Trung Quốc: Kiểm soát chặt thông tin trên Internet

(PLO) - Trung Quốc vừa ban hành các quy định mới về kiểm duyệt thông tin trên Internet, qua đó gia tăng sự kiểm soát của Đảng đối với các nhà cung cấp tin tức trực tuyến. 
Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát chặt mạng Internet
Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát chặt mạng Internet

Đây là quyết định mới nhất của chính quyền trung ương nước này nhằm siết chặt hơn nữa việc kiểm duyệt thông tin. 

Kiểm soát chặt

Trung Quốc hiện sử dụng hàng loạt công cụ để kiểm duyệt những nội dung có tính nhạy cảm về mặt chính trị, viện dẫn lý do các biện pháp này là cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia. Một số trang web và mạng xã hội như Facebook hay Twitter đã bị khóa do nội dung bị giới chức Trung Quốc cho là không phù hợp hoặc nhạy cảm. Người dùng không thể truy cập các trang mạng này nếu không sử dụng những phần mềm đặc biệt để “lách” khỏi sự kiểm soát ngặt nghèo của chính quyền trung ương. 

Các quy định mới được Cơ quan An ninh mạng Trung Quốc (CAC) ban hành đầu tháng này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/6 tới, cho phép giới chức kiểm soát các nhà cung cấp thông tin và đăng tải nội dung lên mạng. Mọi trang điện tử, ứng dụng, diễn đàn, trang cá nhân, các tài khoản mạng xã hội, các ứng dụng tin nhắn hay truyền phát trực tiếp… cho phép chọn lọc hoặc biên tập tin tức trên Internet chỉ có thể đăng tải các nội dung thông tin hay bình luận về chính phủ, các vấn đề kinh tế, quân sự, quan hệ đối ngoại và các vấn đề xã hội sau khi được cấp phép. 

CAC cho biết, các nhà cung cấp tin tức trực tuyến có trách nhiệm “định hướng dư luận một cách đúng đắn” và “phục vụ mục đích của chủ nghĩa xã hội”, đồng thời phải “bảo vệ các lợi ích của dân tộc và xã hội”. CAC cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp và tổ chức báo chí phải được phân biệt cụ thể, các đối tượng không phải của nhà nước sẽ không được phép đưa tin chưa qua kiểm duyệt.

Theo thông báo từ CAC, các cá nhân thuộc các tổ chức truyền thông trực tuyến phải học qua khóa đào tạo và phải nhận được chứng chỉ của chính phủ để được làm việc tại các cơ sở này, trong khi các biên tập viên cấp cao phải có giấy phép hành nghề. Không chỉ vậy, không có tổ chức truyền thông nào tại Trung Quốc được hợp tác với các đối tác nước ngoài nếu chưa trải qua bước “đánh giá an ninh” của Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc.

Các nhà cung cấp tin tức trực tuyến không tuân thủ quy định mới sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động và phải đóng khoản tiền phạt lên tới 30.000 Nhân dân tệ (tương đương 4.352 USD).  Các quy tắc mới được đưa ra sau khi Trung Quốc thông qua luật an ninh mạng gây nhiều tranh cãi hồi tháng 11 năm ngoái, điều luật siết chặt tự do ngôn luận trên Internet. 

Phải tuân thủ luật

Trước đó, CAC cũng thông báo, hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ tin tức trực tuyến Trung Quốc và các thực thể có đầu tư của nước ngoài cần trải qua quá trình xem xét kỹ lưỡng vấn đề an ninh. 

Theo quy định mới của CAC, các nhà cung cấp dịch vụ tin tức trực tuyến phải tuân thủ luật pháp, thúc đẩy môi trường văn hóa lành mạnh trên mạng, bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng. Ngoài ra, các nhà cung cấp phải đưa ra các giao thức bảo mật thông tin, cùng các biện pháp như đánh giá, kiểm tra và phản ứng khẩn cấp liên quan đến dịch vụ tin tức trực tuyến. 

Quy định đặc biệt lưu ý nghĩa vụ của nhà cung cấp dịch vụ nền tảng tin tức trực tuyến và chỉ được phép cung cấp dịch vụ cho người sử dụng khi họ đã đăng ký đầy đủ thông tin “thực”, đồng thời nhấn mạnh nếu các nhà cung cấp không chấp hành quy định sẽ bị trừng phạt. Ngoài quy định trên, CAC cũng ban hành một quy định về các thủ tục liên quan đến luật hành chính nhằm chuẩn hóa và bảo vệ các nghĩa vụ của các bộ phận quản lý tin tức trực tuyến trong thực hiện các chế tài xử phạt hành chính và bảo vệ quyền hợp pháp của công dân, các doanh nghiệp tổ chức có tư cách pháp nhân và các tổ chức khác. 

Trong năm 2016, Trung Quốc đã bắt hơn 4.200 nghi phạm tham gia 1.800 vụ án liên quan tới hoạt động đánh cắp thông tin cá nhân. Thông báo ngày 28/4 của Công an Trung Quốc cho biết, các lực lượng an ninh nước này cũng đang cố truy tìm hơn 30 tỷ mảng thông tin cá nhân bị đánh cắp hồi năm ngoái, trong khi gần 100 nghi phạm là đánh cắp thông tin từ các hệ thống máy tính.

Việc rò rỉ thông tin cá nhân là trái với Luật Dân sự của Trung Quốc, trong đó Điều 111 của luật quy định rằng thông tin cá nhân của các công dân phải được pháp luật bảo vệ. Theo một chuyên gia thuộc Hiệp hội Luật Trung Quốc, rò rỉ thông tin cá nhân đang trở thành một vấn nạn ở nước này và do vậy cần tới các hoạt động trấn áp tội phạm đánh cắp thông tin cá nhân.