​Trung Quốc: Bắt buộc lưu trữ dữ liệu cá nhân

(PLO) - Luật an ninh mạng mới được thắt chặt của Trung Quốc buộc mọi công ty kể cả các hãng quốc tế, phải lưu trữ dữ liệu cá nhân tại các máy chủ ở Trung Quốc. 
Trung Quốc tăng cường an ninh mạng nhằm chống nạn gian lận trực tuyến và gian lận qua điện thoại đang gia tăng dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và gây mất ổn định xã hội
Trung Quốc tăng cường an ninh mạng nhằm chống nạn gian lận trực tuyến và gian lận qua điện thoại đang gia tăng dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và gây mất ổn định xã hội

Theo lời của giới chức Trung Quốc, luật này nhằm bảo vệ người dùng và không nhằm mục đích hạn chế hoạt động của các công ty nước ngoài. 

Cấm thu thập, bán thông tin cá nhân

Điều luật mới có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 và nghiêm cấm việc thu thập cũng như bán thông tin cá nhân của người dùng mạng. Bên cạnh đó, các công ty phải lưu trữ dữ liệu trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc, và người dân được quyền yêu cầu xóa thông tin về họ. 

Luật mới là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Trung Quốc, có nghĩa đối với những ai muốn kinh doanh ở Trung Quốc, Bắc Kinh đều có quyền quyết định về những gì họ có thể làm và những gì họ có thể nói. Tuy nhiên, trong một bức thư được gửi cho Cục Không gian mạng Trung Quốc (CAC) mà hãng tin Reuters được xem, một nhóm đại diện các doanh nghiệp châu Âu đã cảnh báo luật này có thể dẫn đến “nhiều bất ổn và rủi ro lớn trong thực thi”.

Phòng Thương mại Liên hiệp châu Âu tại Trung Quốc nói với CAC rằng, điều luật này “đầy những khiếm khuyết” và kêu gọi trì hoãn ngày ban hành luật để “cho phép (dự luật) được bàn bạc một cách đầy đủ”. Tuy nhiên, Cục Không gian mạng cho hay luật này vẫn có hiệu lực từ ngày 1/6 như đã định. “Mục đích của luật này là bảo vệ chủ quyền mạng quốc gia và an ninh quốc gia (của Trung Quốc)... hơn là hạn chế các cơ quan nước ngoài”, Cục này nói trong một thông cáo trên trang chủ. Luật không hạn chế các công ty nước ngoài hay các công nghệ và sản phẩm của họ vào thị trường Trung Quốc, và cũng không hạn chế dòng lưu thông tự do, có trật tự của dữ liệu theo đúng pháp luật”. 

Kiểm soát chặt

Trung Quốc ban hành điều luật mới cùng thời điểm đưa ra các quy định quản lý nội dung tin tức mạng chặt chẽ hơn. Các công ty phát hành, chia sẻ hay biên tập tin tức sẽ cần có giấy phép của chính phủ để hoạt động và các nhân viên cấp cao phải được chính phủ phê duyệt. Các tổ chức không có giấy phép sẽ không được đưa tin hay bình luận về chính phủ, nền kinh tế, quân đội, ngoại giao và “các lĩnh vực công ích khác”.

Khi các biện pháp này được công bố, CAC nói họ sẽ “tăng cường việc phát triển tin tức trên mạng một cách lành mạnh và có trật tự”. Trong khi đó, New York Times cho rằng, luật mới này khiến các công ty quốc tế, những tập đoàn đa quốc gia hiện đang hoạt động tại Trung Quốc “phải đoán xem” thế nào là thông tin dữ liệu thuộc diện bị quản lý. 

Luật Hình sự Trung Quốc quy định những hành vi chiếm giữ, buôn bán hoặc cung cấp phi pháp 500 dữ liệu liên quan đến thông tin về tín dụng hoặc tài sản cá nhân sẽ có thể bị xử phạt lên đến 7 năm tù giam. Ngoài ra, những đối tượng bị kết tội buôn bán hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho những người khác sẽ có thể bị phạt tù tối đa là 3 năm nếu hành vi phạm tội có những tình tiết nghiêm trọng; trong trường hợp tình tiết phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tù lên đến 7 năm.

Để áp dụng pháp luật trong công tác xử lý các vụ án hình sự liên quan đến hành vi xâm phạm thông tin cá nhân, Toà án nhân dân Tối cao (SPC) và Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Trung Quốc (SPP) cũng hướng dẫn, những hành vi cung cấp thông tin cá nhân của công dân cho một người nhất định cũng như thông qua mạng Internet hoặc những thủ đoạn khác để phát tán thông tin cá nhân của công dân đều bị coi là hành vi phạm tội “cung cấp thông tin cá nhân của công dân” theo quy định của Luật Hình sự.

Có tới 10 loại “tình tiết nghiêm trọng”, trong đó có chiếm giữ, buôn bán hoặc cung cấp phi pháp trên 50 dữ liệu thông tin cá nhân về vị trí, nội dung thư tín, tín dụng hoặc tài sản của cá nhân; chiếm giữ, buôn bán hoặc cung cấp phi pháp trên 500 dữ liệu thông tin cá nhân về nơi ở, hồ sơ y tế, hoạt động giao dịch hoặc những thông tin khác có thể ảnh hưởng tới an toàn sức khoẻ và tài sản của công dân; chiếm giữ, buôn bán hoặc cung cấp phi pháp trên 5.000 dữ liệu thông tin cá nhân khác ngoài 2 chủng loại dữ liệu thông tin vừa nêu...

Hành vi phạm tội được coi là có “tình tiết đặc biệt nghiêm trọng” khi số lượng dữ liệu về 3 chủng loại thông tin cá nhân nói trên lần lượt lên đến hơn 500, 5.000 và 50.000 hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng như khiến người bị hại tử vong, bị thương nặng, tổn hại tinh thần hoặc bị bắt cóc, gây ra những tổn thất kinh tế hoặc ảnh hưởng xã hội nghiêm trọng...

Thái độ quyết liệt đối với các hành vi xâm phạm thông tin cá nhân diễn ra trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến bức xúc trong dư luận Trung Quốc phản ánh về sự bùng phát nạn gian lận trực tuyến và gian lận qua điện thoại, dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và gây mất ổn định xã hội.