Trùm phát xít Mussolini từng thủ tiêu người tình và con trai?

(PLO) -Không chỉ là một chính khách tàn bạo, trùm phát xít Italia Benito Mussolini  (29/7/1883 – 28/4/1945) còn là một kẻ hoang dâm vô độ. Tuy nhiên, cho tới tận ngày nay, khi ngày càng có nhiều tư liệu được tiết lộ thì nhiều người vẫn không khỏi ngỡ ngàng về những bí mật đời tư kinh hoàng của ông trùm phát xít…
Mussolini
Mussolini

Theo báo chí Italia, kể từ năm 1929 đến 1943, y đã qua đêm với khoảng 5.000 người tình; mỗi đêm, y lại “sủng hạnh” một cô, thậm chí có đêm y làm tình với 3-4 cô cùng lúc. Ngay từ khi đang nắm quyền sinh quyền sát, Mussolini đã vướng phải không ít những vụ lùm xùm tình ái.

Khi khối Trục thua trận, Mussolini đã bị quân du kích kháng chiến Italia bắt và treo cổ cùng một ả người tình khi đang tìm cách vượt biên trốn sang Thụy Sĩ. 

Một kẻ tình dục bệnh hoạn

Vào năm 16 tuổi, Mussolini đã biết “thế nào là mùi vị tình dục” với người đàn bà đầu tiên trong cuộc đời là một ả gái điếm trên đường phố. Từ sau lần đó, Mussolini bắt đầu vùi mình vào thân xác phụ nữ, chìm đắm trong những cuộc truy hoan, ở gầm cầu thang, góc phố, bên bờ sông hoặc ngay trong công viên.

Với Mussolini, phụ nữ trở thành một thứ công cụ để thỏa mãn nhục dục chứ không phải để yêu. Và quan niệm về người phụ nữ đẹp của Mussolini cũng không quá khắt khe: Chỉ cần những cô gái béo tốt, phốp pháp và… không có mùi nước hoa. Quan niệm khá “bình dân” này giúp Mussolini có thể qua đêm với bất cứ cô gái nào, bất kể nguồn gốc xuất thân.

Tuy nhiên, việc ăn chơi trác táng, hoang dâm vô độ từ khi còn rất trẻ đã khiến Mussolini lãnh đủ hậu quả. Y bị mắc bệnh lây qua đường tình dục và sau khi bị phát hiện, y bị đuổi khỏi nghề giáo viên. Mussolini bắt đầu quãng thời gian 20 năm đầy những âm mưu để từ một kẻ lang thang trở thành  trùm phát xít. Đến năm 1928, Mussolini thực sự trở thành một kẻ độc tài và Italia nghiễm nhiên trở thành một nước phát xít.

Quyền lực và những tham vọng chính trị không hề khiến Mussolini quên đi thói trăng hoa và lối sống bệnh hoạn từng có trước đó. Ở đỉnh cao của quyền lực, mỗi ngày, Mussolini lại qua đêm với một người tình khác nhau. Điều đáng nói là, hầu hết những người phụ nữ này đều tình nguyện hiến thân cho Mussolini.

Về hình thức bề ngoài, Mussolini hoàn toàn không phải là một người đàn ông hấp dẫn với tầm vóc “ngũ đoản”, đầu hói và một khuôn mặt nom dữ dằn. Thế nhưng, y lại có một ma lực kỳ quái với phụ nữ; rất nhiều cô gái đẹp viết thư tán tỉnh và mong được qua đêm với y, nhưng Mussolini chỉ qua đêm với những cô gái mà bản thân y thấy thích thú. Có lẽ quyền lực của trùm phát xít và những món quà đắt tiền đã tạo cho Mussolini một sức hút đặc biệt…

Cuộc gặp gỡ định mệnh

Cách đây chưa lâu, Đài truyền hình quốc gia Italia (RAI) đã phát sóng bộ phim tài liệu nhan đề “Bí mật của Mussolini” dài 120 phút, bằng nhiều thực tế và qua lời phỏng vấn những người trong cuộc đương thời, vạch trần trước công luận tội ác của Mussolini bức hại người tình Ida và con trai – giọt máu của chính y – đến chết.

