Trộm “mắt thần” radar Ai Cập

(PLO) -Mối quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập chẳng bao giờ “cơm lành, canh ngọt”, luôn có những mâu thuẫn không giải quyết được. Những cuộc khủng bố, xung đột giữa các bên khiến hai bên luôn ở thế cận kề miệng hố chiến tranh. Trong các cuộc xung đột ấy không thể thiếu “bàn tay” của lực lượng đặc nhiệm.
Không quân Israel từng gây nhiều tổn thất cho các nước Ả rập trong “chiến tranh ngày 5/6”
Không quân Israel từng gây nhiều tổn thất cho các nước Ả rập trong “chiến tranh ngày 5/6”

Tháng 10/1969, Thủ tướng của Israel Mayer nhận được thông tin tình báo báo Mỹ cung cấp từ một bức ảnh. Ai Cập và Sirya đã trang bị, bố trí hệ thống Radar phòng không mua về từ Liên Xô dọc theo các vị trí chiến lược ở ven bờ Hồng Hải và Địa Trung Hải. 

“Chuột thần” ra đời

Loại Radar phòng không này có tính năng kỹ thuật, chiến thuật hiện đại, độ phân giải cao, có thể kiểm soát được các hoạt động của không quân Israel, có thể dẫn đường cho tên lửa đất đối không từ cự ly rất xa.

Điều này đe dọa rất lớn đến lực lượng không quân của Israel, khiến cho ưu thế trên không của Israel không còn như trước.  Thủ tướng Mayer bực bội và quyết tâm "phải móc những con mắt thần đáng ghét này". 

Trong cuộc chiến tranh Trung Đông lần thứ 3 (chiến tranh ngày 5/6), không quân Israel bất ngờ tập kích các sân bay của Ai Cập và Sirya, khiến hai nước này bị thiệt hại nặng. Trong 6 ngày, hàng trăm máy bay bị tiêu diệt, Israel chiếm được gần 65.000km2 đất đai, bao gồm bán đảo Sinai của Ai Cập, cao nguyên Golan của Sirya và vùng thuộc quyền quản lý của Jordan tại Jersusalem.

Các nước trên hết sức căm giận, chi nhiều ngoại tệ để mua radar phòng không tiên tiến của Liên Xô, quyết lấy lại vùng đất đã mất. Ở thời điểm đó, Radar của Ai Cập đã được bố trí, lắp đặt xong và hoàn thành giai đoạn thử nghiệm, đe dọa trực tiếp lực lượng không quân Israel. 

Trước mối nguy hiểm ấy, Israel tính toán nhiều phương án, nhưng đều không khả thi. Nếu cho máy bay không kích vào các trạm radar này thì có thể chưa đến được trận địa đối phương đã bị phát hiện và bắn hạ.

Nếu dùng bộ binh tấn công mục tiêu cũng không ổn vì  khoảng cách cơ động quá xa sẽ rất khó khăn trong bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Hơn nữa, phía quân đội Ai Cập đã có sự chuẩn bị, khu vực xung quanh các trạm radar đều bố trí lực lượng phòng thủ, rất khó mang lại hiệu quả mong muốn khi tấn công chớp nhoáng. 

Sau khi bí mật bàn bạc với Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng, Thủ tướng Meyer quyết định sẽ sử dụng lực lượng đặc nhiệm, đột nhập, tập kích vào trận địa Radar đối phương. 

Cuối cùng, Thủ tướng Meyer quyết định thành lập lực lượng đặc nhiệm bí danh “chuột thần”, nhằm tấn công, tiêu diệt trạm radar của Ai Cập. Lực lượng này ở ngay trong khu căn cứ không quân và được canh phòng nghiêm ngặt, được huấn luyện nhiều nội dung, được các chuyên gia kỹ thuật điện tử giới thiệu về cấu tạo, tính năng, tác dụng và đặc điểm của hệ thống radar. 

