Tổng thống Pháp khó tái đắc cử vì để xảy ra tấn công liên tiếp?

(PLO) - Các vụ tấn công liên tiếp ở Pháp trong thời gian qua, mà mới nhất là vụ tấn công ở thành phố Nice được cho là đã khiến hy vọng tái đắc cử của Tổng thống Pháp Francois Hollande trở nên mong manh hơn.
Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, trong suốt một thời gian dài, ông Hollande đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích của người dân vì tình trạng phục hồi chậm chạp của nền kinh tế nước này. Nhưng ở thời điểm 9 tháng trước cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong năm tới, tín nhiệm của người dân với ông dường như có sự chuyển biến khi tỉ lệ thất nghiệp bắt đầu có những dấu hiệu giảm dần. 

Bên cạnh đó, Pháp cũng ghi được dấu ấn với thế giới khi tổ chức thành công kỳ Euro suôn sẻ, không để xảy ra bất kỳ đe dọa an ninh nghiêm trọng hơn. Trong những ngày đầu tháng 7, ông Hollande tuyên bố trước công  chúng rằng tình trạng khẩn cấp đã được ban bố ở nước này kể từ sau các cuộc tấn công ở Paris hồi tháng 11 năm ngoái sẽ được dỡ bỏ trước cuối tháng 7.

Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, mây đen lại quay trở lại bao phủ những hy vọng tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa của đương kim Tổng thống Pháp. Vụ tấn công bằng xe tải nhằm vào một đám đông những người đang tụ tập mừng ngày Quốc khánh của Pháp ở thành phố Nice, phía Đông Nam nước này hôm 14/7 một lần nữa chuyển tâm điểm chính trị của nước Pháp về lại vấn đề an ninh.

Sau vụ tấn công khiến 84 người thiệt mạng và IS đã nhận trách nhiệm đó, các chính trị gia đối lập tại Pháp thi nhau đưa ra những phát biểu cứng rắn về tình hình an ninh của nước này. Tình trạng khẩn cấp ở Pháp tiếp tục được gia hạn thêm 6 tháng nước. “Trước đây các chính trị gia vẫn ủng hộ chính phủ nhưng đến nay, sự cần thiết phải có người chịu trách nhiệm về các vụ tấn công đã phá hủy tinh thần tập thể đó” – nhà phân tích chính trị Thomas Guenole nhận định.

Về phía người dân, họ cũng tỏ rõ sự không hài lòng với chính quyền trong vấn đề đảm bảo an ninh. Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy chỉ 1/3 người được hỏi xem chính phủ đã hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ đất nước khỏi những mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố, thấp hơn hẳn so với tỉ lệ khoảng 1 nửa sau 2 vụ tấn công năm 2015.

“Chủ đề này có thể lấn át tất cả các chủ đề khác trước 2 vòng bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 4 và 5 tới” – nhà phân tích chính trị Jerome Fourquet nhận định và diễn giải về việc vấn đề an ninh hiện đã hoàn toàn lấn át cuộc tranh luận về vấn đề cải cách lao động vốn là tâm điểm giới chính trị Pháp trong nhiều tháng trước khi xảy ra vụ tấn công.

Đặc biệt, một cuộc thăm dò dư luận do hãng Ifop tiến hành gần đây cho thấy có đến 73% cử tri Pháp cho biết họ không muốn ông Hollande tái đắc cử “trong mọi trường hợp” dù cho đến nay ông này cũng chưa xác nhận có tái tranh cử vào năm tới hay không.

Theo nhận định của ông Fourquet, người được lợi tự nhiên của việc người dân tập trung vào vấn đề an ninh chính là cựu tổng thống Nicolas Sarkozy. Trước vụ tấn công ở Nice, ông Sarkozy chỉ nhận được sự ủng hộ khiêm tốn từ người dân nhưng tỉ lệ người bày tỏ sự ủng hộ với ông đã có xu hướng tăng trong những ngày gần đây.