Tìm kiếm thỏa thuận về khí hậu toàn cầu

(PLO) - Một ngày sau khi các nhà lãnh đạo thế giới tuyên bố sẽ đoàn kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, các nhà đàm phán của các bên tham dự Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) đã ngồi lại đàm phán nhằm xử lý một loạt vấn đề còn chia rẽ sâu sắc. 
Biểu đồ cam kết cắt giảm lượng carbon của các nước trong tương quan với cam kết ngăn trái đất nóng lên 2 độ C.
Biểu đồ cam kết cắt giảm lượng carbon của các nước trong tương quan với cam kết ngăn trái đất nóng lên 2 độ C.
Theo AFP, những người đứng đầu của hơn 150 nước đã có mặt tại thủ đô Paris của Pháp ngày 30/11 nhằm nỗ lực tạo đà chính trị cho “cơ hội cuối cùng để tránh được thảm họa khí hậu” như mô tả của một số người về COP21. 
“Chưa bao giờ sự chú ý nhằm vào một hội nghị quốc tế lại cao đến vậy bởi nó liên quan đến tương lai của hành tinh của chúng ta, đến tương lai cuộc sống của chúng ta. Hy vọng của toàn nhân loại đang nằm trên vai các vị” – Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố trong phát biểu khai mạc Hội nghị. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều nhà lãnh đạo khác cũng đã cam kết sẽ cố gắng để hạn chế khí thải nhà kính khiến tình trạng nóng lên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn. Các nhà lãnh đạo cam kết sẽ hướng tới một thỏa thuận hậu 2020 nhằm duy trì bầu khí quyển cho các thế hệ sau. 
Tuy nhiên, những chia rẽ giữa các nước cũng đã nhanh chóng bộc lộ ngay trong ngày 30/11 khi lãnh đạo của những nước đang phát triển đã chỉ trích những nước giàu về việc các nước này yêu cầu những nước đang phát triển giảm sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch trong khi việc đốt cháy carbon chính là cách mà những nước giàu đã áp dụng để hướng tới sự thịnh vượng. “Sự thịnh vượng vẫn có dấu ấn mạnh mẽ của carbon” – Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố.
Các nỗ lực ngoại giao để thu hẹp bất đồng giữa các nước được bắt đầu từ ngày 1/12, trong đó Tổng thống Pháp Hollande đã tổ chức một hội nghị với sự tham gia của 12 nhà lãnh đạo các nước châu Phi để bàn về cách thức đối phó với tình trạng hạn hán và làm chậm lại quá trình sa mạc hóa tại lục địa này. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Obama có cuộc gặp với các đảo quốc ở vùng trũng để nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc giúp đỡ các nước dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nhất. 
Sau các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo, các nhà đàm phán cấp thấp hơn của 195 nước tham gia COP21 sẽ tiếp tục ngồi xuống bàn đàm phán nhằm thương thảo với mục tiêu đạt được thỏa thuận với những biện pháp cụ thể nhằm giữ sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) vào ngày 11/12 tới. Theo một số nguồn tin, cho đến nay dự thảo thỏa thuận gồm 54 trang này vẫn còn rất nhiều quan điểm trái ngược. 
Phát biểu ngày 1/12, ông Hollande tuyên bố Pháp sẽ hỗ trợ cho các nước châu Phi 8 tỉ euro trong vòng 4 năm tới để các nước phát triển năng lượng tái tạo và tăng khả năng tiếp cận nguồn điện của châu lục này. “Pháp sẽ cung cấp 6 tỉ euro trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 để cung cấp điện cho châu Phi. 2 tỉ euro sẽ được chi cho năng lượng tái tạo” – ông Hollande tuyên bố. 
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã cùng các nhà lãnh đạo khác trên thế giới lập một liên minh gồm 121 nước có nhiều ánh nắng mặt trời, bao gồm cả nước giàu và nước nghèo ở châu Âu, châu Phi, châu Á, Trung Đông, Mỹ… để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng mặt trời. Liên minh này đã ra tuyên bố đến năm 2030 sẽ huy động hơn 1.000 tỉ USD để đầu tư vào phát triển ở quy mô lớn điện năng giá rẻ từ nguồn năng lượng mặt trời./.