Từng có nhà máy sản xuất khí độc Sarin tuyệt mật giữa lòng nước Anh?

(PLO) -Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, có một nhà máy tuyệt mật của Quân đội Anh từng sản xuất ra một lượng vũ khí hóa học khổng lồ đủ khả năng tiêu diệt toàn bộ 5 lần số nhân loại trên trái đất…
Ngoài sarin được sản xuất ở Nancekuke, trong lịch sử chiến tranh Anh còn sản xuất ra các vũ khí hóa học khác như VX, Soman và Cyclosarin
Ngoài sarin được sản xuất ở Nancekuke, trong lịch sử chiến tranh Anh còn sản xuất ra các vũ khí hóa học khác như VX, Soman và Cyclosarin

Trong quá trình sản xuất vũ khí này, đã có hàng tá người bị thiệt mạng do chính độc chất đó. 

Cái chết của người tình nguyện

Tháng 5/1953, khi Ronald Maddison trở thành tình nguyện viên cho những thử nghiệm khoa học của lực lượng vũ trang Anh, ông được rỉ tai rằng những thí nghiệm này là một phần trong một nỗ lực nghiên cứu bệnh cúm. Nhưng cũng giống như nhiều người thử nghiệm khác – Ronald Maddison, một phi công ưu tú hàng đầu trong Không lực hoàng gia Anh – lại trở thành “chuột bạch” cho các thử nghiệm vũ khí hóa học.

Hàng ngày, ông đặt chân vào trong phòng thí nghiệm chiến tranh hóa học mà không hề hay biết chuyện gì xảy ra, cũng như không được cảnh báo trước về mức độ độc hại. Maddison nhận khoảng 200 milligram chất lỏng sarin rồi nhỏ trực tiếp vào tay áo của mình, để nó xuyên qua vải rồi thấm vào da thịt ông.

Các nhà khoa học của Bộ Quốc phòng Anh (MOD) đã sử dụng “các tình nguyện viên” như Ronald Maddison nhằm thiết kế các loại đổ bảo hộ đồng thời cải thiện những cảm giác khó chịu của chất độc sarin. 

Các liều sarin, như đã giao cho Maddison, không gây chết người mà chỉ vừa đủ để các nhà khoa học có thể thu thập nhiều dữ liệu hơn về cơ chế hoạt động của sarin và làm thế nào để chặn đứng nó. Nhưng thí nghiệm thường lệ này đã để lại hậu quả khủng khiếp. Nhiều năm sau đó, tài xế lái xe cứu thương Alfred Thornhill mô tả lại chuyến đi chở Ronald  Maddison đến bệnh viện như sau:

“Cả cơ thể ông ấy co giật liên hồi… Tôi nhìn thấy chân ông ấy nhấc khỏi giường, da chân bắt đầu chuyển sang màu xanh nước biển. Màu xanh kỳ quái từ mắt cá chân sau đó lan khắp chân”. Alfred Thornhill cho rằng triệu chứng của Maddison cứ như thể ai đó vừa trải qua việc bị điện giật vậy.

Ông Terry Alderson, một tình nguyện viên khác của chất độc sarin cùng thời điểm với bệnh nhân Maddison, sau này đã tỏ ra rất giận dữ khi biết mình bị lừa dối: “Sau các thử nghiệm, kể từ đó sức khỏe của chúng tôi bị phớt lờ, không ai biết có bao nhiêu người đã chết. MOD đã nói dối chúng tôi, xem chúng tôi như những chú cừu non”. 

45 phút sau khi được tiêm sarin vào người, Ronald Maddison qua đời, cái chết ngay tức khắc được giấu nhẹm. Người đứng đầu Bộ Nội vụ Anh, David Maxwell-Fyfe, yêu cầu giữ bí mật cuộc điều tra về cái chết của Maddison, đề cao an ninh quốc gia. Khí độc sarin đã giết hại Maddison được sản xuất và thử nghiệm ở “Phòng thí nghiệm chất hóa học quốc phòng (CDE)”, một cơ quan tuyệt mật nằm ở nơi hẻo lánh thuộc vùng duyên hải Cornwall Tây Nam nước Anh.

Ngày hôm nay, Cornwall là nơi khiến người yêu biển tìm đến để chiêm ngưỡng cảnh sắc bình minh và hoàng hôn đẹp lộng lẫy, hầu như không ai biết chút gì rằng nơi đây từng che đậy một trong những bí mật đen tối nhất nước Anh.

Những thùng chất độc Sarin gây chết người hàng loạt
Những thùng chất độc Sarin gây chết người hàng loạt

Căn cứ địa sản xuất  "thần chết"

Gần đây việc sử dụng khí độc sarin của Tổng thống Syria Bashar al-Assad càng khiến cho vũ khí hóa học này “lộ sáng”. 

