Tổng thống mới đắc cử của Mỹ và tài kinh doanh khiến nhiều người “ngả mũ”

(PLO) -Trong những ngày này, Donald Trump là cái tên được nhắc nhiều nhất không chỉ ở nước Mỹ mà còn cả khắp thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có một người chưa từng đảm nhiệm bất cứ vị trí nào trong chính quyền được bầu làm tổng thống. Không những thế, đối thủ của ông lại còn là một người dày dạn kinh nghiệm chính trị.
Tổng thống mới đắc cử của Mỹ và tài kinh doanh khiến nhiều người “ngả mũ”

Chiến thắng của ông Trump được cho là có một phần nguyên nhân từ làn gió mới mẻ mà doanh nhân tỉ phú đầy tranh cãi này mang tới.

Doanh nhân trẻ đầy tham vọng

Nhà lãnh đạo thứ 45 của nước Mỹ Donald John Trump sinh ngày 14/6/1946, ở Queens, New York. Ông là con thứ 4 trong 5 người con của ông Frederick C. – một nhà buôn bất động sản chuyên xây dựng và quản lý các khu căn hộ cho người thu nhập trung bình ở New York và bà Mary MacLeod Trump. Khi còn nhỏ, Trump tỏ ra là một cậu bé vô cùng nghịch ngợm và hiếu động. Chính vì vậy nên cha mẹ đã cho ông vào Học viện quân đội New York khi ông mới 13 tuổi với hy vọng kỷ luật ở trường học sẽ giúp ông sử dụng nguồn năng lượng dồi dào của mình một cách tích cực. Quả thực, Trump đã thể hiện khá tốt ở trường học, ở cả khoản học hành lẫn mặt xã hội. Nhờ sự năng động của mình, ông trở thành ngôi sao trong các môn thể thao và cũng là lãnh đạo của hội học sinh của trường khi tốt nghiệp vào năm 1964.

Rời trường quân đội vào năm 1964, Trump ghi danh vào trường Đại học Fordham – nơi ông đã học được một bài học giá trị. Theo lời ông kể lại, một ngày nọ, khi cùng cha dự lễ khánh thành cây cầu Verrazano-Narrows nối Brooklyn và đảo Staten, ông nhận thấy rằng người thiết kế cây cầu không hề được tôn trọng. Trong cuốn tiểu sử về ông Trump, ông được dẫn lời nói: “Lúc đó, tôi nhận ra rằng nếu bạn để người ta đối xử với bạn như người ta muốn thì bạn sẽ biến thành thằng ngốc. Tôi nhận ra rằng tôi không muốn trở thành tay sai cho người khác”.

Ngay sau bài học này, ông quyết định chuyển sang trường Tài chính Wharton thuộc trường Đại học Pennsylvania – một trong những trường hiếm hoi ở Mỹ lúc bấy giờ có khoa bất động sản. Tại trường, ông theo học chuyên ngành kế toán, tài chính, tiền tệ và ngân hàng, bất động sản. Vừa học ở trường, ông cũng tích cực làm việc cho cha trong mùa hè để tích lũy kinh nghiệm thực tế.

Tốt nghiệp đại học với bằng kinh tế năm 1968, Trump gia nhập công ty của cha với mục tiêu rõ ràng: phát triển bất động sản một cách lớn nhất có thể. Để thực hiện được ước mơ của mình, ông thuyết phục cha mở rộng cổ phần của công ty bằng cách đi vay từ vốn chủ sở hữu của công ty. Năm 1975, ông Trump chính thức tiếp quản công ty từ cha và đổi tên thành Tổ chức Trump. Song, môi trường kinh doanh ở New York thời điểm đó vô cùng khốc liệt nên việc kinh doanh của công ty không thuận lợi như vị doanh nhân trẻ tuổi mong muốn. Lợi nhuận của công ty càng ngày càng giảm. Do vậy, Trump quyết định chuyển hoạt động của công ty tới quận nhà giàu Manhattan để thử vận may.

Nhìn thấy cơ hội từ mọi nơi

Dù không có nhiều tiền cũng như còn rất trẻ về tuổi nghề nhưng bằng những kỹ năng thương thuyết siêu đẳng của mình, Trump vẫn có thể nhanh chóng gia nhập câu lạc bộ những doanh nhân nổi bật ở New York, được giới thiệu với nhiều người có tầm ảnh hưởng lớn mà phía sau đó là nhiều cơ hội kinh doanh béo bở. Chỉ sau một thời gian chập chững vào nghề, ông đã tích lũy được rất nhiều cơ hội kinh doanh. Ông ta luôn tỏ ra là người quyết đoán, một doanh nhân có tầm và không bao giờ hoài nghi về bản thân mình. Không những vậy, những người từng làm việc với ông ta đều ấn tượng bởi khả năng ứng biến nhanh chóng của ông. Dù làm ăn lớn nhưng Trump không hề vạch ra kế hoạch kinh doanh chính thức hay chiến lược phát triển cố định cho các dự án mới của mình mà luôn dự trữ những ý tưởng và tính toán trong đầu để thực thi cho phù hợp với hoàn cảnh.

