Thượng viện Mỹ điều trần về quyền sử dụng vũ khí hạt nhân của tổng thống

(PLO) - Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 14/11 đã mở cuộc điều trần về thẩm quyền ra lệnh tấn công hạt nhân nhằm vào một nước khác của tổng thống Mỹ.
Chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên được cho là tiến nhanh hơn dự đoán. Ảnh minh họa
Chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên được cho là tiến nhanh hơn dự đoán. Ảnh minh họa

Theo các nguồn tin, phiên điều trần có tên gọi Thẩm quyền ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân do Thượng nghị sĩ Bob Corker – một thành viên của Đảng Cộng hòa nổi tiếng vì hay chỉ trích Tổng thống Donald Trump - chủ trì.

Đây là lần đầu tiên trong hơn 40 năm trở lại đây, Quốc hội Mỹ tiến hành xem xét về thẩm quyền của tổng thống trong việc tiến hành chiến tranh hạt nhân. 

Các thủ tục hiện hành yêu cầu tổng thống Mỹ phải tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự nhưng vẫn là người ra quyết định sau cùng về việc có tiến hành tấn công hạt nhân hay không.

Hiện, một số thượng nghị sỹ Mỹ lo ngại tổng thống có thể ra một chỉ đạo tấn công hạt nhân trong khi những người khác cho rằng tổng thống cần phải được trao thẩm quyền hành động mà không bị ngăn cản.

Phiên điều trần diễn ra giữa lúc ông Trump thời gian qua đã có những lời qua tiếng lại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - người giám sát các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. 

Các thông tin đến nay cho rằng các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã đạt được những bước tiến nhanh hơn dự đoán của hầu hết các chuyên gia vũ khí quốc tế.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, ông Corker cho rằng những tuyên bố của Tổng thống Trump về Triều Tiên có thể làm tăng thêm căng thẳng và có nguy cơ dẫn tới Thế chiến thứ III, khiến một số chuyên gia về vũ khí hạt nhân ủng hộ phiên điều trần.

Trước đó, hai nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ là Ted Lieu và Ed Markey từng giới thiệu một đạo luật riêng, trong đó bao gồm các điều khoản ngăn cấm tổng thống Mỹ ra lệnh một cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân nếu Quốc hội chưa tuyên bố chiến tranh. Tuy nhiên, dự luật này đến nay chưa được xem xét.