Tổng Thư ký LHQ kêu gọi mạnh mẽ trấn áp tham nhũng

(PLO) - Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (HĐBA LHQ), Tổng Thư ký (TTK) LHQ Antonio Guterres kêu gọi các nước mạnh mẽ trấn áp nạn tham nhũng mà theo ông “ăn sâu bén rễ” trong nhiều xã hội, gây phẫn nộ cho mọi người dân trên thế giới. 
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres

Theo Tân Hoa xã, phát biểu tại phiên thảo luận của HĐBA LHQ về chủ đề tham nhũng và xung đột được tổ chức hôm đầu tuần, ông Guterres cho biết, người dân trên khắp thế giới đang phẫn nộ với tình trạng tham nhũng “thâm căn cố đế” ở nhiều nơi. Người dân ở các nơi kêu gọi các tổ chức chính trị cần phải hoạt động minh bạch và có trách nhiệm hoặc tạo điều kiện để những người có trách nhiệm và minh bạch làm việc.

“Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo ở tất cả mọi nơi lắng nghe người dân và nuôi dưỡng văn hóa liêm chính, trao quyền cho công dân để họ có thể phát huy mọi năng lực từ các cấp thấp nhất. Chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đấu tranh với tham nhũng, tăng cường quản trị và xây dựng những thể chế đáng tin cậy có thể đảm bảo sự trung thực và tiến bộ cho tất cả mọi người”, ông Guterres nói.

Theo TTK LHQ, các quốc gia thành viên LHQ phải ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng. Việc tăng cường hoạt động của các ủy ban chống tham nhũng quốc gia cũng như những nỗ lực khởi tố các đối tượng tham nhũng là rất quan trọng, theo ông Guterres.

Cùng với đó, TTK LHQ cũng cho rằng các chính phủ có thể thúc đẩy nỗ lực chống tham nhũng bằng cách đảm bảo bộ máy tư pháp độc lập, xã hội dân sự mạnh, tự do báo chí và cơ chế bảo vệ hiệu quả những người chống tham nhũng.

Cộng đồng quốc tế cũng có thể hỗ trợ cho những nỗ lực này thông qua việc hành động hiệu quả hơn để chống nạn rửa tiền, trốn thuế và ngăn chặn các luồng tài chính bất hợp pháp đang khiến nhiều quốc gia mất những nguồn lực vô cùng cần thiết và tiếp tay cho tham nhũng. 

Đặc biệt, TTK LHQ Guterres cảnh báo tham nhũng có thể là ngòi nổ dẫn tới cho xung đột. “Xung đột càng lan rộng, tham nhũng càng có đất phát triển. Và ngay cả khi xung đột kết thúc, tham nhũng vẫn có thể cản trở sự phục hồi”, ông nói.

Theo ông Guterres, tham nhũng làm suy yếu các tổ chức chính trị - xã hội. Qua thực tế cho thấy những thể chế này sẽ luôn ở trong tình trạng khủng hoảng nhất trong thời gian xảy ra xung đột. Tham nhũng cũng được chứng minh có liên quan đến những dạng bất ổn và bạo lực như buôn bán vũ khí, ma túy và buôn bán người trái phép. Mối liên hệ giữa tham nhũng và chủ nghĩa bạo lực cực đoan cũng đã được HĐBA LHQ và Đại hội đồng LHQ công nhận. 

Ngoài ra, theo các nghiên cứu, tài sản bị đánh cắp thông qua tham nhũng còn có thể được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động phạm tội khác. Theo TTK LHQ, các cuộc khảo sát về tham nhũng trên quy mô lớn do Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm của LHQ tiến hành cho thấy nạn hối lộ công chức đặc biệt phổ biến tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Theo ông Guterres, trong các tình huống xung đột, các bên liên quan như các ủy ban phòng chống tham nhũng, các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông có thể bị suy yếu hoặc bị cản trở trong việc thực hiện công việc của họ. “Hậu quả của tham nhũng ở các thời điểm xảy ra xung đột có thể đặc biệt nghiêm trọng vì nó có thể ảnh hưởng đến những nhu cầu cơ bản nhất của con người, làm gia tăng tình trạng nghèo đói”, TTK LHQ nói.

Trong bối cảnh như vậy, ông Guterres kêu gọi các nước thực hiện Công ước LHQ chống tham nhũng. “Cơ chế đánh giá ngang hàng mạnh mẽ của Công ước này đã tạo khuôn khổ toàn cầu cho việc hợp tác quốc tế nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa tham nhũng, phá vỡ các đường dây “rửa tiền”, thúc đẩy việc hoàn trả những khoản công quỹ  bị đánh cắp từ các ngân hàng nước ngoài về nước bị thiệt hại và các hành động cần thiết khác”, ông Guterres nói và khuyến khích các nước thành viên của Công ước quyết tâm hơn nữa trong việc thực thi công ước này.

Ông cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tận dụng các tiến bộ công nghệ để mở rộng sự tham gia của dân chúng vào việc quản lý đất nước và tăng trách nhiệm. Theo TTK LHQ, chống tham nhũng và giải quyết các thách thức về quản trị phải là một thành tố trong các cách tiếp cận ngăn ngừa tham nhũng.

Trong bài phát biểu, TTK LHQ đánh giá cao Liên minh Châu Phi tại Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 1 vừa qua đã xác định năm 2018 là Năm chống tham nhũng châu Phi, đặc biệt là việc các nỗ lực chống rửa tiền ở Nigeria và Tunisia đã giúp thu hồi lại một số khoản quỹ.

Theo báo cáo của LHQ, tham nhũng tồn tại ở tất cả các quốc gia, cả giàu và nghèo, phía Bắc và phía Nam, cả các nước phát triển và đang phát triển. Tính toán của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhận định tham nhũng gây thiệt hại ít nhất là 2.600 tỷ USD, hay 5% GDP trên toàn thế giới. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), các công ty và cá nhân mỗi năm chi tới hơn 1.000 tỷ USD để hối lộ.  

Đọc thêm