Một trong những điểm mạnh của ông này là việc nhận ra cơ hội mà người khác không nhìn thấy. Ví dụ điển hình là thương vụ mua lại Khách sạn Commodore ở trung tâm New York. Ở thời điểm đó, do làm ăn thua lỗ, khách sạn này đã phải rao bán. Với suy nghĩ việc tái phát triển tòa nhà là bất khả thi, nhiều người thậm chí bĩu môi trước ý tưởng mua lại nơi này nhưng ông Trump đã nhận thấy được vị trí đắc địa của khách sạn như nằm ngay cạnh nhà ga trung tâm Grand. Do vậy, ông đã mạnh dạn mua lại khách sạn này với giá 10 triệu USD và đàm phán được với thành phố để được nhận ưu đãi thuế trong 40 năm trong quá trình tái thiết và vận hành tòa nhà.


Ngay sau khi đàm phán xong, ông Trump thu xếp tài chính để cải tạo lại toàn bộ khách sạn và khu vực xung quanh đó. Sau khi hoàn tất công cuộc cải tạo, ông đổi tên khách sạn cũ thành Grand Hyatt. Khi khách sạn này mở cửa vào năm 1980, nhiều người đã bị sốc khi không thể nhận ra được diện mạo của Khách sạn Commodore năm nào trong hình hài và tổng thế xa hoa, choáng ngợp mới. Cũng nhờ dự án này, Trump được nhiều người cho là nhà phát triển bất động sản nổi tiếng nhất New York.

Tham vọng của Trump không dừng ở đó mà ông còn muốn tạo ra những tòa nhà độc nhất, khiến nhiều người ngưỡng mộ khi nói đến và muốn đặt tên mình trên những tòa nhà đó. Do đó, năm 1979, Trump mua một mảnh đất ở Đại lộ số 5 để xây một khu phức hợp căn hộ cho thuê có tổng giá trị 200 triệu USD. Khi tòa nhà chọc trời 58 tầng này có tên Tháp Trump này hoàn tất, nó đã thu hút rất nhiều cửa hàng bán lẻ nổi tiếng cũng như những ngôi sao đến thuê. Nhờ đó, ông Trump không chỉ kiếm được bộn tiền mà còn nổi danh như cồn trên cả nước.

Khi cờ bạc được hợp pháp ở New Jersey vào năm 1977, ông Trump cũng chớp lấy cơ hội đầu tư, mua lại nhiều sòng bạc lớn như tòa nhà khách sạn – sòng bạc phức hợp có tên Lâu đài Trump có tổng giá trị hơn 320 USD hay như casino – sòng bạc lớn nhất thế giới Taj Mahal…

Một trong những cách làm kinh doanh gây chú ý của ông Trump là việc luôn đi ngược lại những chuẩn mực kinh doanh thông thường. Ví dụ, khi vấp phải cạnh tranh khốc liệt, trong khi các doanh nghiệp khác tìm cách hạ giá để cạnh tranh thì ông lại tăng giá vì nghĩ rằng những người giàu sẽ sẵn sàng chi tiền cho các dự án, dịch vụ xa hoa. Những cách làm này không giống ai này đã giúp ông giàu lên nhanh chóng, trở thành một trong những tỉ phú nổi tiếng. Ở thời kỳ đỉnh cao vào cuối những năm 1980, ông này thậm chí thu đến gần 1 tỉ USD từ 1 thương vụ.

Khi thị trường bất động sản Mỹ lao dốc không phanh vào những năm 1990, ông Trump cũng không thể tránh khỏi quy luật của thị trường nên đã suýt phá sản. Dù vậy nhưng với tài lèo lái của mình, ông ta vẫn dần đứng dậy và mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực như truyền hình, mua lại bản quyền nhiều show nổi tiếng như Hoa hậu hoàn vũ… Tính đến tháng 9 này, tổng số tài sản của tỉ phú này được ước đoán khoảng 3,7 tỉ USD.

Đời tư rối rắm

Năm 1977, ông Trump cưới bà Ivana Zelnickova Winklmayr – một người mẫu thời trang ở New York và có tổng cộng 5 người con với bà này. Tuy nhiên, năm 1992, 2 người đã ly hôn trong một cuộc chia tay đầy ồn ã.

Chỉ 1 năm sau đó, ông Trump cưới nữ diễn viên Marla Maples – người được đồn đoán đã từng qua lại với tỉ phú này khi ông vẫn còn đang sống với vợ đầu. 2 người sau đó có một con gái sinh năm 1993. Song, cuộc hôn nhân này cũng chẳng kéo dài lâu. Năm 1997, ông Trump đệ đơn ly dị nhưng phải đến tháng 6/1999, sau rất nhiều tranh cãi, 2 người mới chính thức đường ai nấy đi. Theo thỏa thuận tiền hôn nhân, bà Maples chỉ được nhận 2 triệu USD từ khối tài sản của ông Trump.

Tháng 1/2005, ông Trump lại trở thành đề tài bàn tán của báo giới khi kết hôn lần 3 với người mẫu Slovenia trẻ hơn ông đến 25 tuổi tên Melania Knauss. Đám cưới của 2 người được tổ chức vô cùng xa hoa với nhiều khách mời nổi tiếng đến dự, trong đó có bà Hillary Clinton và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Hai người có một con chung tên Barron William Trump, sinh năm 2006./.