Triều Tiên lại thử tên lửa

(PLO) - Triều Tiên ngày 29/5 tiếp tục phóng một tên lửa đạn đạo được cho là đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản ở biển Nhật Bản. 
Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên
Người dân Hàn Quốc theo dõi bản tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Theo AFP, tên lửa của Triều Tiên được phóng đi chỉ 1 ngày sau khi Bình Nhưỡng thông báo nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-Un đã giám sát vụ thử hệ thống vũ khí phòng không mới. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ nói rằng tên lửa mà Triều Tiên vừa thử là tên lửa tầm ngắn Scud. Tên lửa đã bay được khoảng 6 phút với quãng đường khoảng 450km sau khi rời bệ phóng rồi rơi xuống  vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản. Trong khi đó, phía Nhật cho biết tên lửa đã rơi vào EEZ của nước này. 

Đây là vụ thử tên lửa đạn đạo thứ 3 của Triều Tiên trong vài tuần trở lại đây và là cuộc thử nghiệm thứ 12 trong năm nay. Đây cũng là lần thứ 2 trong năm nay tên lửa của Triều Tiên rơi xuống gần nước láng giềng Nhật Bản. Vụ việc diễn ra bất chấp những cảnh báo trừng phạt của LHQ và đe dọa hành động quân sự của Mỹ. Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm G7 cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố “vấn đề lớn” Triều Tiên sẽ được giải quyết. 

Ngay trong ngày 29/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án vụ  thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên và cam kết sẽ phối hợp hành động với Mỹ. “Như đã nhất trí tại Hội nghị G7, vấn đề Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Để ngăn chặn Triều Tiên, chúng tôi sẽ có hành động mạnh mẽ với Mỹ”, ông Abe tuyên bố. 

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết thêm rằng giới chức Nhật sẽ bàn thảo với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì về các biện pháp đối phó với Triều Tiên khi ông Dương có chuyến thăm 3 ngày tới Nhật từ ngày 29/5.

Về phía Hàn Quốc, tân Tổng thống Moon Jae-In cũng đã triệu tập một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia để đánh giá về vụ thử tên lửa. Seoul trong một tuyên bố lên án vụ thử là một mối đe dọa nghiêm trọng và là một thách thức đối với nhà lãnh đạo mới của Hàn Quốc.

Trái ngược với những người tiền nhiệm, Tổng thống Moon nhiều lần khẳng định ủng hộ đối thoại với Triều Tiên để giảm thiểu căng thẳng. “Việc Triều Tiên liên tục có những hành vi gây hấn sau lễ nhậm chức của lãnh đạo mới của chúng tôi là một đe dọa trực tiếp tới yêu cầu hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trong khi ông Trump đưa ra những cảnh báo gay gắt thì Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng ít giờ trước vụ thử tên lửa lại cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh với Triều Tiên sẽ rất “thảm khốc”. “Triều Tiên có hàng trăm khẩu đạn pháo và các bệ phóng tên lửa có tầm bắn tới một trong những thành phố đông dân nhất thế giới là thủ đô của Hàn Quốc. Nước này là một mối đe dọa với khu vực, với Nhật Bản, với Hàn Quốc.

Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, họ cũng có thể đưa đến nguy hiểm cho Trung Quốc và Nga. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là sẽ rất thảm khốc nếu mối đe dọa này chuyển thành chiến tranh nếu chúng ta không thể giải quyết được tình hình thông qua các biện pháp ngoại giao”, ông Mattis nói. Ông Mattis cũng cho biết Chính phủ Mỹ vẫn để không gian phòng thủ chính trị trong vấn đề Triều Tiên và từ chối cho biết hành động nào của Bình Nhưỡng sẽ cấu thành “lằn ranh đỏ” với Washington.