Qua hơn một tháng tập luyện trong điều kiện tuyệt mật, đội đặc nhiệm đã nắm vững được phương pháp đột nhập bí mật vào lãnh thổ đối phương bằng đường bộ và đường thủy, học được cách đặt mìn hẹn giờ vào vị trí các bộ phận, thiết bị quan trọng của đài radar, thực tập các tình huống có thể xảy ra, đề ra các phương pháp đối phó cụ thể. 

Khi biết được kế hoạch của Israel, Mỹ liền đề nghị muốn được Israel cung cấp cho một dàn radar hoàn chỉnh để có thể nghiên cứu biện pháp đối phó. Vì muốn khoe khả năng của lực lượng đặc nhiệm với “ông anh cả”, Thủ tướng Meyer đồng ý yêu cầu trên.

Nhiều người cho đó là lời hứa lấy lòng, đãi bôi, bởi đài radar rất cồng kềnh, chỉ dàn ăng ten đã cao bằng cỡ tòa nhà hai tầng, toàn bộ các thiết bị có trọng lượng khoảng 70 tấn, nếu muốn đưa từ trận địa bảo vệ cẩn mật của đối phương chuyển về Israel là điều không tưởng.

Chỉ riêng việc lực lượng đặc nhiệm vượt khoảng cách xa xôi tấn công phá hủy trạm radar được canh phòng nghiêm ngặt cũng là vô cùng khó khăn, còn nếu muốn vận chuyển nó về đến nơi an toàn thì khó khăn quả là khó tưởng tượng. 

“Cuộc chiến” tại lễ Giáng sinh

Ngày 25/12, thủ đô Cairo của Ai Cập ngập tràn không khí lễ hội, nhưng tại trạm radar ở cách xa Cairo lại rất vắng vẻ. Vào ngày lễ nên đa số các chiến binh Ai Cập đều đang tập trung trong các câu lạc bộ uống rượu chúc tụng nhau, cả trận địa radar chẳng còn mấy người, chỉ có dàn ăng ten khổng lồ đang lặng lẽ quay trong gió lạnh.

Màn đêm vừa buông xuống, hai chiếc máy bay trực thăng màu trắng không mang số hiệu chở theo 50 lính đặc nhiệm và 10 chuyên gia kỹ thuật điện tử lặng lẽ cất cánh từ một sân bay bí mật nằm trong lãnh thổ Israel, lợi dụng bóng đêm, bay thấp hướng về phía Tây Nam, rất nhanh sau đó đã khuất dần về phía Địa Trung Hải. Chiến dịch tấn công vào trận địa radas Ai Cập của đội "Chuột thần” đã bắt đầu. 

Các máy bay không dám bật đèn pha vì sợ lộ, bay mò mẫm trong bóng đêm. Đây là hành động mạo hiểm, nếu bị radar của phía Ai Cập phát hiện, sẽ bị bắn hạ ngay. Trên đường bay, các thành viên đều căng thẳng, nơm nớp lo sợ, trán mọi người đều lấm tấm mồ hôi. 

Loại radar tên lửa cồng kềnh và hiện đại của Ai Cập đã bị “chuột thần” của Israel đánh cắp.
Loại radar tên lửa cồng kềnh và hiện đại của Ai Cập đã bị “chuột thần” của Israel đánh cắp.

Từ lúc lực lượng đặc nhiệm cất cánh, Thủ tướng Mayer vẫn ngồi trong phòng tác chiến Bộ tổng tham mưu, theo dõi tin tức của cuộc tập kích. Nếu phi vụ này thành công, mang được các thiết bị radar về Israel thì nguy hiểm được hóa giải, không những tìm được cách gây nhiễu, đánh lừa hệ thống radar mà còn dùng máy bay đánh phá, hủy hoại các trạm radar còn lại.

Nhưng nếu chuyến đi này thất bại thì hậu quả sẽ khôn lường. Chờ lâu không thấy tin tức báo về, Thủ tướng Meyer dường như hết kiên nhẫn, mấy lần bà bước đến bên người sĩ quan thông tin, định dùng điện đài liên lạc với lực lượng hành động, nhưng bà đã kìm được. 

