Từ ứng viên tổng thống thành nghi phạm môi giới mại dâm

(PLO) - Từ ứng viên tổng thống Pháp, cựu Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn rơi xuống đáy vực, bị buộc phải từ chức, không những mất luôn cơ hội trở thành nguyên thủ mà thậm chí còn phải vài lần hầu tòa vì những bê bối tình dục. 
Strauss-Kahn
Strauss-Kahn

Thông tin chấn động

Ngày 14/5/2011, dư luận thế giới choáng váng trước thông tin Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn bị bắt tại Mỹ vì cáo buộc tấn công tình dục một nữ hầu phòng. 

Theo các thông tin được truyền thông Mỹ đăng tải, Strauss-Kahn bị cảnh sát New York tống ra khỏi máy bay của hãng hàng không Pháp Air France ngay trước khi máy bay cất cánh. Theo dự kiến, lẽ ra, vào ngày hôm đó, Strauss-Kahn sẽ rời Mỹ tới Paris rồi tới Berlin để gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel bàn về cuộc khủng hoảng của đồng euro. 

Tuy nhiên, cuộc gặp đó đã không bao giờ diễn ra. Việc bắt giữ Strauss-Kahn diễn ra sau khi cô hầu phòng Nafissatou Diallo, 32 tuổi, tới đồn cảnh sát tố cáo người đứng đầu IMF đã tấn công tình dục khi cô dọn căn phòng tổng thống ở Khách sạn Sofitel - nơi ông Strauss-Kahn lưu trú vào trưa 14/5/2011. Diallo nói rằng khi cô ta đang dọn phòng thì ông Strauss-Kahn bước ra khỏi nhà tắm trong tình trạng không mặc gì. Sau đó, ông này đã túm lấy cô ta và ép quan hệ tình dục. 

Thông tin về vụ bắt giữ ông Strauss-Kahn đã gây rúng động truyền thông thế giới và làm rung chuyển chính trường Pháp. Bởi, tại thời điểm bị bắt, Strauss-Kahn đang là người đứng đầu IMF đồng thời cũng đang được xem là ứng viên tiềm năng của đảng Xã hội sẽ “tiếm ngôi” ông Nicolas Sarkozy trở thành tổng thống Pháp tại cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 4/2012. 

Tiền đồ bị vùi dập

Sinh ra trong một gia đình giàu có, cuộc đời và sự nghiệp của Strauss-Kahn có thể nói gần như đã được trải thảm từ đầu. Năm 1971, ông ta tốt nghiệp trường kinh doanh danh giá HEC Paris và sau đó là trường Sciences-Po. Sau khi lấy được bằng luật và Tiến sĩ kinh tế, ông tham gia giảng dạy ở trường Đại học Nancy-II và trường Nanterre. 

Năm 1981, Strauss-Kahn bắt đầu gia nhập đảng Xã hội Pháp và 5 năm sau đó được bầu vào Quốc hội Pháp. Từ năm 1988 đến 1991, Strauss-Kahn đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ủy ban tài chính trong Quốc hội rồi được bầu làm Bộ trưởng thương mại và kinh doanh quốc tế Pháp, trở thành gương mặt đại diện cho chính phủ tham gia các cuộc đàm phán thương mại ở cả trong nước và quốc tế. 

Năm 1993, với việc đảng Xã hội thất bại tại bầu cử, Strauss-Kahn cũng mất chức. Phải đến năm 1997, ông ta mới trở lại chính trường được bầu làm Bộ trưởng kinh tế, tài chính và thương mại trong chính phủ của Thủ tướng Lionel Jospin. Ở cương vị này, Strauss-Kahn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc đưa vào sử dụng đồng euro và là người đại diện của Pháp ở IMF. 

Với tần suất xuất hiện khắp nơi như vậy, Strauss-Kahn có những bước thăng tiến đáng kể trên con đường chính trị. Từ năm 2000 đến 2007, ông ta 3 lần tái đắc cử nghị sỹ. Năm 2006, ông ra tranh cử vào vị trí ứng viên tổng thống của đảng Xã hội nhưng không thành. Một năm sau đó, Strauss-Kahn chuyển hướng ra tranh cử chức Tổng Giám đốc IMF thành công và ngày càng trở nên nổi tiếng hơn. Tất cả các cuộc thăm dò được thực hiện vào đầu năm 2011 đều cho thấy ông ta là ứng viên hàng đầu cho chức vụ tổng thống Pháp.

Tuy nhiên, tất cả đã đều trở thành viễn cảnh vô vọng với Strauss-Kahn sau khi ông ta bất ngờ dính vào bê bối. Ngày 18/5/2011, chỉ 4 ngày sau khi bị bắt giữ, ông Strauss-Kahn đã từ chức Tổng giám đốc IMF. Một ngày sau đó, ông ta bị khởi tố về 7 tội danh, trong đó có cố ý hiếp dâm, tấn công tình dục, giữ người trái phép… 

Cảnh sát Mỹ thông báo họ đã xác định mẫu tinh dịch được tìm thấy trên quần áo của cô nữ hầu phòng quả thực là của ông Strauss-Kahn. Với các cáo buộc này, ông ta đã phải ngồi tù 5 ngày trước khi chấp nhận nộp 6 triệu USD để được tại ngoại, chịu quản thúc tại gia trong vòng 6 tuần. Strauss-Kahn cũng trở thành chính trị gia đầu tiên của Pháp “thân bại danh liệt” vì một bê bối tình dục thay vì kinh tế như những người từng “ngã ngựa” trước đó.

