Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm tên lửa 'đe dọa' Mỹ

(PLO) - Trong tuần vừa qua, Triều Tiên lại liên tiếp bắn thử nghiệm hai tên lửa tầm trung Musudan, tuy nhiên một trong hai quả được cho là đã thất bại. Đây là vụ phóng thử tên lửa Musudan lần thứ 5 của Triều Tiên trong năm nay.
Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa Musudan
Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa Musudan

Thử nghiệm 2 quả liên tiếp

AFP dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, cuộc thử nghiệm trên lửa đầu tiên chỉ bay xa được khoàng 150km được tiến hành lúc 6:00 (theo giờ địa phương) được cho là đã thất bại. Ngay sau đó tại cùng địa điểm bờ biển phía đông, tên lửa thử nghiệm thứ 2 lại tiếp tục được phóng đi đạt được độ cao 1.000km và bay xa khoảng 400km về phía bờ biển phía tây nam hòn đảo Honshu của Nhật Bản.

Tên lửa tầm trung Musudan có tầm bắn ước tính từ 2.500 km đến 4.000 km. Tầm bắn thấp sẽ vươn tới Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi tầm bắn xa có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ tại đảo Guam. Lần đầu tiên loại tên lửa này được Triều Tiên công bố là tại cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng từ hồi tháng 10/2010, nhưng từ đó đến nay, loại tên lửa này chưa một lần thử nghiệm thành công.

Vào tháng 4/2016, 3 lần liên tiếp phóng tên lửa nhưng thất bại đã khiến các nhà lãnh đạo Triều Tiên phải bẽ mặt và trở thành nỗi xấu hổ trước thềm đại hội Đảng, một dịp hiếm hoi mà đảng cầm quyền nước này tung hô những thành tựu của đất nước. Sau đó, đến tháng 5/2016, vụ phóng tên lửa lần thứ 4 cũng đã thất bại ê chề. 

Đây là vụ phóng thử tên lửa Musudan lần thứ 5 của Triều Tiên. Tuy nhiên, thất bại của một trong hai cuộc thử nghiệm lần này lại được cho là hành động quảng bá thái quá của Triều Tiên về loại tên lửa tầm trung Musudan, khi nói rằng nó có khả năng vươn tới căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam xa xôi. 

Trong năm nay, Bình Nhưỡng đã 4 lần thất bại trong việc thử nghiệm tên lửa tầm trung Musudan, điều này đã cản trở chương trình phát triển vũ khí hạt nhân với mong muốn tấn công Mỹ của Triều Tiên. 2 cuộc thử nghiệm thứ 3 và thứ 4 cách đây vài tháng dường như lại làm leo thang căng thẳng quân sự.

Trước tình hình đó, phía Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) đã buộc phải đưa ra lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên. Trước lệnh trừng phạt, trong tháng 5, nhà lãnh đạo Kim Kim Jong-Un đã phải đích thân đề xuất ý định đàm phán quân sự với Hàn Quốc. Triều Tiên lặp đi lặp lại nhiều lần lời đề nghị này nhưng đều bị Seoul bác bỏ vì Hàn Quốc cho rằng đây chỉ là động thái “đánh lừa” của ông Kim Jong-Un tại Đại hội Đảng nhằm đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân của nước này mà thôi.

Đe dọa Mỹ 

Sau liên tiếp hai cuộc thử nghiệm tên lửa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã bày tỏ sự vui mừng của mình và ca ngợi những thành công trong việc thử nghiệm và cho biết nó có đủ khả năng tấn công các cơ sở quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, phía Triều Tiên cũng đã nhấn mạnh rằng việc giảm tầm bay của tên lửa xuống 400km và tăng các quỹ đạo có nghĩa nó hoàn toàn không có nguy hiểm gì cho các nước láng giềng như Nhật Bản.

Trước đó, Nhật Bản đã cảnh báo Triều Tiên có thể đang triển khai một vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung và cho biết quân đội Nhật Bản đã chuẩn bị một hệ thống đánh chặn tên lửa Patriot và sẵn sàng bắn hạ bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên nếu hướng mục tiêu về Nhật Bản. 

Theo Hãng tin KCNA của Triều Tiên cho biết, ông Kim Jong-Un là người trực tiếp giám sát thử nghiệm tên lửa Musudan ngày 22/6. Ông Kim còn đe dọa Mỹ: “Triều Tiên hoàn toàn có khả năng tấn công vào các quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương”. Sự thành công của thử nghiệm đã đánh dấu một sự kiện quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa khả năng tấn công hạt nhân của nhà nước Triều Tiên, đây cũng sẽ là minh chứng về một hệ thống vũ khí chiến lược phát triển đầy đủ.

Trong những tháng gần đây, Triều Tiên đã tuyên bố đã đạt được các bước đột phá kỹ thuật trong việc phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, nhằm mục tiêu vào Hoa Kỳ. Những thành tựu được công bố bao gồm thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân để gắn vừa vào tên lửa, phát triển một đầu đạn hạt nhân có thể chịu được khí quyển tái nhập cảnh và xây dựng một động cơ tên lửa nhiên liệu rắn. Triều Tiên cũng tuyên bố thử nghiệm thành công một động cơ được thiết kế đặc biệt cho tên lửa ICBM “bảo đảm” sẽ có một cuộc tấn công hạt nhân nhất định vào lãnh thổ Mỹ.

