Tòa Mỹ điều trần về việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump

(PLO) - Đại diện Bộ Tư pháp Mỹ đã phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa tại phiên điều trần diễn ra tại Tòa Phúc thẩm số 9 có trụ sở tại San Francisco ngày 7/2 nhằm thuyết phục tòa khôi phục lại lệnh cấm đi lại nhằm vào công dân của 7 nước chủ yếu là người Hồi giáo do Tổng thống Donald Trump ban hành.
Ba thẩm phán chủ trì phiên tòa
Ba thẩm phán chủ trì phiên tòa

Theo AFP, phiên điều trần nói trên là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến pháp lý liên quan đến lệnh cấm đi lại do ông Trump ban hành; diễn ra 4 ngày sau khi một thẩm phán liên bang đình chỉ sắc lệnh của ông Trump, mở lại biên giới cho hàng ngàn người tị nạn và hành khách tới Mỹ.

Phiên điều trần kéo dài 1 tiếng này do 3 thẩm phán chủ trì và thu hút hơn 130.000 người theo dõi trực tuyến. Hàng triệu người khác cũng đã theo dõi phiên tòa qua TV. Phiên tòa tập trung vào việc có dỡ bỏ lệnh đình chỉ lệnh cấm do ông Trump ban hành hay không chứ không phải là về tính hợp hiến của sắc lệnh. 

Tại phiên điều trần, Luật sư August Flentje đại diện cho Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng việc giảm lượng người nhập cư của ông Trump được đưa ra do những lo ngại với an ninh quốc gia và rằng thẩm phán liên bang đã hành động vượt quá thẩm quyền của ông khi đình chỉ sắc lệnh của ông Trump. Luật sư Flentje cũng khẳng định ông Trump đã hành động trong thẩm quyền được hiến định và những quyền được Quốc hội trao cho khi ban hành sắc lệnh điều hành ngày 27/1 vì lợi ích của nước Mỹ. 

Trong khi đó, luật sư đại diện của các bang Washington và Minnesota – là các bang đã đệ đơn kiện liên bang yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm của ông Trump – đã thúc giục các thẩm phán tiếp tục đình chỉ lệnh cấm này trong lúc vụ việc đang được đưa ra xem xét. “Vai trò của nhánh tư pháp là chỉ ra cho luật pháp là gì cũng như kiểm tra về sự lạm quyền của nhánh hành pháp. Tổng thống đang yêu cầu khôi phục lại sắc lệnh điều hành mà không xem xét một cách toàn diện về khía cạnh tư pháp và đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn” – luật sư Noah Purcell nói.

Vị luật sư này cũng phải trả lời các câu hỏi của ban chủ tọa, trong đó Thẩm phán Clifton tỏ ra tin tưởng vào lập luận cho rằng lệnh cấm là sự phân biệt tôn giáo. “Tôi không biết tại sao lại đề cập đến động cơ tôn giáo khi đa số người Hồi giáo không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm này” - Thẩm phán Clifton đặt câu hỏi và chỉ ra rằng chỉ có chưa đến 15% người Hồi giáo trên thế giới bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. 

Ban chủ tọa gồm 3 thẩm phán tỏ ra hoài nghi trong suốt phiên điều trần, AFP nhận định. Thẩm phán Richard Clifton có lúc còn cho rằng lập luận của chính phủ khá mơ hồ. Tại tòa, các thẩm phán đã “vặn” Luật sư Flentje về bằng chứng cho thấy sự liên quan giữa 7 nước trong lệnh cấm với chủ nghĩa khủng bố và rằng liệu có phải lệnh cấm mang động cơ phân biệt tôn giáo như tuyên bố của những người phản đối hay không.

Kết thúc phiên tòa, một người phát ngôn của tòa cho biết phán quyết có thể sẽ được đưa ra trong vài ngày tới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lập luận của chính phủ Mỹ nhằm khôi phục lại lệnh cấm sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn. Ông Arthur Hellman – một giáo sư luật tại trường Đại học Pittsburgh – cho hay ông chưa rõ liệu các thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết ra sao nhưng ông sẽ rất ngạc nhiên nếu họ đứng về phía chính phủ. 

Còn New York Times nhận định nhiều khả năng vụ việc sẽ được đưa tới Tòa án tối cao để tòa này xem xét. Dù vậy nhưng những tranh cãi nhiều khả năng sẽ không kết thúc ở đó bởi Tòa án tối cao hiện đang chỉ có 8 thẩm phán. Trong khi đó, lệnh cấm nhập cư của ông Trump chỉ kéo dài 90 ngày kể từ khi lệnh này có hiệu lực.