Trung Quốc - Thực thi án tử hình nhiều nhất trên thế giới năm 2016

(PLO) -Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết, hàng năm Trung Quốc thực hiện các án tử hình còn nhiều hơn các nước trên thế giới cộng lại. Tuy nhiên phần lớn, những thông tin về tội phạm bị tử hình đều nằm trong “bí mật nhà nước” và chỉ gia đình tử tội mới biết. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo CNN dẫn thông tin từ tất cả các số liệu về án tử hình, cũng như hầu hết các thông tin về án tử hình, cho tới nay án tử hình vẫn được coi là “bí mật nhà nước”, để các nhà lãnh đạo Trung Quốc che dấu đi hệ thống hình phạt khủng khiếp của đất nước này. 

Có số lượng tội phạm bị tử hình cao nhất 

Theo thống kê mới đây của Tổ chức Ân xá Quốc tế về án tử hình trên thế giới năm 2016, số lượng tội phạm bị tử hình trên toàn thế giới năm 2016 giảm 37%. Nhờ Iran đã treo cổ ít người hơn, nên năm ngoái toàn thế giới (không tính Trung Quốc) có ít nhất 1.032 vụ tử hình, ít hơn 602 vụ so với năm 2015. Trong đó, 856 vụ diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi, giảm 28% so với năm 2015. Riêng Iran đã tử hình ít nhất 567 người, còn Saudi Arabia tiến hành ít nhất 154 vụ xử tử trong năm ngoái.

Mỹ cũng là nước có số vụ tử hình giảm đi trong năm 2016, thậm chí đạt được mức thấp kỷ lục trong lịch sử án tử của nước này với 20 người bị tử hình bằng cách tiêm thuốc độc. Nhưng ngược lại, Ai Cập lại là nước có số vụ tử hình tăng gấp đôi từ con số 22 của năm 2015 lên 44 năm 2016, đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng về án tử của thế giới. 

Ngoài ra, trong thống kê của Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng cho thấy, Trung Quốc đã thực thi một hệ thống bí mật nhất trên thế giới để che giấu quy mô thực hành án tử hình, bất chấp những tuyên bố mà nước này lặp đi lặp lại về việc cải cách, tiến tới minh bạch trong luật pháp. Có thể nói, không phải chỉ Trung Quốc, nhiều nước trên thế giới vẫn thực thi án tử hình, nhưng riêng một mình Trung Quốc có số lượng tội phạm bị tử hình cao nhất thế giới, bằng nhiều nước trên thế giới cộng lại. 

Salil Shetty, Tổng Thư ký của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng, “Trung Quốc tham vọng trở thành thủ lĩnh, cường quốc lớn mạnh nhất trên thế giới, nhưng nước này lại dẫn đầu thế giới về án tử hình một cách tồi tệ nhất- năm nào cũng tử hình nhiều người hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới . Chính phủ Trung Quốc biết và đã thừa nhận mình là quốc gia chậm trễ trong việc minh bạch và cởi mở. Nhưng cuối cùng họ vẫn cố gắng che giấu về quy mô thực tế của nạn hành quyết. Đã đến lúc Trung Quốc phải dỡ bỏ bức màn bí mật và chứng tỏ minh bạch về hệ thống tử hình của mình”. 

Án oan vẫn có thể tiếp diễn

Hệ thống tư pháp hình sự của Trung Quốc vẫn còn những khuyết điểm. Với tỷ lệ kết án lên tới 99% và phần lớn các vụ hình sự thường không để cho luật sư vào phòng xử án, tỷ lệ bị cáo nhận được một phiên sử công bằng cũng rất thấp. Không những thế, công lý thường bị lung lay, thi hành án tử hình oan sai nhiều bởi hệ thống tư pháp không độc lập và kết án với những bằng chứng dựa trên việc cưỡng bức hoặc tra tấn để lấy lời khai. 

Điển hình nhất trường hợp tử hình oan của thanh niên tên Nie Shubin cách đây 21 năm, lúc mới 20 tuổi. Được biết Nie bị thi hành án tử bằng hình thức xử bắn vào năm 1995, sau khi bị kết tội hãm hiếp và sát hại một phụ nữ ở tỉnh Hà Bắc. Cách đây 11 năm từng có một người đàn ông nhận tội về vụ việc đó nhưng lời thú tội này bị bác bỏ. Đến ngày 2/12/2016, Tòa án tối cao Trung Quốc cho biết các dữ kiện được dùng trong phiên xét xử Nie là “không rõ ràng và không đầy đủ chứng cớ”.

“Tòa tối cao tin rằng các sự kiện trong bản án ban đầu là không rõ ràng và không đủ bằng chứng. Tòa quyết định thay đổi bản án gốc đối với một người vô tội”, trích thông báo trên mạng xã hội của Tòa án tối cao Trung Quốc về trường hợp của Nie. Tòa án tối cao cho rằng bản án sai nói trên xuất phát từ việc nạn nhân bị cảnh sát ép cung và thiếu sót trong khâu thực nghiệm hình sự lúc điều tra.

