Trung Quốc và chiến lược “tước Philippines khỏi tầm ảnh hưởng Mỹ“: “Mối tình nồng” sẽ kéo dài được bao lâu?

(PLO) - Chú tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 20/11 đến Philippines, mang đến những khoản đầu tư và thỏa thuận hợp tác cho đồng minh quan trọng của Mỹ, sau khi đối đầu với Washington tại hội nghị APEC. Hai bên ký kết 29 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, văn hóa hay phát triển khu công nghiệp. Ông Tập nói rằng hợp tác "gửi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới rằng hai nước là đối tác tìm kiếm sự phát triển chung".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila ngày 20/11.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Manila ngày 20/11.

“Quan hệ hữu hảo”

Sau khi nhậm chức năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gây sốc cho Washington khi công khai thể hiện lập trường nghiêng về hợp tác với Trung Quốc và rời xa đồng minh truyền thống Mỹ. Ông không gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông dù phán quyết của tòa quốc tế không có lợi cho Bắc Kinh. Duterte nói rằng đối đầu với Trung Quốc là vô ích.

Nhưng ông đang đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng ở trong nước về tham vọng của Bắc Kinh. Hàng nghìn người Philippines xuống đường biểu tình tại đại sứ quán Trung Quốc khi ông Tập đến Manila. Họ phản đối việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, cũng như các thỏa thuận trong sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập.

Trung Quốc vẫn chậm chạp trong việc thực hiện cam kết đầu tư ở nhiều quốc gia trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Các nhà phân tích nói rằng chính sách này nhằm mục đích đạt được đòn bẩy ngoại giao thông qua việc khiến các nước khác nợ nần.

Duterte đã thể hiện quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh trước công chúng. Trong cuộc chiến năm ngoái để giành lại thành phố Marawi từ các chiến binh Hồi giáo, ông ca ngợi Trung Quốc vì ủng hộ súng trong khi không đề cập đến sự hỗ trợ của máy bay trinh sát không người lái Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm Philippines của ông Tập cho thấy Đông Nam Á và Thái Bình Dương đã trở thành sàn đấu cạnh tranh ảnh hưởng toàn cầu giữa Bắc Kinh và Washington.

"Philippines có thể là viên ngọc quý của ông Tập trong chính sách đối ngoại". "Không một chủ tịch Trung Quốc nào tiến gần đến việc lôi kéo Philippines ra khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ như vậy", Richard Philippdarian, nhà phân tích an ninh tại Manila đánh giá.

Trong khi Tổng thống Duterte lại mong muốn nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Bắc Kinh cho kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của mình.

Nói nhiều, làm ít

Có điều mong muốn của Duterte dường như còn xa mới có thể thực hiện. Đại kế hoạch với hàng chục dự án xây dựng đường cao tốc, cầu cống, đập thủy điện này được Duterte vạch ra cách đây hai năm, sau khi Trung Quốc hứa hẹn sẽ cung cấp khoản tài chính hỗ trợ phát triển tới 9 tỷ USD cho Philippines. Và những gì diễn ra ở Manila trong hai ngày thăm viếng cho thấy từ lời hứa đến hành động của Bắc Kinh vẫn còn một khoảng cách rất lớn.

Tổng thống Philippines có được lời hứa này từ Trung Quốc khi tới thăm Bắc Kinh vào năm 2016, chuyến đi được cho là nhằm minh chứng cho quyết tâm xa rời đồng minh truyền thống Mỹ của Philippines. Đến tháng 4 năm ngoái, Duterte tuyên bố: "Tôi mến Tập Cận Bình. Ông ấy thấu hiểu các vấn đề của tôi và sẵn lòng giúp đỡ".

Tuy nhiên, bình luận viên Julie McCarthy cho rằng những gì mà Duterte thu được từ chiến dịch "tấn công quyến rũ" của ông Tập mới đây là chưa rõ ràng và có thể khiến lãnh đạo Philippines cảm thấy thất vọng cho thành quả của chiến lược "xoay trục sang Trung Quốc" của mình.

Tổng giá trị của 29 thỏa thuận mà hai nước ký kết dịp này thấp hơn rất nhiều so với cam kết hỗ trợ 9 tỷ USD của Trung Quốc. Phần lớn các văn bản được ký đều là bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận sơ bộ, chỉ có một thỏa thuận cho vay 224 triệu USD để xây dựng một con đập và 280.000 USD để thực hiện hợp đồng tư vấn cho một dự án đường sắt.

Công nhân thi công một dự án đường sắt trên cao do Trung Quốc đầu tư ở thủ đô Manila của Philippines
 Công nhân thi công một dự án đường sắt trên cao do Trung Quốc đầu tư ở thủ đô Manila của Philippines

Số liệu từ Cơ quan Phát triển Kinh tế Quốc gia Philippines (NEDA) cho thấy có sự khác biệt rất lớn giữa số tiền Trung Quốc cam kết đầu tư cho các dự án xây đường, cầu, đường sắt cho nước này và số tiền đã giải ngân thực tế.

