Trung Quốc: Kiểm toán đối phó nguy cơ 'chảy máu' vốn

(PLO) - Hãng thông tấn Trung Quốc vừa đưa tin, các cơ quan chức năng của nước này sẽ nâng cấp, tăng cường sức mạnh cho hệ thống kiểm toán hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở nước ngoài nhằm đối phó với nguy cơ “chảy máu” vốn. 
Một nhà máy sản xuất của China CNR tại Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc
Một nhà máy sản xuất của China CNR tại Trường Xuân, thủ phủ tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc

Hệ thống kiểm toán mới tập trung vào công tác hoạch định chính sách của các DNNN liên quan đến hoạt động đầu tư ở nước ngoài và thành lập các liên doanh, công tác quản lý tài chính và kiểm soát nội bộ, cũng như các vấn đề về an toàn nguồn vốn, lợi nhuận hoạt động và giám sát rủi ro đối với tài sản nhà nước ở nước ngoài. 

Các biện pháp kiểm toán chính bao gồm kiểm tra, kiểm toán và phân tích ở trong nước đối với các văn bản, và thẩm tra đối với các bên liên quan. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan quản lý sẽ ra nước ngoài để tiến hành xác minh thực tế và thu thập bằng chứng theo thông lệ quốc tế và pháp luật của các quốc gia nơi DNNN thực hiện hoạt động đầu tư. 

Giá đắt

Đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài đã và đang tăng trưởng nhanh chóng trong những năm qua và đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc với các nước trên thế giới cũng như thúc đẩy công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, những tính toán không hợp lý, hoạt động chuyển tài sản phi pháp và giao dịch giả mạo đang tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối và tài chính của Trung Quốc, gây ra những thiệt hại to lớn đối với tài sản nhà nước và lợi ích quốc gia. 

Một báo cáo gần đây của Cục Quản lý Ngoại hối Quốc gia Trung Quốc (SAFE) đã vạch trần thủ đoạn chuyển tài sản phi pháp ra nước ngoài của một số công ty núp dưới chiêu bài hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó còn có một số công ty mới được thành lập, nhưng không có bất cứ hoạt động sản xuất nào, vẫn triển khai những dự án đầu tư rất lớn ở nước ngoài. Trong khi đó lại có một số công ty đang ở trong tình trạng “nợ ngập đầu” nhưng vẫn vay thêm tiền để thực hiện hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) ở nước ngoài. 

Nhằm hỗ trợ cho chiến lược “đi ra bên ngoài” của Chính phủ Trung Quốc, các DNNN của nước này, đặc biệt là những doanh nghiệp trực thuộc quản lý của trung ương, đã mở rộng hoạt động đầu tư tới hơn 150 quốc gia và khu vực trên thế giới với tổng giá trị tài sản ở nước ngoài lên tới trên 5.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 725 tỷ USD), qua đó góp phần xây dựng uy tín quốc gia thông qua những dự án đầu tư quan trọng trong các lĩnh vực đường sắt cao tốc, điện hạt nhân, mạng lưới truyền tải điện cao áp… 

Siết chặt

Tuy nhiên, nếu so sánh với các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới, các DNNN Trung Quốc vẫn thiếu kinh nghiệm trong các hoạt động ở nước ngoài và năng lực kiểm soát rủi ro. Với ngày càng nhiều công ty “đi ra bên ngoài”, hoạt động đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc ngày càng vấp phải những vấn đề phức tạp trong các lĩnh vực văn hoá, nguồn nhân lực và quản lý doanh nghiệp. Một số công ty đã phải trả giá rất đắt cho những vấn đề này.

Rủi ro luôn tồn tại ở mọi lĩnh vực đầu tư. Do tốc độ tăng trưởng quá nóng của nguồn tài sản nhà nước ở nước ngoài, các quy định về quản lý khối tài sản này đã và đang trở thành thách thức mới đối với các cơ quan quản lý của Trung Quốc. 

Theo ông Tiêu Á Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước (SASAC) thuộc Quốc vụ viện (Chính phủ) Trung Quốc, bước đầu tiên là phải đưa ra các biện pháp điều chỉnh hoạt động đầu tư ở nước ngoài, bước thứ hai là quy định chặt chẽ về các hoạt động của doanh nghiệp và bước thứ ba là phải xây dựng một hệ thống truy cứu trách nhiệm. 

Để ngăn chặn xu hướng “mất lý trí” trong các hoạt động đầu tư ở nước ngoài, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã đặt ra những quy định chặt chẽ hơn và khuyến cáo các doanh nghiệp nước này cần thận trọng hơn trong quá trình đưa ra các quyết định đầu tư. Kể từ đầu năm 2017, SASAC đã giới thiệu các danh sách cấm và xác định rõ “giới hạn đỏ” đối với hoạt động đầu tư cả ở trong nước và nước ngoài đối với các DNNN. Theo ông Lý Cẩm - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Trung Quốc, một hệ thống kiểm toán toàn diện hơn và nghiêm khắc hơn sẽ giúp chuẩn hoá các hoạt động đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc và đóng góp hiệu quả vào các nỗ lực duy trì và nâng cao giá trị của tài sản nhà nước. 

Tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong quý I/2017 là 20,9 tỷ USD, giảm tới 64% so với cùng kỳ năm 2016. Theo khẳng định của giới chuyên môn, đây là kết quả của sự chỉ đạo sâu sát của các cơ quan quản lý của Trung Quốc và xu hướng nâng cao nhận thức trong của các doanh nghiệp nước này. Năm 2016, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng trưởng tới 40% so với năm 2015, thành quả của một nền kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên toàn cầu hoá, nhưng cũng là hậu quả của một số quyết định đầu tư “thiếu lý trí” và những hành vi phi pháp... 

Đọc thêm