Tranh cãi xung quanh chiếc đồng hồ vàng của Giáo chủ Tân Thiên Địa

(PLVN) - Chiếc đồng hồ vàng mà ông Lee Man Hee, giáo chủ giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) đeo trong buổi họp mặt với báo giới vào ngày 2/3 được in tên cựu Tổng thống Park Geun Hye đã làm dấy lên cuộc tranh cãi ngoài ý muốn. 
Tranh cãi xung quanh chiếc đồng hồ vàng của Giáo chủ Tân Thiên Địa

Giáo chủ Tân Thiên Địa Lee Man Hee vào ngày 2/3 đã tổ chức buổi họp báo tại quận Gyeongsang, tỉnh Gyeonggi để xin lỗi vì giáo phái này đã lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cho nhiều người khác, khiến dịch bệnh này bùng phát và lây lan nhanh chóng tại Hàn Quốc. 

Tuy nhiên, mọi ánh mắt đổ dồn sự chú ý về chiếc đồng hồ vàng trên cánh tay trái của giáo chủ giáo phái Tân Thiên Địa hơn là lời giải thích về vai trò của Shincheonji trong tình trạng dịch Covid-19 đang bùng phát “chóng mặt” tại Hàn Quốc. 

Mặt đồng hồ có hình tròn và thiết kế đơn giản. Nổi bật trên nền trắng là hình quốc hoa của Hàn Quốc (hoa dâm bụt) cùng hai chú chim phượng hoàng phía trên, những chi tiết này được coi là biểu tượng của Nhà Xanh. Phía dưới có chữ ký bằng tiếng Hàn của cựu Tổng thống Park Geun Hye. 

Chiếc đồng hồ vàng này, theo nhiều ý kiến, được cho là do cựu tổng thống Park tặng cho ông Lee. Bà Park đã bị phế truất và bị giam vào năm 2017 vì tội tham nhũng và lạm quyền.

Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào chiếc đồng hồ vàng mà Giáo chủ Tân Thiên Địa đeo trong buổi họp báo.
Mọi ánh mắt đều đổ dồn vào chiếc đồng hồ vàng mà Giáo chủ Tân Thiên Địa đeo trong buổi họp báo. 

Chiếc đồng hồ này đã làm dấy lên nghi ngờ về mối quan hệ giữa giáo phái Tân Thiên Địa và cựu tổng thống Park. 

Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, Giáo chủ Lee đã cố tình đeo chiếc đồng hồ này và xuất hiện tại cuộc họp báo để nhấn mạnh mối quan hệ với các quan chức chính phủ trước đây. Một quan chức của phe đối lập chỉ ra rằng: “Đây được coi là một ý định để biến vụ việc Covid-19 thành một cuộc tranh cãi về chính trị”. 

“Ông ta đang khoe khoang món quà của bà Park”, một tài khoản trên Twitter viết trong khi một tài khoản khác lại mỉa mai: “Đồng hồ của ông ta sáng loáng và trong như pha lê, giống như lòng trung thành của ông ta với bà Park vậy”. 

Ông Lee Gun Yong, cựu Trợ lý văn phòng của bà Park và hiện lãnh đạo Đảng Tương lai thống nhất cho biết: “Trong thời kỳ đầu cựu tổng thống Park nhậm chức, chúng tôi đã ra lệnh chế tác loại đồng hồ bằng bạc. Sau đó chúng tôi đã chế tác thêm nhiều vật lưu niệm đa dạng như đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn nhưng không hề có đồng hồ vàng”. 

Chiếc đồng hồ có hình quốc hoa của Hàn Quốc (hoa dâm bụt) cùng hai chú chim phượng hoàng phía trên (biểu tượng của Nhà Xanh). Phía bên dưới có chữ ký bằng tiếng Hàn của cựu Tổng thống Park Geun Hye.
 Chiếc đồng hồ có hình quốc hoa của Hàn Quốc (hoa dâm bụt) cùng hai chú chim phượng hoàng phía trên (biểu tượng của Nhà Xanh). Phía bên dưới có chữ ký bằng tiếng Hàn của cựu Tổng thống Park Geun Hye. 

Ý kiến khác cũng tiết lộ: “Chính phủ tiền nhiệm chỉ sản xuất duy nhất một chiếc đồng hồ kỷ niệm. Mẫu đồng hồ không có hiển thị ngày tháng trên mặt đó chỉ sản xuất với số lượng hạn chế nên tôi vẫn còn nhớ rất rõ”. 

Một quan chức quan trọng trong Nhà Xanh thông tin: “Vì đây là chiếc đồng hồ được chế tạo từ chính quyền trước, hiện tại không còn dữ liệu liên quan nào nên khó có thể biết được chi tiết”. 

Về vấn đề này, một lãnh đạo của Tân Thiên Địa giải thích chiếc đồng hồ này là phần thưởng mang tính khen ngợi cho giáo chủ khi ông là cựu chiến binh trong chiến tranh Triều Tiên, và chuyện này chẳng liên quan gì đến chính trị. 

Giáo chủ Tân Thiên Địa không tiết lộ cụ thể lý do nhận đồng hồ của cựu tổng thống mà ông đeo vào hôm đó. 

Sau khi nhậm chức vào năm 2013, cựu Tổng thống Park đã cho người làm những chiếc đồng hồ có tên mình để dành tặng những vị khách quý và những người có công với đất nước.

Trong thời kỳ cựu tổng thống Park, Nhà Xanh đã chế tạo ra hai phiên bản đồng hồ đeo tay dành cho nam và nữ, trong đó đồng hồ đeo tay của nam có kích thước hơi lớn hơn một chút và không có gì khác biệt về thiết kế. Đồng hồ này đã được giao dịch với giá 250.000 đến 500.000 won (5 đến 10 triệu đồng) tại thị trường đồ cũ trên mạng. 

Đọc thêm