Toàn cảnh vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ

(PLO) -Việc Tổng thống, Thủ tướng, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước liên tiếp điện đàm và gặp nhau ngay sau cái chết của Đại sứ Andrei Karlov cho thấy sự quan tâm cũng như tính cấp bách của vụ việc quan trọng như thế nào đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. 
Tổng thống Putin (thứ hai từ trái) trong cuộc họp khẩn tại Điện Kremlin
Tổng thống Putin (thứ hai từ trái) trong cuộc họp khẩn tại Điện Kremlin

Và điều này còn được thể hiện qua việc Moskva và Ankara nhanh chóng đạt được thỏa thuận để 18 thành viên của tổ điều tra đặc biệt do Nga thành lập phối hợp với các đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, khẩn trương điều tra thủ phạm đứng sau vụ ám sát Đại sứ Andrei Karlov. 

Theo tờ Hurriyet, Nga sẽ kiểm tra điện thoại của sát thủ Mevlut Mert Altintas và điều tra khả năng có nội gián trong Đại sứ quán Nga. Văn phòng Tổng công tố Ankara cũng xem xét giả thiết này. 

Quyết tâm của Nga

Không những chuyển buổi họp báo thường niên sang ngày 23-12 để dự lễ tang Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức hôm 22-12 và truy tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Andrei Karlov, Tổng thống Putin còn tuyên bố sẽ tìm ra kẻ đứng sau vụ ám sát này.

Ông Putin cũng đã điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và chỉ thị cho các cơ quan hữu trách Nga phải “duy trì cảnh giác tối đa và khả năng cơ động”, phải tăng cường phối hợp với các đồng nghiệp trên thế giới để đảm bảo an ninh. Ngoài ra, Tổng thống Putin còn họp với Ngoại trưởng, Giám đốc FSB và Giám đốc Cơ quan Tình báo nước ngoài để bàn về các bước đi tiếp theo.

Ngày 20-12, thi thể Đại sứ Andrei Karlov đã được đưa về Moskva bằng máy bay và lễ tưởng niệm dành cho ông được tổ chức trước đó tại sân bay Esenboga ở Ankara. Ông Andrei Karlov là nhà ngoại giao cấp cao nhất của Nga bị sát hại, kể từ sau vụ Đại sứ Nga tại Ba Lan bị ám sát năm 1927. 

Ông Andrei Karlov sinh ngày 4-2-1954 tại Nga, đã tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế Moskva và Học viện Ngoại giao Nga. Ông Andrei Karlov từng là Đại sứ Nga tại Triều Tiên (2001-2007), từng là người đứng đầu bộ phận lãnh sự tại Bộ Ngoại giao Nga, nói tiếng Anh và tiếng Triều Tiên lưu loát. Tháng 7-2013, ông được bổ nhiệm làm Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tờ Izvesstia vừa dẫn nguồn tin trong giới ngoại giao Nga cho biết, Moskva đang xem xét ngừng đàm phán về cơ chế miễn thị thực với Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ Đại sứ Andrei Karlov bị ám sát hôm 19-12. Bởi mấy tháng trước, Đại sứ Andrei Karlov đã kêu gọi không nên vội vàng miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vì theo ông, Ankara chưa thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh.

Nghị sỹ Frantz Klintsevich, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nga coi vụ ám sát ông Andrei Karlov đã được lên kế hoạch từ trước. Và lực lượng tình báo của một quốc gia NATO rất có thể là chủ mưu. Các nước Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) khẳng định, sẵn sàng chống lại các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên ngoại giao và lãnh sự.

Đại diện thường trực Nga tại OSCE Alexander Lukasevich nhấn mạnh, các nước OSCE khẳng định sẵn sàng áp dụng các biện pháp cần thiết để không xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào nhân viên ngoại giao và lãnh sự trong tương lai.

Cho đến nay mọi câu hỏi đều xoay quanh sát thủ Mevlut Mert Altintas và Jabhat Fatah al-Sham (tiền thân là nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra Front, thành lập năm 2012 và là chi nhánh al-Qaeda ở Syria), tổ chức vừa nhận trách nhiệm đứng sau vụ ám sát Đại sứ Nga. Tuyên bố của Jabhat Fatah al-Sham diễn ra trong bối cảnh giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt 13 người để điều tra vụ ám sát ông Andrei Karlov.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ khám xét người ra vào khu phố có Đại sứ quán Nga ở Ankara
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ khám xét người ra vào khu phố có Đại sứ quán Nga ở Ankara

Sự vào cuộc của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo giới truyền thông, cơ quan công tố đã thả 6 thân nhân của Mevlut Mert Altintas và các công tố viên đang đặt câu hỏi, tại sao lực lượng đặc nhiệm không bắt sống hung thủ, mà lại bắn chết hắn. Lính đặc nhiệm đã tiêu diệt sát thủ sau 20 phút đấu súng với Mevlut Mert Altintash - hắn bắn trả liên tiếp về phía cảnh sát cho dù bị thương ở cả hai chân và không ngừng tuyên bố “Đừng hòng bắt sống tao”.

Tổng thống Tayyip Erdogan đã bảo vệ hành động của lực lượng đặc nhiệm. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã quy trách nhiệm cho mạng lưới của Giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen, sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999, về vụ ám sát Đại sứ Andrei Karlov. Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ông Mevlut Cavusoglu cho rằng, tổ chức của Giáo sĩ Fethullah Gulen (FETO) đứng sau vụ ám sát Đại sứ Andrei Karlov.