Thời trẻ, Mussolini nổi tiếng là kẻ hoang dâm vô độ, cả đời có không biết bao nhiêu người tình, nhưng duy nhất một người sinh con với y, đó là Ida Irene Dalser. Ida vốn là một phụ nữ tính tình sôi nổi, rất thông minh, xinh đẹp, giỏi giang. Cô từng du học ngành thẩm mỹ ở Pháp, sau khi trở về Italia đã tự mở một trung tâm làm đẹp tại thành phố Milan.

Tại đây, vào năm 1912, Ida gặp và làm quen với Benito Mussolini – khi đó đang là giám đốc tờ báo  “Avanti!” (Tiền tiến) của Đảng Xã hội Italia ở một quán bar trong thành phố. Khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất nổ ra, Mussolini đã bị Đảng Xã hội khai trừ do ủng hộ việc tham chiến, y bèn tự mình lập ra tờ báo mới mang tên “Il Popolo d'Italia” (Nhân dân Italia). Khi đó, điều kiện kinh tế của Mussolini rất khó khăn, để giúp người tình, Ida đã bán cả gia sản để giúp Mussolini tạo dựng tờ báo.

 Năm 1915, khi Ida thông báo với Mussolini đã mang thai đứa con chung của hai người thì chỉ nhận được từ người tình cái gật đầu hờ hững. Rồi Ida phát hiện ra, y đã kết hôn và có một con gái với cô người tình Rachele. Rachele là một phụ nữ rất ghê gớm, thấy Mussolini trong khi yêu mình vẫn qua lại với một cô gái khác đã dùng cái chết để đe dọa, buộc Mussolini phải đăng ký kết hôn.

Thế là Ida phải mang thai trong cô đơn và tủi nhục của một người phụ nữ chửa hoang. Ngày 11/11/1915, Ida sinh hạ được một cậu con trai và đặt tên là Benito Albino theo tên của cha nó (Benito Mussolini).

Sau khi sinh con, Ida tìm mọi cách thuyết phục để Mussolini có trách nhiệm với đứa con trai của mình nhưng tất cả chỉ nhận được sự tủi nhục và khinh rẻ. Đường cùng, Ida gửi đơn lên tòa án yêu cầu Mussolini chu cấp sinh hoạt phí hàng tháng cho hai mẹ con. Không những thế, đi đến đâu cô cũng kể về câu chuyện tình giữa mình với trùm phát xít và tuyên bố:

“Tôi mới là vợ của Benito Mussolini”. Mussolini buộc phải làm văn bản trước nhân viên công chứng thừa nhận Benito Albino là con mình và cho phép mang họ Mussolini, văn bản còn được lưu giữ đến ngày nay này cũng ghi rõ: Cho đến khi có đứa con trai này, Mussolini chưa có bất cứ quan hệ hôn nhân nào.

Ít lâu sau, khi đánh nhau cùng quân đội Áo, Mussolini bị thương phải vào một bệnh viện ở Milan chữa trị. Tại đây, Ida và Rachele tình cờ gặp nhau, cả hai đều tự xưng là vợ của Mussolini và xô xát với nhau. Cuối cùng, với sự can thiệp của các nhân viên bệnh viện họ mới dừng tay và Ida bị buộc phải ra về.

Tống người tình vào bệnh viện tâm thần

Từ sau khi lập ra tờ báo “Il Popolo d'Italia”, ảnh hưởng xã hội của Mussolini ngày càng lớn. Với sự kiên trì theo đuổi kiện cáo của Ida, tòa án đã ra phán quyết buộc Mussolini hàng tháng phải định kỳ chu cấp một khoản sinh hoạt phí cho mẹ con Ida, nhưng Mussolini lại muốn tách con trai ra khỏi mẹ. Với tính khí cương cường, Ida đi đâu cũng nói mình là vợ của Benito Mussolini. Tức giận, Mussolini bèn nhờ cơ quan cảnh sát giám sát chặt chẽ mọi hành động rồi giam lỏng Ida.

