Trung Quốc xây nhà chứa máy bay ở Trường Sa

(PLO) - Những hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy Trung Quốc đang gia cố các nhà chứa máy bay trên các cấu trúc mà nước này đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái của Trung Quốc được cho là đã phản bác lời từng được chính lãnh đạo nước này đưa ra.
Hình cho thấy các công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Đá Chữ Thập
Hình cho thấy các công trình Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Đá Chữ Thập

Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã ồ ạt xúc cát, cải tạo trên quy mô lớn ở các cấu trúc thuộc khu vực Trường Sa của Việt Nam, xây dựng tại đó các cơ sở hạ tầng và đường băng. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn một mực khẳng định Bắc Kinh không có ý định theo đuổi quân sự hóa ở khu vực này.

Song, theo The New York Times, những hình ảnh vệ tinh gần đây đã cho thấy Trung Quốc “nói một đằng, làm một nẻo”. Cụ thể, những bức hình do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington thu thập và xem xét kỹ lưỡng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành gia cố các nhà chứa máy bay trên Đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn. Đây là các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã chiếm đóng trái phép của Việt Nam.

Theo The New York Times, tại thời điểm mà những bức hình được chụp lại, tại các khu vực trên không có máy bay quân sự. Nhưng theo phân tích của CSIS, những nhà chứa máy bay ở cả 3 cấu trúc này đều đủ sức chứa bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào của không quân Trung Quốc. Trong đó, nhà chứa lớn ở các Đá này có thể chứa máy bay ném bom H-6 và máy bay  tiếp nhiên liệu H-6U, máy bay vận tải Y-8, máy bay kiểm soát và cảnh báo KJ200 của Trung Quốc. 

CSIS nhấn mạnh, những hình ảnh vệ tinh mới nhất bác bỏ hoàn toàn những luận điệu mà Trung Quốc có thể đưa ra, như cho rằng những công trình trên được xây dựng cho máy bay dân sự và không đảm nhiệm chức năng quân sự. Bởi, ngoài kích thước lớn – những nhà chứa nhỏ nhất cũng rộng từ 18-21m, thừa sức tiếp nhận những máy bay chiến đấu lớn nhất của Trung Quốc – Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu gia cố các công trình này. 

Ông Gregory B. Poling – Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á, thuộc CSIS – cho rằng những công trình này quá lớn cho mục đích dân sự và cho rằng những máy bay quân sự nếu được triển khai từ đây sẽ làm phức tạp thêm căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước khác, đồng thời khiến mức độ nguy hiểm của các cuộc tuần tra tự do hàng hải qua khu vực của Mỹ gia tăng.

Thực ra, trước khi các nhà chứa này xuất hiện, các nhà phân tích quân sự cũng đã khẳng định Trung Quốc có ý định sử dụng các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa nhằm phô diễn sức mạnh quân sự trong khu vực. “Chúng tôi đã biết điều này từ khi họ bắt đầu xây các đường băng” – ông Poling nói thêm.

Bằng chứng về những nhà chứa máy bay quân sự của Trung Quốc được đưa ra gần 1 tháng sau khi Tòa Trọng tài thường trực ở The Hague ra phán quyết mạnh mẽ chỉ trích hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc khẳng định chủ quyền quá mức của nước này cũng như việc xây dựng các đảo nhân tạo. Trung Quốc trước và sau đó đều khẳng định không chấp nhận phán quyết, khiến các chuyên gia lo ngại rằng nước này sẽ có thêm  những hành động khiêu khích mạnh hơn ở Biển Đông.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 9/8 đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Trình Vĩnh Hoa để phản đối việc các tàu Trung Quốc “xâm phạm lãnh hải Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông” – hành động mà ông Kishida cho là nỗ lực của Trung Quốc để đơn phương thay đổi hiện trạng trong khu vực và yêu cầu Bắc Kinh rút ngay các tàu này.

Tại cuộc gặp, ông Kishida cũng cảnh báo Trung Quốc rằng quan hệ giữa 2 nước đang xấu đi đáng kể vì các sự kiện gần đây. Đây là lần thứ hai ông Trình bị triệu tập. Trước đó, hôm 5/8 vừa qua, ông này cũng đã bị Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Minister Shinsuke Sugiyama mời  đến để phản đối.