“Tôi được Thủ tướng cho biết, để tưởng nhớ Đại sứ Nga, con phố nơi có Đại sứ quán Nga sẽ được đặt theo tên ông Andrei Karlov", ông Mevlut Cavusoglu nói với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khi tới thủ đô Moskva. Thị trưởng Ankara Ibrahim Melih Gokcek cũng tuyên bố, sát thủ là thành viên của FETO.

Ngày 21-12, Tổng thống Tayyip Erdogan khẳng định, ủy ban hỗn hợp Thổ Nhĩ Kỳ-Nga đã bắt đầu điều tra và sát thủ là thành viên của FETO. Nhưng ngày 22-12 Giáo sỹ Fethullah Gulen đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến cái chết của Đại sứ Andrei Karlov. 

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim cho biết, các cuộc điều tra do ông giám sát. Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu ở Moskva, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik gọi vụ giết hại Đại sứ Andrei Karlov là hành động khủng bố và cam kết tìm bằng được thủ phạm, cũng như cung cấp mọi thông tin cần thiết cho Nga để vụ việc sớm được đưa ra ánh sáng.

Được biết, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu đã tới hiện trường để chỉ đạo công tác điều tra. Và cảnh sát đã siết chặt an ninh xung quanh Đại sứ quán Nga tại Ankara sau khi ông Andrei Karlov bị ám sát. Giới chuyên môn cho rằng, vụ ám sát Đại sứ Nga đã đặt ra câu hỏi về tình hình an ninh tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Jim Jatras, cựu nhân viên ngoại giao Mỹ đặt câu hỏi - chúng ta phải lo lắng về khả năng có sự thông đồng bên trong hàng ngũ giới chức Thổ Nhĩ Kỳ.

Sát thủ hành động một mình?

Theo giới chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ, hung thủ có thể đã lên kế hoạch với đồng phạm bởi vụ ám sát được thực hiện chuyên nghiệp và đây không phải là “công việc của một người”. Theo tờ Hurriyet Daily News, tại khu vực kiểm tra an ninh ở lối vào, sát thủ cương quyết không chịu bước qua máy dò kim loại và nhân viên bảo vệ đã bị thuyết phục sau khi hắn xuất trình thẻ cảnh sát.

Trước khi động thủ, sáng 19-12, Mevlut Mert Altintas đã gọi điện đến đơn vị cảnh sát chống bạo động ở Ankara, nơi hắn làm việc để xin phép nghỉ. Được biết, Mevlut Mert Altintas đã sử dụng súng ngắn Sarsimaz K2P, cỡ nòng 9 mm - bắn đạn 9x19 mm Parabellum, có khả năng sát thương cao trong tầm 50 m, loại súng tiêu chuẩn của lực lượng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ.

Mevlut Mert Altintas, thủ phạm bắn chết Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ
Mevlut Mert Altintas, thủ phạm bắn chết Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ

Sarsilmaz K2P là súng ngắn do Thổ Nhĩ Kỳ tự sản xuất, với sức chứa tối đa 17 viên đạn - 16 viên trong hộp tiếp đạn và một viên lên nòng, cũng có thể sử dụng hộp tiếp đạn 19 viên của CZ-75. Điều này lý giải vì sao sát thủ có thể bắn nhiều phát súng liên tục trong một thời gian dài mà không phải thay hộp tiếp đạn. Mevlut Mert Altintas đã mang theo 75 viên đạn, đặt trong 3 hộp tiếp đạn và trong túi áo. 

Đại sứ Andrei Karlov đã bị Mevlut Mert Altintas ám sát khi đang phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm tranh ở thủ đô Ankara hôm 19-12. Trong khi Đại sứ Andrei Karlov phát biểu, sát thủ đã bắn ông từ phía sau (bắn 11 phát đạn, trong đó 9 viên nhắm vào nạn nhân) và hô lớn “Đừng quên Aleppo”, “Đừng quên Syria”, “Thánh Allah vĩ đại”.

Mevlut Mert Altıntas được tuyển vào cảnh sát chống bạo động - lực lượng phản ứng nhanh, có nhiệm vụ bảo đảm trật tự công cộng và kiểm soát các đám đông biểu tình, được coi là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ.

Để được chọn vào lực lượng cảnh sát chống bạo động, Mevlut Mert Altıntas phải vượt qua các bài kiểm tra thể lực, và khóa đào tạo chống bạo động. Mevlut Mert Altintas từng bảo vệ Đại sứ quán Nga ở thủ đô Ankara hồi đầu tháng 12... 

Mevlut Mert Altintas sinh (24-6-1994) ra trong gia đình có bố và mẹ đều làm việc trong một nhà máy dệt trước khi nghỉ hưu tại Aydin, tỉnh duyên hải phía tây Thổ Nhĩ Kỳ, từng học trường trung học Soke Cumhuriyet Anadolu.
Đã tốt nghiệp trường cảnh sát Izmir Rustu Unsal, từng phục vụ trong lực lượng cảnh sát chống bạo động của Ankara từ năm 2014, và từng tham gia bảo vệ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ 8 lần - phục vụ trong đội cảnh sát hỗ trợ cho vệ sĩ riêng của ông Recep Tayyip Erdogan, kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 7.