Ít lâu sau, Mussolini thành lập tổ chức chính trị mang tên “Gruppi Universitari Fascisti” của mình, năm 1922 dẫn tổ chức phát xit được gọi là “Đảng Áo Đen” này tiến vào Roma và được Hòang đế Victor Emmanuel III giao thành lập nội các rồi giữ chức Thủ tướng.

Sau khi trở thành người đứng đầu chính phủ, Mussolini quyết định loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân từ phía mẹ con Ida, Lợi dụng quyền hành trong tay, Mussolini đã cưỡng bức mẹ con họ phải xa nhau. Benito Albino bị cảnh sát đến cưỡng chế đưa đi, còn Ida thì bị đưa vào bệnh viện tâm thần.

Bị cưỡng bức đưa vào viện, Ida đã viết nhiều thư gửi Mussolini, cầu xin tha thứ. Bà còn viết thư gửi Giáo hoàng và các giới trong xã hội, nhưng phần lớn các bức thư đều bị chặn giữ lại, không được gửi đi. Năm 1935, Ida trốn khỏi bệnh viện, định đi tìm gặp con, nhưng khi đó Benito đã bị giam lỏng trong một bệnh viện nên không gặp được.

Rồi bà nhanh chóng bị cảnh sát bắt đưa trở lại bệnh viện. Ida khi đó biết rằng trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời bà không thể gặp lại con nữa, nên viết cho con trai một bức thư, trong đó có đoạn: “Con đừng khóc, mẹ sẽ mang theo trái tim của con khi xuống mồ”. Cho đến khi qua đời vào năm 1937, Ida không được gặp lại con trai Benito lần nào nữa. 

Dồn con trai đến chỗ chết

Sau khi bị giằng khỏi tay người mẹ, ban đầu Benito Albino được giao cho một người em trai của Mussolini quản lý. Sau khi người em qua đời, để tiện cho việc giám sát đứa con riêng, Mussolini đã đưa Benito Albino vào một trường nội trú, sau đó cho đi học trường hải quân, nhưng luôn giám sát chặt chẽ.

Theo lời kể của một số nhân chứng đương thời, trông Benito rất giống Mussolini, mỗi khi gặp ai, cậu cũng đều nói mình là con trai Thủ tướng Mussolini. Một nhà báo kể lại, khi phải kê khai văn bản gì đó, Benito đều mở ngoặc ghi rõ phía sau họ tên mình là con của Thủ tướng. Việc Benito luôn rêu rao anh ta là con rơi của Thủ tướng khiến Mussolini rất tức giận.

Năm 1934, sau khi tốt nghiệp trường quân sự, Benito theo tàu hải quân tới Thượng Hải. Năm 1935, khi bà Ida vẫn còn sống thì Benito đã được thông báo tin mẹ anh đã chết. Không chấp nhận thông tin đó, Benito giận dữ chửi bới, xé ảnh cha đẻ. Ít lâu sau, anh ta được điều từ Trung Quốc trở lại Italia.

Khi vừa đặt chân lên đất Italia, Benito đã bị cưỡng chế đưa vào bệnh viện quân đội với lý do “có vấn đề về tâm thần”. Những nhân chứng là người đương thời kể lại, các nhân viên y tế trong bệnh viện đã nhiều lần tiêm Insulin liều cao cho Benito khiến anh ta lâm vào trạng thái hôn mê và năm 1946, Benito chết trong bệnh viện. Cả hai mẹ con họ đều bị mai táng trong nghĩa địa chung của các bệnh nhân tâm thần…