Có thể nói, việc giải oan cho Nie mặc dù chậm chễ nhưng cũng được coi là bước tiến mới trong việc cải cách pháp lý ở đất nước này. Nhưng tại sao cho tới bây giờ, chính quyền vẫn đang cố tính che giấu các thông tin về những vụ án tử hình? Những vụ án tử hình oan giống như Nie vẫn có thể tiếp diễn. Chính phủ biết điều đó, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà họ tiếp tục coi những vụ án tử hình là “bí mật quốc gia”. 

Đã có cải cách…

Trong thập kỷ qua, quốc tế đã liên tục chỉ trích những hành động sai trái và đáng xấu hổ, Chính phủ Trung Quốc cũng đã bắt tay vào cải cách hệ thống hình phạt tử hình. Cuộc cải cách tiêu biểu nhất trong chính sách này bắt đầu từ năm 2007, tất cả các án tử hình do các tòa án cấp thấp phải được Tòa án Nhân dân Tối cao ở Bắc Kinh xem xét và phê duyệt.

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý Trung Quốc lại cho rằng, số lượng người bị tử hình giảm đi chỉ đơn giản vì các quan chức thuộc tòa án cấp thấp muốn tránh bị cấp trên phát hiện ra những sai phạm khi họ xét xử án chưa cẩn trọng và kỹ lưỡng. 

Ngoài ra, Chính phủ cũng thông qua các quy định pháp luật nhằm hạn chế số vụ bị kết án oan sai. Ví như: cho phép tòa án loại bỏ những bằng chứng thu được không đủ cơ sở hoặc bất hợp pháp, gia tăng sử dụng án “treo” tử hình (thường bị hoãn lại 2 năm mới bị tử hình)… 

Tháng trước, khi đọc báo cáo trong phiên họp toàn thể của Đại hội nhân dân toàn quốc hàng năm, người đứng đầu Tòa án Nhân dân Tối cao Zhou Qiang  tuyên bố, trong 10 năm qua, Tòa án Nhân dân hiếm khi sử dụng án tử hình, số vụ hành quyết trong nước hiện nay đã được thực hiện chỉ ở “một số lượng nhỏ các vụ án” và chỉ dành cho những tội phạm “phạm tội nghiêm trọng nhất”.

“Trong mười năm qua, sau khi Tòa án nhân dân tối cao trả lại quyền xem xét bản án tử hình, tòa án kiểm soát chặt chẽ và thận trọng theo dõi việc thi hành hình phạt tử hình, để đảm bảo rằng án tử hình ít khi được sử dụng và chỉ đối với các thủ phạm tội ác nghiêm trọng nhất”, ông Zhou Qiang nói.

Tổng chánh án của Trung Quốc cũng cho biết Tòa án đã tăng cường kiểm soát việc kết án các bị cáo và bảo đảm quyền kháng cáo. Tuy nhiên, báo cáo của Tòa án không có số liệu về số lượng án tử hình được thi hành.

…nhưng chưa nói lên điều gì

China Judgments Online, cơ sở dữ liệu chính thức được thành lập năm 2013 nhằm mục đích biên soạn chi tiết các bản án tử hình của Tòa án trên cả nước, cho thấy từ năm 2011-2016, có khoảng dưới 701 người bị nhận án tử hình. 

Tuy nhiên, con số này dường như vẫn chưa phản ánh đúng sự thật. Một cuộc điều tra của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho thấy, hàng trăm trường hợp đã được các phương tiện truyền thông, báo chí công khai nhưng lại không có trong cơ sở dữ liệu của China Judgments Online, trong đó có các trường hợp liên quan đến người nước ngoài thực hiện các hành vi vi phạm về ma túy. Thậm chí các phương tiện truyền thông báo cáo có ít nhất 11 vụ hành quyết người nước ngoài, nhiều trường hợp liên quan đến “chủ nghĩa khủng bố”.  

Cơ sở dữ liệu của Trung Quốc chỉ chứa một phần nhỏ trong số hàng ngàn án tử hình mà Tổ chức Ân xá ước tính diễn ra mỗi năm ở Trung Quốc. Nó phản ánh thực tế rằng, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì việc che giấu bí mật đối với tội phạm bị kết án tử hình và bị hành quyết. Trung Quốc phân loại hầu hết các thông tin liên quan đến tử hình vào “bí mật quốc gia” và bất cứ trường hợp nào cũng đều bị phân loại như vậy. 

Dựa trên những phân tích của riêng mình, Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính rằng, số người bị kết án tử hình hoặc bị hành quyết vẫn có tới hàng ngàn người mỗi năm. Cụ thể, Tổ chức Ân xá đã phát hiện có ít nhất 913 cá nhân bị hành quyết từ năm 2014- 2016, nhưng chỉ có 85 vụ nằm trong cơ sở dữ liệu của China Judgments Online. 

Trong vài năm trở lại đây, nguy cơ những người bị kết án oan đã khiến người dân cảm thấy bức xúc. Nếu Trung Quốc không thực sự minh bạch, không để cho những người mắc án tử hình được đảm bảo quyền lợi của họ, thì có lẽ hệ thống tử hình sẽ vẫn dậm chân tại chỗ.