 kẻ trộm do FBI phác thảo. 

Phối hợp với Cảnh sát Anh quốc, Hiến binh Nhật Bản, Cảnh sát quốc gia Pháp, Cơ quan Điều tra Liên bang Nga, Cảnh sát Liên bang Đức, Bộ An ninh công cộng Trung Quốc, Cảnh sát quốc tế Interpol..., FBI cùng các quốc gia này tiến hành dò tìm hàng nghìn đầu mối trong giới chuyên mua bán cổ vật bất hợp pháp - chủ yếu là các bức vẽ của các danh họa.

Bên cạnh đó, FBI còn cài người vào các viện bảo tàng tư nhân, các công ty chuyên mua bán, trao đổi các tác phẩm nghệ thuật và các nhà sưu tập tranh để nghe ngóng tin tức nhưng suốt 10 năm sau đó, họ không hề tìm thấy bất kỳ manh mối nào.

Theo lời một phát ngôn viên FBI, họ đã nắm được danh tính của hai nghi phạm. Một trong hai kẻ đó là Bobby Donati, thành viên của một tổ chức xã hội đen ở thành phố Boston. Tuy nhiên nghi phạm này đã bị bắn chết năm 1991 trong một cuộc đấu súng giữa các băng nhóm. 

Nghi phạm thứ hai là Robert Gentile - một trong những ông trùm xã hội đen ở bang Connecticut. Theo FBI, Robert Gentile biết rõ địa điểm cất giấu các bức tranh nhưng khi được mời lên làm việc, ông ta phủ nhận thông tin này. Mọi cuộc điều tra lại rơi vào bế tắc.

Giữa năm 2012, tin từ một cơ sở của FBI cho biết có một kẻ đang chào bán những bức tranh bị cướp, trong đó có bức “Bão trên biển Galilee” của danh họa Rembrandt. Vẫn theo lời cơ sở, kẻ bán tranh có lẽ không có kiến thức về các bức họa nên đã đưa ra cái giá rất “bèo”. Tuy nhiên sau cùng, tin bán tranh chỉ là “tin vịt”! 

Đầu năm 2017, Viện Bảo tàng Isabella Stewart Gardner tăng số tiền thưởng lên 10 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc thu hồi các bức tranh bị cướp. Song song với những việc này, FBI sau hàng chục năm truy tìm hàng nghìn đối tượng trên toàn cầu nhưng đến nay vẫn không có kết quả, cũng tuyên bố họ sẽ không truy tố bất cứ ai tự nguyện đem trả lại các tác phẩm nghệ thuật bị cướp, cho dù họ đã “lỡ mua” hoặc “lỡ nhận lời” cất hộ bọn cướp bởi lẽ theo luật định, thời hiệu buộc tội hai gã cảnh sát trực tiếp tham gia vụ cướp đã hết hạn.