Tín hiệu trái chiều về đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên

(PLO) - Trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tỏ ra thận trọng trước đề nghị đàm phán phi hạt nhân hóa được Triều Tiên đưa ra thì Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng hoan nghênh diễn biến này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Theo AFP, thông qua Hàn Quốc, Triều Tiên ngày 6/3 đã đưa ra tuyên bố được đánh giá là đột phá, theo đó nói rằng nước này muốn  đàm phán với Mỹ và sẽ không cần đến vũ khí hạt nhân nếu an ninh của nước này được đảm bảo.

Tổng thống Mỹ Trump đã lên tiếng hoan nghênh tuyên bố của Triều Tiên, cho rằng đây là một động thái tích cực và có vẻ chân thành. Người đứng đầu Chính phủ Mỹ cũng tuyên bố Mỹ đang thúc đẩy những biện pháp trừng phạt rất mạnh nhằm vào Triều Tiên và cả sự giúp đỡ lớn từ Trung Quốc để hướng tới khả năng đạt được đột phá về ngoại giao.  

Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra sau nhiều tháng căng thẳng, đe dọa và cả phỉ báng lẫn nhau giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trước khi Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc đã đưa đến hàng loạt các động thái ngoại giao tích cực.

Mới nhất, ngày 5/3, Hàn Quốc đã cử phái đoàn thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Bình Nhưỡng. Trong thông báo được đưa ra sau các cuộc gặp giữa các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc với giới chức Triều Tiên, trong đó có ông Kim Jong Un, phía Hàn Quốc cho biết ông Moon và ông Kim sẽ tiến hành hội nghị thượng đỉnh ở phía Nam khu vực phi quân sự hóa vào tháng tới. Vẫn theo thông tin từ phía Hàn Quốc, ông Kim tuyên bố Triều Tiên sẽ dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân trong thời gian diễn ra đàm phán. 

Tuy nhiên, phát biểu tại một cuộc gặp với các lãnh đạo đảng Dân chủ cầm quyền ngày 7/3, ông Moon vẫn tỏ ra khá thận trọng. “Chúng ta mới ở vạch xuất phát và vẫn còn quá sớm để lạc quan. Đàm phán liên Triều sẽ không đủ để có được hòa bình”, ông nói, nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc duy trì hợp tác chặt chẽ giữa nước này với Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc cũng tuyên bố thêm rằng sẽ không có việc chấm dứt các lệnh trừng phạt hay áp lực đối với Triều Tiên sau cuộc đối thoại liên Triều tới đây.

Trước đây, Triều Tiên và Hàn Quốc đã 2 lần tiến hành hội nghị thượng đỉnh trong các năm 2000 và 2007. Cả 2 cuộc gặp này đều diễn ra ở Bình Nhưỡng và có thông tin sau đó cho hay Triều Tiên đã nhận được 500 triệu USD trước cuộc gặp đầu tiên. Song, lần này, ông Moon khẳng định không có bất cứ thỏa thuận ngầm nào với Triều Tiên để đổi lấy việc nước này trở lại bàn đàm phán. “Sẽ không có bất cứ món quà nào cho Triều Tiên”, ông nói.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã hoan nghênh “kết quả tích cực” của cuộc gặp tại Bình Nhưỡng. Bắc Kinh thúc giục cả 2 bên “nắm lấy cơ hội hiện nay” để thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ngược lại, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga khẳng định Tokyo sẽ không thay đổi chính sách gây áp lực tối đa với Triều Tiên vì chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Ông Suga dẫn chứng các cuộc đàm phán và thỏa thuận với Triều Tiên trước đây đều không đưa đến việc phi hạt nhân hóa. Dư luận tại Hàn Quốc cũng khá trái chiều với đề nghị của Triều Tiên.

Trong một diễn biến có liên quan, Mỹ ngày 6/3 thông báo áp các lệnh trừng phạt kinh tế mới lên Triều Tiên với cáo buộc Bình Nhưỡng đã sử dụng chất độc thần kinh cực mạnh VX trong vụ sát hại công dân Triều Tiên ở sân bay Kualar Lumpur hồi tháng 2 năm ngoái, vi phạm Đạo luật Kiểm soát Vũ khí Sinh-Hóa học và Giải trừ Chiến tranh 1991. Theo luật pháp của Mỹ, khi một nước hay một nhà lãnh đạo vi phạm lệnh cấm sử dụng vũ khí hóa học hay sinh học, lệnh cấm nhập khẩu sẽ được áp đặt với các hàng hóa từ nước đó. 

Mặc dù vậy nhưng với việc hiện Triều Tiên đã nằm trong diện trừng phạt của LHQ và Mỹ nên quyết định mới nhất của Mỹ được cho là sẽ không đưa đến nhiều tác động. Phía Mỹ cho rằng công dân Triều Tiên đã thiệt mạng trong vụ việc là ông Kim Jong Nam – anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.