Trung Quốc khẩn cấp đối phó với ô nhiễm không khí mức báo động đỏ

(PLO) - Chính quyền thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm đối phó với hiện tượng khói mù dày đặc sau khi lần đầu tiên đưa ra cảnh báo đỏ về ô nhiễm môi trường hồi cuối tuần qua ở thành phố này.
Có tới 4.000 người Trung Quốc chết mỗi ngày vì ô nhiễm không khí
Có tới 4.000 người Trung Quốc chết mỗi ngày vì ô nhiễm không khí

Theo Trung tâm Giám sát Môi trường Bắc Kinh, không khí nơi đây đã bị ô nhiễm nặng nề. Tại thời điểm 10h sáng 18/12, chỉ số PM2,5 (đo hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) tại Bắc Kinh đã lên tới 195 microgram/m3, cao gấp gần 6 lần mức độ cho phép. 

Khẩn cấp đối phó

Để đối phó với tình trạng này, chính quyền Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp phân chia thời gian lưu thông của các phương tiện, theo đó xe biển số chẵn đi ngày chẵn, xe biển số lẻ đi ngày lẻ. 1.600 trạm kiểm soát đã được thiết lập để giám sát việc thi hành quy định mới này.

Bên cạnh đó, chính quyền Bắc Kinh cũng cử 14 đội thanh tra tới kiểm tra các nhà máy, công ty để đảm bảo các cơ sở này hạn chế gây ô nhiễm sau khi cảnh báo đỏ được ban hành. Hơn 1.200 công ty tại Bắc Kinh đã được yêu cầu tạm dừng hoặc hạn chế hoạt động sản xuất. Điều này đã giúp giảm 30% lượng chất gây ô nhiễm không khí hàng ngày tại thủ đô Bắc Kinh. Ngoài ra, các công trình xây dựng sẽ phải tạm dừng thi công trong khi các trường học được yêu cầu đóng cửa. Mức cảnh báo đỏ vừa được đưa ra dự kiến sẽ được xóa bỏ vào ngày 21/12 tới khi chất lượng không khí ở thành phố này được cải thiện.

Trung tâm Giám sát Môi trường Quốc gia Trung Quốc cho biết trong khoảng thời gian này, người dân tại Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc sẽ phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm này cũng sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam.

Được biết, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã ra lệnh cho 1.200 nhà máy phải ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản lượng sau khi cảnh báo đỏ - mức cảnh báo cao nhất về ô nhiễm môi trường- được ban hành tại đây. Theo đó, trong một tuyên bố, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu 500 công ty, nhà máy phải giảm sản lượng, trong đó có nhà máy lọc dầu Yanshan thuộc tập đoàn dầu khí nhà nước Sinopec, một nhà máy sản xuất thép của tập đoàn Shougang và nhà máy chế biến thực phẩm Cofco chuyên sản xuất mì ăn liền và bánh ngọt. Ngoài ra, 700 cơ sở sản xuất khác phải ngừng hoạt động. 

Khói bốc lên từ ống khói của một nhà máy thép ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc
Khói bốc lên từ ống khói của một nhà máy thép ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

Cảnh báo đỏ

Ngày 15/12, chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã lần đầu tiên ban hành cảnh báo đỏ, bắt đầu từ tối 16/12 và có hiệu lực đến ngày 21/12 sau khi dự báo về một đợt khói mù dày đặc mới sẽ bao phủ thành phố. Trong thời gian này, các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường cao sẽ không được lưu thông trong khi một số phương tiện khác sẽ bị hạn chế. Các khu vực xây dựng sẽ dừng thi công, các nhà máy dừng hoạt động và các trường học được yêu cầu đóng cửa.

Cảnh báo đỏ được ban hành khi chỉ số chất lượng không khí (AQI), một thước đo các chất gây ô nhiễm trong không khí, được dự báo vượt mức 200 trong hơn 4 ngày liên tiếp, vượt mức 300 cho hơn 2 ngày liên tiếp và lên đến mức 500 cho ít nhất 24 giờ. 10 thành phố ở tỉnh Hà Bắc nằm gần thủ đô Bắc Kinh và là khu vực sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc đã ban hành cảnh báo đỏ; các nhà máy sản xuất thép bị buộc phải cắt giảm sản lượng.

Theo bản kế hoạch đối phó khẩn cấp về tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng được công bố hồi tháng 11, cảnh báo đỏ được đưa ra nếu 4 ngày liên tiếp không khí ô nhiễm nặng. Thậm chí, nếu AQI lên đến mức 500 thì cảnh báo đỏ ngay lập tức có hiệu lực. Hệ thống cảnh báo thời tiết của Trung Quốc có thang màu gồm 4 bậc, mức nghiêm trọng nhất là màu đỏ, tiếp theo là cam, vàng và xanh lơ. Dù chính phủ nỗ lực chống ô nhiễm, tình trạng khói mù xảy ra ngày càng thường xuyên vào mùa đông ở miền Bắc, nơi thời tiết lạnh khiến người dân đốt than đá để sưởi ấm đã làm tình hình thêm nghiêm trọng. 

Sau khi trải qua một loạt đợt ô nhiễm khói mù gần đây, chính quyền Trung Quốc đã ngày càng nhạy cảm với các nguy hiểm đối với sức khỏe người dân. Đáp lại những lo ngại của dân chúng, chính phủ dự định cắt giảm ít nhất 10% nồng độ PM cho phép tại các thành phố lớn vào năm 2017. Kế hoạch 5 năm về cải thiện môi trường, được Quốc vụ viện Trung Quốc đưa ra ngày 5/12 vừa qua, đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ than đá, nguồn gây ô nhiễm chính ở nước này. Theo kế hoạch, mức tiêu thụ than đá tại các địa phương như Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, Sơn Đông, các vùng châu thổ sông Chu và sông Dương Tử, và 10 thành phố có chất lượng không khí tồi tệ nhất sẽ phải giảm để giúp không khí trong lành hơn. 

Hồi tháng 11, Đại diện đặc biệt của Trung Quốc về biến đổi khí hậu Giải Chấn Hoa cho biết, Trung Quốc coi trọng ứng phó với biến đổi khí hậu, tích cực áp dụng chính sách và hành động mạnh mẽ, kiểm soát hiệu quả phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, cơ cấu năng lượng tiếp tục điều chỉnh, năm 2015, tỷ trọng tiêu thụ năng lượng phi hóa thạch trong các loại năng lượng sơ cấp đạt 12% - vượt mức mục tiêu 11,4% đề ra trong “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12”. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc nỗ lực mở rộng ngành sắt thép nên ồ ạt xây dựng các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá. Nhờ đó, năng lực sản xuất điện của Trung Quốc từ năm 2005 đến năm 2011 đã tăng gấp đôi, trong đó 80% là sử dụng than. Chỉ trong năm 2000, Trung Quốc đã tiêu thụ 1,5 tỷ tấn than, chiếm 28% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Đến năm 2011, lượng than tiêu thụ đã tăng 153%, lên 3,8 tỷ tấn, tức 47% lượng than tiêu thụ của thế giới và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Mặc dù từ những năm 2000, tần suất sử dụng than đá của Trung Quốc đang dần chững lại, nhưng nước này vẫn phải tiếp tục đốt hàng tấn than để duy trì và theo kịp nhu cầu năng lượng khổng lồ của mình. Ước tính, Trung Quốc có tới 4.000 người chết mỗi ngày vì ô nhiễm không khí, một con số khiến cho nhiều người phải sốc...