Từ 'Hồ sơ Paradise', EU chật vật chống trốn thuế

(PLO) - Giới chức Liên minh Châu Âu (EU) cho biết các nước thành viên của tổ chức này đã thảo luận các kế hoạch lập một “danh sách đen” các “thiên đường” trốn thuế sau khi những tài liệu mới nhất tiết lộ nhiều khoản đầu tư đáng ngờ của một số cá nhân và tổ chức giàu có trên toàn cầu.
Chống trốn thuế đang là vấn đề lớn của châu Âu
Chống trốn thuế đang là vấn đề lớn của châu Âu

Theo Reuters, việc đưa vấn đề này vào thảo luận trong trong chương trình nghị sự hàng tháng của hội nghị bộ trưởng tài chính EU diễn ra sau khi có những thông tin liên quan tới “Hồ sơ Paradise” hồi cuối tuần trước đó. 

Nhiều kẽ hở

“Hồ sơ Paradise” gồm khoảng 13,4 triệu tài liệu chủ yếu đến từ Appleby, một công ty luật có văn phòng tại Bermuda và một số địa điểm khác. Số tài liệu này ban đầu được báo Đức Suddeutsche Zeitung nắm được và sau đó chia sẻ với Hiệp hội Báo chí điều tra quốc tế (ICIJ) và các đơn vị truyền thông đối tác. 

Trao đổi với báo giới, Valdis Dombrovskis - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC)- cho rằng những tiết lộ mới nhất “một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của công việc mà EC đang làm nhằm chống trốn thuế”. Nhiều tháng qua, các nước thành viên EU đã lên kế hoạch nhằm đạt được thỏa thuận về một danh sách đen các đối tượng trốn thuế vào cuối năm nay. Những phát hiện mới được công bố càng cho thấy việc thúc đẩy thảo luận về vấn đề này là cần thiết, nhưng một thỏa thuận như vậy chưa thể đạt được trong cuộc họp lần này. 

EU đã thảo luận một vài biện pháp ngăn chặn những hành vi trốn thuế, bao gồm cả việc theo sát “Hồ sơ Panama”- vốn được ICIJ công bố hồi năm ngoái, theo đó phát hiện một thế giới ngầm trốn thuế với nhiều tài sản được cất giấu ở nước ngoài. EC đã đề xuất nhiều biện pháp chống trốn thuế, bao gồm một danh sách các “thiên đường” trốn thuế trên toàn EU nhằm ngăn chặn việc chuyển lợi nhuận được tạo ra ở EU sang các nước không áp thuế hoặc đánh thuế thấp. Hiện tại, mỗi nước thành viên EU đều có danh sách riêng các chủ thể bị coi là kém hợp tác trong vấn đề thuế. Tiêu chuẩn để xác định một “thiên đường” thuế là rất khác nhau giữa các nước EU và một vài nước đã bỏ qua bất kỳ chủ thể nào trong “danh sách đen” của nước họ. 

Chưa hết khúc mắc

Trao đổi với phóng viên, Pierre Moscovici - ủy viên hội đồng thuế EU - nói: “Hiện là thời điểm chúng ta phải công khai “danh sách đen” trốn thuế”, đồng thời kêu gọi thiết lập một danh sách “đáng tin cậy” và “trừng phạt thỏa đáng” khi những vụ vi phạm nghiêm trọng bị phát giác. Hiện tại vẫn chưa có những chi tiết cụ thể về hình thức trừng phạt nào có thể được áp đặt, mặc dù bị đưa vào danh sách đen bản thân nó đã là hình thức có thể ngăn chặn các cá nhân và công ty đổ tiền vào những chủ thể trong “danh sách đen” đó. 

Moscovici cho biết thêm, “danh sách đen” của EU nên đặt ra nhiều tham vọng hơn so với danh sách hiện tại của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), một tổ chức toàn cầu bao gồm phần lớn là những quốc gia giàu có hiện đang dẫn đầu trong cuộc chiến chống trốn thuế. Danh sách của OECD về những nước không có sự hợp tác minh bạch về thuế đến nay chỉ có Trinidad and Tobago. Giới chức EU cho biết một “cuộc đối thoại” đang được tiến hành với một số nước trên thế giới để đảm bảo rằng họ sẽ tuân thủ tiêu chuẩn về minh bạch thuế mà EU đề ra. 

Năm ngoái, EC xác định 81 nước và chủ thể có cơ hội cao hơn trong việc hỗ trợ trốn thuế. Một vài nước EU còn e ngại về “danh sách đen” này vì chính họ đang là đối tượng bị điều tra về những hành vi cạnh tranh thuế không công bằng. Một số nước EU nhỏ bé hơn như Luxembourg, Malta và Ireland thu hút các công ty bởi mức thuế thấp. Một số đã bị trừng phạt vì giao dịch với các công ty đa quốc gia chuyên khai man giá trị các hóa đơn thuế, làm giảm nguồn thu ở các nước thành viên EU khác. 

Để tránh khỏi sự phản đối từ các nước, “danh sách đen” do EU đề xuất nên được áp dụng chỉ đối với những nước không phải là thành viên EU. Ngoài ra, các nước không đánh thuế sẽ không mặc nhiên bị coi là “thiên đường trốn thuế”, theo một thỏa thuận sơ bộ mà các bộ trưởng tài chính EU đạt được hồi năm ngoái. 

Vấn đề thuế của EU chỉ có thể được giải quyết khi có sự đồng lòng của cả 28 quốc gia thành viên, trừ khi các biện pháp đặc biệt được đưa ra- một giả thiết bất khả thi. Để giảm hành vi trốn thuế, Brussels cũng đã đề xuất thiết lập cơ chế đăng ký công khai giúp chỉ rõ chủ nhân thực sự của các công ty vốn hoạt động như những “công ty ma” ở nước ngoài. Bên cạnh đó, EU cũng đề xuất buộc các công ty đa quốc gia có quy mô lớn phải báo cáo về lợi nhuận và các khoản đóng thuế tại mỗi nước mà họ hoạt động, qua đó nắm được chính xác con số lợi nhuận mà các công ty này đăng ký ở các nước có mức thuế thấp...

Đọc thêm