Nữ hầu phòng Diallo
Nữ hầu phòng Diallo

Rắc rối vẫn tiếp diễn 

Tuy nhiên, trong một diễn biến đầy kịch tính, ngày 23/8/2011, Strauss-Kahn đã được tuyên trắng án. Tại phiên tòa diễn ra ngày hôm đó, Thẩm phán tại Tòa án New York đã bác bỏ cáo buộc cố ý hiếp dâm và các cáo buộc khác đối với Strauss-Kahn. 

“Chúng tôi không thể tin vào lời cáo buộc của nguyên đơn, vì vậy, chúng tôi không thể yêu cầu hội đồng xét xử tiếp tục vụ việc” – bà Joan Illuzzi-Orbon - Trợ lý Văn phòng Công tố New York khẳng định trước tòa. 

Kết luận này của các công tố viên được đưa ra sau khi họ nhận thấy cô hầu phòng đã đưa ra những lời khai mâu thuẫn, không chính xác về các tình tiết diễn ra trong vụ “tấn công tình dục” mà cô ta khai báo. 

Tuy các cáo buộc hình sự chống lại Strauss-Kahn đã bị hủy bỏ nhưng cô hầu phòng Diallo sau đó đã tiếp tục đâm đơn kiện dân sự chống lại ông này. Dù một mực chối bỏ lời khai của nữ hầu phòng nhưng sau đó cựu sếp IMF vẫn chấp nhận trả đến 1,5 triệu USD để dàn xếp vụ kiện dân sự. 

Rõ ràng, dù không bị buộc tội nhưng vụ việc nói trên đã khiến ông Strauss-Kahn “thân bại danh liệt”. Không chỉ bị mất chức, mất tiền, vụ bê bối còn là sự kiện khơi mào cho hàng loạt những rắc rối khác. 

Trong đó, ngay sau khi Strauss-Kahn bị bắt, cũng trong tháng 5/2011, cô Tristane Banon, một nhà báo người Pháp và là con nuôi của người vợ thứ 2 của Strauss-Kahn đã đâm đơn kiện, tố cáo Strauss-Kahn đã hiếp dâm khi cô đến phỏng vấn ông cho một cuốn sách vào năm 2002. Tháng 7/2011, giới chức Pháp bắt đầu mở một cuộc điều tra sơ bộ về đơn tố cáo của cô Banon. Song, vụ việc sau đó đã bị khép lại do thời hiệu điều tra đã hết. 

Ngoài ra, một người yêu cũ của Strauss-Kahn cũng đã xuất bản một cuốn sách viết về mối quan hệ giữa 2 người, trong đó mô tả người đàn ông từng nằm trong nhóm những nhân vật quyền lực nhất thế giới là một kẻ “phàm phu”, một gã “nửa người, nửa lợn”.

Sau nhiều tháng im lặng trước những cáo buộc nhằm vào chồng và cả những câu chuyện về đời sống riêng tư của Strauss-Kahn được truyền thông đăng tải, năm 2012, bà Anne Sinclair – người vợ thứ 3 của Strauss-Kahn – tuyên bố ly hôn với chồng sau 21 năm chung sống. 

Cũng trong năm 2012, Strauss-Kahn tiếp tục đối mặt một bê bối nghiêm trọng khác. Khi đó, ông ta bị khởi tố về cáo buộc môi giới mại dâm liên quan đến ít nhất 15 bữa tiệc sex được tổ chức ở từ Paris, Pháp tới Bỉ, tới Mỹ… trong khoảng thời gian từ tháng 3/2008 tới tháng 5/2011. 

Dù thừa nhận có tham gia một số bữa tiệc sex đó nhưng Strauss-Kahn bác bỏ việc có biết một số phụ nữ ở đó là gái mại dâm. Tuy nhiên, các công tố viên cho rằng ông ta chắc chắn phải biết những người phụ nữ tham gia tiệc sex do bạn bè của ông ta tổ chức là gái mại dâm. Trong số những bằng chứng củng cố lập luận này có những tin nhắn qua lại giữa người đàn ông này và một người bạn tên Paszkowski, trong đó, họ gọi những phụ nữ đó là “công cụ” và “quà tặng”. 

Mua dâm không phải là một tội danh ở Pháp nhưng hưởng lợi từ mại dâm lại là phạm tội. Trong trường hợp của Strauss-Kahn, các công tố viên cho rằng dù không trả tiền mua dâm nhưng ông ta lại được hưởng lợi từ hoạt động mại dâm, được tham gia những bữa tiệc sex mà không phải trả tiền nên đã phạm tội. 

Nhiều người ủng hộ phong trào nữ quyền đã rất phẫn nộ trước lời khai của một trong những gái mại dâm tại phiên tòa, theo đó cho hay cô đã phải hứng chịu hành vi bạo lực vô cùng dã man khi “phục vụ” Strauss-Kahn.

“Chưa một khách hàng nào từng đối xử với tôi tệ như vậy. Có thể là do ông ta nghĩ mình có địa vị xã hội cao nên ông ta mới hành xử như vậy”, nữ nhân chứng khai và cho biết cô đã nhận được 500 euro cho việc tham gia bữa tiệc sex đó.

Tuy nhiên, đến ngày 12/6/2015, Strauss-Kahn tiếp tục được tuyên trắng án với cáo buộc môi giới mại dâm, chấm dứt 4 năm trời liên tục vướng vào kiện tụng của ông ta. Dù tạm yên ổn nhưng rõ ràng sự nghiệp của ông ta sẽ khó có thể gây dựng lại.