Tình cảm lấn át lý trí

(PLO) -Với quyết định đưa nước Anh ra khỏi EU, cử tri nước Anh trong cuộc trưng cầu dân ý tiến hành ngày 23/6 vừa qua đã làm cho cả nước Anh lẫn EU và châu Âu không còn được như trước nữa. 
Thành phố đầu tiên của Anh bỏ phiếu rút khỏi EU
Thành phố đầu tiên của Anh bỏ phiếu rút khỏi EU

Trận động đất chính trị này để lại những hậu quả và gây ra những hệ lụy mà tất cả những bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp hiện chưa thể lường hết được, chưa biết khắc phục và đối phó bằng cách nào cũng như phải cần bao nhiêu thời gian mới có thể khắc phục nổi. 

“Chiêu” cũ thất bại

Với tỷ lệ cử tri tham gia trưng cầu dân ý là 72,2%, phe ủng hộ việc nước Anh ra khỏi EU (còn gọi là Brexit hay Leave) đã chiến thắng với tỷ lệ phiếu bầu 51,9%. Ở trên đảo quốc này đã không lặp lại lịch sử trong mốI quan giữa đảo quốc và châu Âu lục địa.

Ngày 5/6/1975, cử tri Anh cũng đã từng đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về chuyện tương tự như hiện tại. Sau hai lần bị Pháp phủ quyết không cho gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) năm 1962 và 1965 - chủ yếu do tổng thống Pháp khi đó là Charles de Gaulle muốn duy trì vai trò ngự trị của Pháp trong EEC, tiền thân của EU ngày nay - nước Anh được gia nhập EEC từ 1/1/1973.

Công đảng cầm quyền ở Anh khi đó bị phân rẽ nội bộ và thủ tướng Harold Wilson chủ ý dùng cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh ở lại trong hay ra khỏi EEC để vô hiệu hóa mọi sự chống đối. Với tỷ lệ phiếu bầu 67,2% ủng hộ, cử tri Anh đã làm cho những toan tính chính trị quyền lực của ông Wilson thành công.

Hiện tại, Đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh với thủ tướng David Cameron, ở trong tình trạng giống hệt Công đảng và ông Wilson khi xưa. Ông Cameron giờ sử dụng đúng chiêu sách khi ấy của ông Wilson, nhưng thất bại!

Tình “lấn át” trí

Trong lần trưng cầu dân ý này, cử tri Anh đã để cho tình cảm lấn át lý trí. Dùng lý trí tỉnh táo và hiểu biết thực dụng lành mạnh mà suy xét thì Brexit hoàn toàn lợi bất cập hại đối với cả nước Anh lẫn EU.

Ông Cameron, như ông Wilson khi trước, chủ ý cho tiến hành trưng cầu dân ý với mong muốn cử tri bác bỏ Brexit. EU đã nhượng bộ thêm nhiều cho Anh để Brexit không xảy ra. Chỉ có những chính trị gia dân túy, những nhân vật dân tộc chủ nghĩa ở Anh mới cổ súy cho Brexit.

Giới chuyên gia và kinh tế, tài chính đều cảnh báo về hệ lụy tai hại khôn lường của Brexit đối với kinh tế Anh và vị thế của Anh trên thế giới. Nhưng đa số cử tri Anh đã không coi trọng đúng mức tất cả những điều đó. Họ chỉ muốn rửa sạch nỗi ấm ức từ cảm nhận nước Anh bị EU dẫn dắt và chỉ huy, bị tổn hại về thể diện và chủ quyền quốc gia.

Trong vận động trưng cầu dân ý, phe ủng hộ Brexit đã khai thác triệt để và thành công nhân tố này trong khi phe phản đối Brexit lại dường như chỉ chú trọng đến việc cảnh báo những tác hại của Brexit đối với kinh tế Anh. Lô gic của lý trí còn dễ nhận biết chứ lôgic của tình cảm thì thật rất khó lường.

Hệ lụy trước hết của “trận động đất” chính trị này sẽ là khủng hoảng chính phủ và kinh tế ở Anh cũng như thách thức buộc phải thay đổi cơ bản và nhanh chóng đối với EU. Đồng Bảng Anh đã mất giá. Ông Cameron không tránh khỏi phải từ chức. Không loại trừ khả năng kinh tế Anh sẽ sa vào suy thoái.

Xứ Scottland và Bắc Ireland sẽ gia tăng nỗ lực ly khai khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland mà vẫn được gọi tắt chung là nước Anh bởi hai nơi này xưa nay vẫn tin rằng tương hai của họ là ở trong chứ không phải bên ngoài EU. Một kịch bản rất tồi tệ nhưng không phải không tưởng là sự rạn vỡ của chính Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland - nếu xứ Scottland và Bắc Ireland rồi đây thật sự ly khai.

EU chưa khi nào đứng trước đống đổ nát về chính trị, thể chế và pháp lý như hiện tại. Nếu không nhanh chóng tìm ra được đối sách thích hợp dựa trên những bài học rút ra được từ Brexit thì triển vọng tương lai của EU thật vô cùng ảm đạm…/.

Đọc thêm