Đến nay mới chỉ có ba dự án lớn được động thổ gồm hai cây cầu ở Manila và một hệ thống tưới tiêu với tổng giá trị 124 triệu USD. Ít nhất 17 dự án khác đang ở giai đoạn quy hoạch và chờ Bắc Kinh phê duyệt rót vốn hoặc đề cử nhà thầu Trung Quốc.

Ernesto Pernia, tổng giám đốc NEDA, nói rằng tiến độ nhận vốn vay từ Trung Quốc chậm chạp hơn nhiều so với việc tiếp nhận hỗ trợ từ các nước khác như Nhật Bản, quốc gia đến nay là nguồn cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Philippines.

Các quan chức Philippines cho biết một số dự án trong sáng kiến "Xây, Xây, Xây" của Tổng thống Duterte là rất phức tạp và bị kéo dài do nạn quan liêu. Bộ trưởng Quản lý và Ngân sách Philippines Benjamin Diokno đã bày tỏ hy vọng rằng ông Tập sẽ gây sức ép đối với hệ thống quan liêu Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án do họ rót vốn tại Philippines.

Nhưng chuyên gia Heydarian tin rằng sự chậm trễ này không chỉ do nạn quan liêu, tiến độ rót vốn nhỏ giọt cho thấy các lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng họ không có gì phải vội vàng ở Philippines. Chuyên gia này cho rằng có nhiều người Philippines tỏ ra nghi ngờ về việc Trung Quốc sẽ thực hiện những lời hứa của mình, cho rằng Bắc Kinh chỉ đang "treo lơ lửng món mồi để dụ Manila có những nhượng bộ địa chính trị trước Bắc Kinh".

Sự nghi ngờ về tính bền vững

Nhượng bộ lớn nhất của Philippines đến nay là thái độ im lặng trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Người tiền nhiệm của Duterte đã kiện "đường 9 đoạn" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông lên Tòa Trọng tài Thường trực, giúp Manila có được phán quyết có lợi cho mình khi yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh bị tòa quốc tế bác bỏ.

Thế nhưng chính quyền Duterte sau đó đã hoàn toàn phớt lờ phán quyết này, sau khi Bắc Kinh tuyên bố bác bỏ nó và tiếp tục các hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa trái phép các thực thể ở Biển Đông bất chấp phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Người phát ngôn của chính phủ Philippines mới đây còn tuyên bố rằng phán quyết này "vô dụng" cho tới nay.

Antonio Carpio, quyền chánh án Tòa án Tối cao Philippines, phản đối cách tiếp cận này của chính quyền Duterte và nói rằng "nếu Trung Quốc có thể tuyên bố chủ quyền với toàn bộ Biển Đông, Nga cũng có thể làm vậy với Bắc Cực hay Ấn Độ với Ấn Độ Dương và sẽ không còn ai thượng tôn pháp luật nữa".

Bên lề hội nghị Cấp cao Đông Á diễn ra mới đây ở Philippines, Duterte lại đổ lỗi cho các cường quốc phương Tây, trong đó có Mỹ và Australia, vì đã điều tàu chiến đến Biển Đông và làm gia tăng căng thẳng. "Trung Quốc đang ở đó. Đó là thực tế và Mỹ cũng như bất cứ ai khác nên nhận ra sự hiện diện của họ", Tổng thống Philippines nói.

"Đây là một thắng lợi lớn với Bắc Kinh", Heydarian nói, tuy nhiên ông bày tỏ sự nghi ngờ về tính bền vững của "mối tình nồng Trung Quốc – Philippines" này. Các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng giới quân đội Philippines không ưa gì Trung Quốc và vẫn duy trì mối quan hệ lịch sử với quân đội Mỹ, đồng thời thúc đẩy các cuộc tập trận chung với Washington.

Quân đội có vai trò và ảnh hưởng lớn trong nền chính trị Philippines nên Duterte sẽ khó có thể phớt lờ nỗi bất bình của họ. Ngoài ra, một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành trước thềm chuyến thăm của ông Tập cho thấy gần 90% người dân Philippines cho rằng nước này cần phải chống lại những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông và thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực.

Tuy nhiên, các cấp dưới của Dutere đã lặng lẽ khôi phục quan hệ Mỹ - Philippines. Hồi tháng 10, hai nước đồng ý mở rộng tập trận chung. Mỹ còn trả lại cho Philippines chuông quý từng bị quân đội Mỹ lấy khỏi nhà thờ ở thị trấn Balangiga năm 1901 làm chiến lợi phẩm trong cuộc chiến giữa hai bên.

Một cuộc khảo sát ý kiến được công bố ngày 20/11 của Pollster cho thấy 70% người Philippines đặt niềm tin vào Mỹ trong khi chỉ 27% cảm thấy như vậy về Trung Quốc. Phát ngôn viên của sứ quán Mỹ nhấn mạnh "cam kết của Washington đối với Manila đã được chứng minh là có hiệu quả và không có nguy cơ suy giảm".