Tổng thống Mỹ đối mặt khủng hoảng nghiêm trọng nhất?

(PLO) - Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải đối phó với cuộc tranh cãi nghiêm trọng nhất từ đầu nhiệm kỳ của ông khi sóng gió bắt đầu nổi lên do việc ông sa thải Giám đốc Cơ quan điều tra liên bang (FBI) James Comey, theo The Hill.
Ông James Comey
Ông James Comey

Tờ báo trên cho biết, không khí khủng hoảng đã bao trùm Washington trong suốt ngày đầu tiên kể từ khi việc sa thải ông Comey được công bố hôm 9/5. Tin tức được đăng tải trên các kênh truyền hình cáp ở Mỹ dày đặc những cuộc thảo luận về một cuộc khủng hoảng hiến pháp và những ý kiến so sánh vụ việc với vụ bê bối Watergate xảy ra đầu những năm 1970 khi Tổng thống Richard Nixon đang nắm quyền. 

Tại Capitol Hill, những rạn nứt trong nội bộ Đảng Cộng hòa vì vụ việc đã được thể hiện một cách rõ rệt. Một số nghị sỹ kỳ cựu của đảng này đã lên tiếng chỉ trích hành động của ông Trump nhưng cũng có một số người mạnh mẽ ủng hộ ông. Trong khi đó, đảng Dân chủ lại tỏ ra đồng lòng và kêu gọi bổ nhiệm một  công tố viên đặc biệt để điều tra thêm về các mối liên hệ có thể có giữa các cộng sự trong chiến dịch của ông Trump với Nga. 

Đến sáng 11/5, một số thông tin cho biết Ủy ban tình báo Thượng viện đã gửi giấy yêu cầu cựu Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump – ông Michael Flynn – phải gửi các văn bản có liên quan đến cuộc điều tra của Ủy ban về cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.

Trong khi đó, ông Trump tiếp tục khiến cho bầu không khí trở nên căng thẳng hơn với các phát biểu thông qua mạng xã hội Twitter. Trong đó, ông công kích Thượng nghị sỹ Richard Blumenthal của đảng Dân chủ - một người mạnh mẽ chỉ trích ông – về thời gian ông này tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Ông cũng chỉ trích đảng Dân chủ là những kẻ giả tạo, ám chỉ việc nhiều đảng viên đảng Dân chủ trước đó đã lên án ông Comey vì cách thức ông này tiến hành cuộc điều tra  việc sử dụng email cá nhân trong công việc của bà Hillary Clinton hồi năm ngoái. 

Một số động thái khác của ông Trump cũng khiến cho không khí trở nên căng thẳng hơn, trong đó có việc ông tiến hành các cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak. Ông Kislyak chính là nhân vật trung tâm đã dẫn tới những lùm xùm buộc ông Trump phải sa thải ông Flynn hồi tháng 2 vừa qua.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh Reuters dẫn các nguồn tin từ Quốc hội Mỹ cho biết trước khi bị Tổng thống Trump sa thải hôm 9/5, ông Comey từng xin mở rộng cuộc điều tra cáo buộc cho rằng Nga can thiệp bầu cử năm 2016. Cụ thể, theo tờ New York Times, ít ngày trước khi bị sa thải, ông Comey đã yêu cầu Bộ Tư pháp cử thêm công tố viên và nhân viên điều tra để đẩy nhanh cuộc điều tra của FBI về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ. Đây được xem là bằng chứng rõ ràng đầu tiên cho thấy ông Comey tin rằng FBI cần thêm nguồn lực để xử lý cuộc điều tra gây tranh cãi suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, theo Reuters, trước chỉ trích từ các thành viên Quốc hội, chính quyền của ông Trump khẳng định vụ sa thải không liên quan đến cuộc điều tra xác minh xem ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Nga làm “lung lạc” kết quả bầu cử hay không. Ông Trump cũng bảo vệ quyết định đột ngột sa thải ông Comey rằng nguyên nhân của việc sa thải là do ông Comey không đáp ứng yêu cầu lãnh đạo hiệu quả FBI. Ông Comey đảm nhận chức Giám đốc cơ quan này từ năm 2013 dưới thời cựu Tổng thống Obama.