Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á

(PLO) - Ngày 22/5/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (WEF Đông Á) được tổ chức tại Manila, Philippines. 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu tại Phiên khai mạc Diễn đàn với sự tham dự của hơn 600 đại biểu, trong đó tập trung đánh giá về tình hình kinh tế khu vực Đông Á, các biện pháp lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững của Đông Á. 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á 2014
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới
về Đông Á 2014
Thủ tướng đặc biệt lưu ý về tình hình rất nghiêm trọng đang diễn ra ở biển Đông do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông - nơi 50% lượng hàng hóa vận tải đường biển của thế giới đi qua, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế khu vực và thế giới.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Về việc một số người lợi dụng biểu tình của người dân phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 đã có những hành vi manh động, vi phạm pháp luật, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn các hành vi trái pháp luật; tình hình đã hoàn toàn ổn định; các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và kêu gọi ASEAN, các nước và bạn bè trên thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh sự đoàn kết hợp tác của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế. 
Ngay sau phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Phiên Toàn thể, Chủ tịch WEF Klaus Schwab nêu rõ: “Mặc dù WEF là diễn đàn trung lập và thiên về thảo luận các vấn đề kinh tế, nhưng những nguy cơ đối với ổn định và phát triển kinh tế cũng cần được xem xét”.