Trung Quốc: Ô nhiễm không khí khiến mức độ hạnh phúc của người dân suy giảm

(PLVN) - Các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo, mức độ ô nhiễm không khí tăng nhanh, mỗi năm sẽ có thêm 20.000 người chết và khiến người dân Trung Quốc ít hạnh phúc hơn.
Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc
Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc

Không khí bẩn ảnh hưởng đến hành vi 

Theo tờ South China Morning Post, 3 nghiên cứu riêng biệt mới đây đã chỉ ra rằng,Trung Quốc đã thất bại trong viêc hạn chế khí thải thải metan. Thậm chí, quốc gia này không ngừng thải các loại khí gây biến đổi khí hậu vào khí quyển mặc dù có những quy định mới hà khắc.

Theo nghiên cứu thứ nhất đến từ các nhà nghiên cứu từ Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh dự đoán tình trạng biến đổi khí hậu sẽ làm mức độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc ngày càng trầm trọng. Vấn nạn này sẽ ảnh hưởng đến hơn 85% dân số hiện tại vào năm 2050. Cụ thể, mỗi năm hơn 1 triệu người chết sớm ở Trung Quốc vì ô nhiễm không khí, nhưng con số này có thể tăng lên nhiều hơn nữa khi biến đổi khí hậu làm gia tăng các đợt nắng nóng và vùng không khí ứ đọng, ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí.

Nghiên cứu đã được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia và đưa ra cảnh báo: Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã làm việc cải thiện chất lượng không khí, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, báo cáo của chúng tôi đã đưa những bất cập với mục đích nhấn mạnh sự cần thiết trong việc giải quyết các thách thức nhằm làm giảm ô nhiễm, tăng cường chất lượng không khí. 

Nghiên cứu thứ 2 của nhóm nhiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts ở Mỹ dẫn đầu bởi Siqi Zheng, Giám đốc của Phòng thí nghiệm Thành phố Tương lai Trung Quốc, đã phát hiện ô nhiễm không khí ở các thành phố Trung Quốc đang làm giảm mức độ hạnh phúc của người dân.

Chất lượng cuộc sống của người dân thành thị bị ảnh hưởng không chỉ bởi các dịch vụ công cộng không đầy đủ, giá tăng tăng vọt, mà còn có những mối nguy hại về an toàn thực phẩm, ô nhiễm không khí do nền công nghiệp hóa, than đốt, khí thải ô tô… Nghiên cứu tìm thấy mối tương quan tỷ lệ nghịch đáng kể giữa mức độ ô nhiễm và mức độ hạnh phúc. Cụ thể, phụ nữ nhạy cảm với mức độ ô nhiễm cao hơn nam giới và những người có thu nhập cao hơn cũng nhạy cảm hơn.

Được công bố trên tạp chí Nature Human Behavior, nghiên cứu trước đó của Viện Công nghệ Massachusetts cũng thông tin, ô nhiễm không khí đang gây hại cho sức khỏe, hiệu suất của não, năng suất lao động và kết quả giáo dục. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí cũng có tác động rộng lớn hơn đối với cuộc sống và hành vi xã hội của con người.

Vào những ngày không khí ô nhiễm nặng, những hành vi bốc đồng và mạo hiểm của con người gia tăng và sau đó là cảm giác hối hận. Đây được xem là kết quả của trầm cảm và lo lắng ngắn hạn. “Ô nhiễm cũng gây ảnh hưởng đến cảm xúc. Khi người dân cảm thấy không hài lòng, họ có thể đưa ra quyết định phi lý”, bà Siqi Zheng nói với South China Morning Post.

Chính phủ nói được không làm được

Hiện nay, Trung Quốc vẫn là nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Đồng thời, quốc gia này cũng là nơi thải khí nhà kính do con người gây ra và khí metan gây biến đổi khí hậu cao nhất thế giới. Do vậy, tình trạng ô nhiễm không khí ở nước này ngày càng tồi tệ hơn. Và đây cũng là minh chứng rõ ràng nhất về việc giảm khí thải metan, rằng Chính phủ Trung Quốc chỉ nói được chứ không làm được. 

Nghiên cứu thứ 3 là của Đại học Johns Hopkins ở Mỹ, thực hiện bằng cách sử dụng dữ liệu từ vệ tinh quan sát khí nhà kính, do Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản phóng lên vào năm 2009. Đây là lần đầu tiên các dữ liệu vệ tinh chính xác được sử dụng để tập trung vào xu hướng thải khí metan của Trung Quốc. 

Theo đó, lượng khí thải của Trung Quốc chiếm 11 đến 24% tổng lượng khí nhà kính trên toàn thế giới từ 2010-2015 mặc dù nước này đã đưa ra chính sách hạn chế vào năm 2010. “Báo chí đã ca ngợi Trung Quốc rất nhiều trong vài năm qua vì những nỗ lực ban hành các quy định về khí nhà kính và nỗ lực trở thành quốc gia tiên phong trong việc chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các con số cho thấy quy định về khí metan của Trung Quốc không thể thay đổi lượng khí thải của họ”, ông Miller-Trợ lý giáo sư ngành sức khỏe môi trường và kỹ thuật tại trường Đại học Mỹ cho biết. 

Thêm vào đó, lượng khí thải metan từ các mỏ than Trung Quốc tăng khoảng 1,1 triệu tấn mỗi năm từ năm 2010 đến 2015. Điều này dẫn đến mức khí thải cao hơn 50% vào cuối giai đoạn này và tương đương với tổng lượng khí thải từ các quốc gia như Nga hoặc Brazil. Các nhà nghiên cứu cho biết, sự gia tăng khí thải này rất có thể là do hoạt động sản xuất than tăng. Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng Trung Quốc khó có thể đạt được các mục tiêu giảm khí thải đầy tham vọng của mình nếu quốc gia này tiếp tục cho phép “các doanh nghiệp thải khí hàng ngày hoạt động”.