Các chuyên gia cũng cho rằng, thành công trong cuộc thử nghiệm tên lửa Musudan hôm 22/6 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình vũ khí hạt nhân. Điều mà Bình Nhưỡng luôn hướng tới là mong muốn phát triển khả năng tấn công hạt nhân nhằm chứng minh nước này hoàn toàn có thể chống lại nước Mỹ.

Trước vụ thử nghiệm tên lửa, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, Triều Tiên phải ngừng ngay những hành động khiêu khích. Điều mà Triều Tiên đang cố thể hiện chỉ khiến cho cộng đồng quốc tế thêm phẫn nộ và khiến LHQ gia tăng thêm lệnh trừng phạt. Mỹ sẽ bảo vệ những đồng minh của mình như Hàn Quốc và Nhật Bản trước hành động khiêu khích của Triều Tiên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình trong khu vực cũng như trên thế giới.  

Ngoài ra, nhiều chuyên gia chính trị cho biết, trong năm này Triều Tiên liên tiếp khoe khoang sức mạnh của vũ khí hạt nhân, một phần cũng do sức ép và thách thức về tài chính. Phần khác là mục đích cung cấp vũ khí hạt nhân, vì Bình Nhưỡng đã bị LHQ ban bố những lệnh trừng phạt như các loại hàng hóa bị cấm xuất khẩu tới Triều Tiên hay kiểm tra gắt gao mọi hàng hóa của nước này khi xuất khẩu sang các nước khác... khiến cho nguồn tài chính của nước này càng trở nên eo hẹp. 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un trực tiếp giám sát thử nghiệm tên lửa Musudan
Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un trực tiếp giám sát thử nghiệm tên lửa Musudan

Đáng lo ngại

Trước mắt, điều đáng lo ngại là khi Triều Tiên thử nghiệm thành công thì đó sẽ đánh dấu một bước tiến quan trọng cho một chương trình vũ khí hạt nhân. Theo ông Melissa Hanham - một nhà nghiên cứu về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Quốc tế bang California (Mỹ)- vụ phóng tên lửa hôm 22/6  là một bước tiến đáng lo ngại trong tương lai. Ông cho biết, “khả năng quả tên lửa thứ 2 đã thành công và những thử nghiệm lặp đi lặp lại giúp Bình Nhưỡng có thể học hỏi và rút kinh nghiệm rất nhiều điều”. 

Trong khi đó, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết các vụ phóng tên lửa sẽ chỉ làm tăng các nỗ lực toàn cầu để chống lại chương trình vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên. Mỹ sẽ tiếp tục nâng cao mối quan tâm về hành động của Triều Tiên trước LHQ để buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm trước những hành động đầy khiêu khích của mình”. Sự phản đối của cộng đồng quốc tế  rất có thể sẽ khiến cho Triều Tiên sẽ tiếp tục phải hứng chịu thêm những lệnh trừng phạt mới. 

Hàn Quốc cực lực lên án 

Phía Hàn Quốc, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh rằng vụ thử nghiệm của Triều Tiên là “vi phạm trắng trợn nghị quyết của LHQ”. 

Trong một bài phát biểu, Tổng thống Park Geun-hye cho hay, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục chung sức với cộng đồng quốc tế làm cho Bình Nhưỡng nhận ra rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận thay đổi và rằng họ sẽ không có tương lai nếu không từ bỏ vũ khí hạt nhân. Hành động này của Triều Tiên đã đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà ở cả khu vực Đông Bắc Á và thế giới. 

Cũng theo Tổng thống Park Geun-hye, Hàn Quốc đang nỗ lực tránh tình trạng căng thẳng và tạo dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên, nhấn mạnh rằng Hàn Quốc cần đưa ra các chính sách kiên định về vấn đề Triều Tiên và tiếp tục phấn đấu vì sự nghiệp tái thống nhất đất nước. 

Các nước lên án hành động của Triều Tiên 

Chỉ vài giờ sau khi thực hiện hai vụ thử nghiệm tên lửa, các nước như Hoa Kỳ, NATO và Nhật Bản, với Hàn Quốc... tuyên bố sẽ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn với Bình Nhưỡng. Lầu Năm Góc đã lên tiếng cảnh cáo Bình Nhưỡng phải dừng lại việc thử nghiệm. LHQ đã đưa ra lệnh cấm Triều Tiên tiếp tục sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng đây là hành động “không thể được dung thứ”.

Theo Reuters, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã “cực lực lên án” vụ phóng được cho là một tên lửa tầm trung của Triều Tiên hướng tới biển Nhật Bản, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng không được phép có thêm bất kỳ “những hành đồng khiêu khích” nào nữa. Ông cho biết, những hành động khiêu khích tái diễn nhiều lần như thế này đang hủy hoại an ninh và đối thoại quốc tế. Triều Tiên ngay lập tức phải dừng lại những vụ thử nghiệm tên lửa hạt nhân, thực hiện nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế. 

Hãng AFP cũng đưa tin, Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ cũng lên án mạnh mẽ việc thử nghiệm tên lửa vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi một phản ứng mau lẹ từ quốc tế. Đại sứ Pháp tại LHQ, ông Francois Delattre rất bức xúc trước hành động trên của Bình Nhưỡng, đây rõ ràng là hành động không thể chấp nhận được và đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Ông Delattre cũng đã kêu gọi một phản ứng nhanh từ phía LHQ. 

Về phía Trung Quốc, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ phóng tên lửa, nước này đã cảnh báo Triều Tiên “bất kỳ hành động nào của nước này cũng có thể làm leo thang căng thẳng” và kêu gọi một cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng.

Đọc thêm