Máy bay trực thăng tiếp tục bay sát mặt biển. Khi sắp tiếp cận khu vực kiểm soát của trạm radar, máy bay tiếp tục hạ thấp độ cao, cách mặt biển vài mét với tốc độ cao, hướng thẳng về phía mục tiêu.

Đột nhiên, đèn đỏ trong khoang máy bay nhấp nháy, chuông báo vang lên những tiếng ngắn chói tai, giục giã. Đó là tín hiệu đã tiếp cận mục tiêu, chuẩn bị hành động. Các chiến sĩ đặc nhiệm nhanh chóng đội mũ sắt, chỉnh lại các trang bị, xem lại vũ khí. 

Máy bay trực thăng bay vụt qua khu vực trận địa của lực lượng bảo vệ trạm radar, phi công hạ cánh điêu luyện xuống khu vực chỉ cách đài rađar khoảng 100 mét.

Cửa máy bay vừa bật mở, lính đặc nhiệm trong trang phục ngụy trang đã lao ra, một tổ chiếm lĩnh vị trí có lợi gần chỗ hạ cánh, làm nhiệm vụ yểm hộ, những người khác chia làm ba hướng xông vào đài radar, nhanh chóng báo về Bộ tổng tham mưu: "Chuột thần" đã đến mục tiêu, đang triển khai hành động theo kế hoạch". 

Vô hiệu hóa dàn rada tối tân

Nhận được tín hiệu, Thủ tướng Meyer hết sức vui mừng. Một mặt, bà chỉ thị cho lực lượng đặc nhiệm chú ý hiệp đồng, nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, một mặt ra lệnh cho không quân chuẩn bị yểm trợ cho lực lượng đặc nhiệm rút ra an toàn. Khi đột nhập được vào đài radar, lực lượng đặc nhiệm nhanh chóng dùng súng giảm thanh hạ gục lính gác.

Tiếp đó, một bộ phận chiếm giữ trận địa phòng thủ của lính Ai Cập, đề phòng phản công; một bộ phận phối hợp với các chuyên gia kỹ thuật, trực tiếp lên đài radar, tháo dỡ toàn bộ thiết bị, đưa về máy bay. Trước lúc trời sáng, dưới sự yểm hộ của không quân, bộ dàn rada trị hàng triệu đôla này được đưa về Israel. 

Do tốc độ hành động cực kỳ nhanh, mau lẹ cùng với khả năng bảo mật cao đã khiến lực lượng bảo vệ radar khác của quân Ai Cập đóng quân cách đó khoảng 3km hoàn toàn không hay biết. Đến lúc trời sáng, khi phát hiện không thấy dấu vết thường ngày của dàn ăng ten, họ lại cho rằng trận địa radar đã chuyển vị trí trong đêm qua. 

Qua nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, có hệ thống các thiết bị của trạm radar thu được, các chuyên gia tình báo, chuyên viên kỹ thuật Israel đã nắm chắc thông tin về tần số, bước sóng, cự ly kiểm soát, đặc điểm tín hiệu và các tham số bí mật khác của hệ thống radar này. Nhờ vào những phát hiện đó, họ đã tìm được cách đối phó, né tránh radar của Ai Cập và đã chế tạo được thiết bị gây nhiễu hiệu quả.

Cũng từ đó, không quân của Israel lại tiếp tục ngang nhiên hoành hành, tấn công vào các mục tiêu của các nước Ảrập. Cũng từ đây, Mỹ chế tạo ra các máy gây nhiễu khắc chế tên lửa SAM-2 của Việt Nam, gây cho Việt Nam nhiều khó khăn và thiệt hại trong các chiến dịch bảo vệ bầu trời miền Bắc từ 1970 đến 1972.

Tuy nhiên, các loại máy gây nhiễu hiện đại ấy chỉ có tác dụng trong thời gian nhất định. Ngay sau đó, các nhà khoa học quân sự Việt Nam và các chuyên gia đã tìm ra “nhiễu rãnh đạn” và khiến cho siêu pháo đài bay B-52 của Mỹ phải gục cách trên bầu trời miền Bắc Việt Nam...