Tổ hợp trinh sát pháo binh khiến 'lục quân nước nào cũng sợ' của Nga có gì đặc biệt?

(PLO) - Tổ hợp trinh sát pháo binh mới nhất có tên Penicillin của Nga được ví như một loại “thuốc kháng sinh” trước pháo của NATO.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Sputnik, tổ hợp trinh sát pháo binh Penicillin được thiết kế để xác định vị trí bắn pháo, súng cối, các hệ thống bắn đạn hàng loạt cũng như vị trí các tên lửa phòng không và chiến thuật của đối phương.

Hệ thống này cũng có khả năng điều chỉnh việc khai hỏa của hệ thống pháo binh của quân ta.

Giới chức Nga cho biết, tổ hợp Penicillin bao gồm một số máy thu âm được lắp đặt trên bề mặt trái đất cùng mô-đun điện quang.

Khi được triển khai, 4 máy thu âm nằm trên mặt đất của hệ thống này sẽ phát hiện tiếng ồn và động năng nếu có một khẩu pháo hoặc tên lửa bắn ra. 

Hệ thống xử lý tín hiệu âm thanh sau đó sẽ cung cấp thông tin về vị trí  đạn nổ, độ chính xác của phát bắn, cũng như vị trí đặt vũ khí. 

Ngoài ra, Penicillin còn được trang bị máy quay video hình ảnh tự động theo dõi quỹ đạo bay của viên đạn. 

Tổ hợp trinh sát pháo binh này có khả năng xác định gần như tất cả các vị trí bắn pháo binh hoặc pháo phòng không của kẻ địch trên một khu vực trải rộng tới 25 km. 

Toàn bộ thời gian để hệ thống trên xác định được tọa độ của mục tiêu là không quá 5 giây.

Thêm vào đó, tổ hợp này không phát ra bất cứ dấu hiệu gì, khiến đối phương cực khó phát hiện vị trí của nó.

Một đặc điểm vượt trội khác của tổ hợp này là nó có có thể hoạt động hoàn toàn ở chế độ tự động mà không cần nhân lực vận hành.

Chính vì tính bí mật này mà “Penicillin” đang khiến các chuyên gia quân sự phương Tây lo ngại. 

Giới chức Nga khẳng định, khi tổ hợp này đi vào hoạt động, loạt pháo kích đầu tiên của pháo binh đối phương sẽ bị hỏa lục Nga chặn đứng ngay lập tức.

Hiện, các thử nghiệm cấp nhà nước đối với tổ hợp trinh sát pháo binh này đã kết thúc thành công và quân đội Nga sẽ sớm được trang bị thêm một khí tài quan trọng.