Trong suốt cuộc chiến tranh chống lại Trục phát xít, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã tán thành sử dụng cả vũ khí hóa học và sinh học, loại mà quân đội Anh đang thử nghiệm. (Đảo Gruinard của Scotland trở thành nơi thử nghiệm khuẩn bệnh than dưới thời Đại chiến thế giới thứ hai, và bị bỏ hoang suốt nhiều thập kỷ). Nhưng các loại vũ khí sinh hóa không được tung ra chiến trường vì nội các của Churchill sợ dính phải đòn trả thù của Hitler. 

Sau khi đánh bại Hitler, các chuyên gia Anh đã lưu diễn quanh nước Đức những máy móc và dữ liệu mà Đức Quốc xã từng dùng để phát minh ra vũ khí hóa học bao gồm sarin. Nhưng nếu muốn phát triển vũ khí hóa học theo cách của mình thì người Anh cần phải tìm một nơi an toàn, hẻo lánh, tránh việc rỏ rỉ có thể để lại những hậu quả thương vong nặng nề.

Căn cứ Portreath của Không lực hoàng gia Anh (hay RAF Portreath) đã đưa vào hoạt động vào năm 1941, được xây dựng tại Nancekuke Common ở Cornwall, là một nơi lý tưởng của Bộ Quốc phòng Anh. RAF Portreath rất hẻo lánh, nằm gần biển nên khá thuận tiện để đổ bỏ chất thải. Không người dân nào quan tâm đến sự lạ xảy ra trong vùng. Những người có tư tưởng chống đối cũng ngại bị truy tố nếu chiếu theo đạo luật Những bí mật chính thức (OSA).

RAF Portreath được cấp giấy để trở thành “Lãnh địa hoàng gia” và tránh khỏi tầm mắt của công chúng. Tuy vậy, người nông dân Ernest Landry vẫn cảm thấy có lắm bất an. Bộ Cung cấp Anh đã ra lệnh nhất quyết phải mua thửa đất của Landry để sát nhập vào “lãnh địa hoàng gia”. Landry được bồi thường, nhưng mất nguồn cung nước cho trang trại của mình. 

Churchill là một trong những người ủng hộ nặng ký nhất của Nancekuke, và từng là chỉ huy một tiểu đoàn trong thời Đại chiến tranh thế giới thứ nhất nên thừa biết sức mạnh tàn khốc của vũ khí hóa học. Churchill tin chắc Liên Xô cũng có vũ khí này.

Mùa hè năm 1919, trong thời gian làm Bộ trưởng Chiến tranh Anh, khi lính của Chruchill phát hiện ra người Bolshevik trong cuộc nội chiến Nga, Churchill ra lệnh dùng chất độc hóa học Lewisite để chống lại với nhiều ngôi làng bị máy bay Anh ném bom. 

Đến năm 1950, dựa trên các báo cáo tình báo cho rằng Liên Xô tự phát triển vũ khí hóa học, Churchill liền trỗi dậy giấc mộng về vũ khí hóa học với quan điểm “nếu người Nga có nó, chúng ta cũng không nên đứng ngoài cuộc”.

Theo các tài liệu được giải mật của Anh, trong một bộ phim tài liệu được công chiếu hồi năm 2001, Nancekuke đã nằm trong tâm trí của Churchill, từ một xí nghiệp nhỏ biến thành một cỗ máy sản xuất sarin hàng loạt. RAF Portreath là nơi thử tài các nhà khoa học, để họ có thể áp dụng công nghệ vào sản xuất vũ khí hóa học; giữa các năm 1954 và 1956, nhà máy ở Nancecuke đã sản xuất đến 20 tấn chất độc sarin cùng vài loại vũ khí hóa học khác bao gồm VX, Soman và Cyclosarin.

Các nhân viên tiềm năng được kiểm tra kỹ lưỡng, còn cựu nhân viên được nhắc nhở về luật bí mật và các hình phạt cho ai dám “xé rào”. Chính phủ Anh nhấn mạnh hạn chế sự tiếp xúc của công chúng và báo chí về phức hợp nhà máy Nancekuke.

Năm 1965, những bí mật về nhà máy ở Nancekuke mới được phát lộ. Tạp chí Peace News đã công bố một câu chuyện tháng 12/1965 có một sự cố về an toàn xảy ra ở Nancekuke, nhắc đến “2 sự cố khí độc rò rỉ và những mặt nạ phòng độc được đeo” và nạn nhân Tom Griffiths may mắn sống sót. Ngày 31/3/1958, Tom Griffiths được lệnh trám một đoạn ống chạy xuyên qua nhà máy Nancekuke. Ông đã nhận thấy có một giọt chất lỏng treo lơ lửng ở mép đoạn ống và biết chắc nó không phải là giọt nước thông thường mà có thể là sarin.

Tom Griffiths cảnh giác, nhảy xuống thang, cùng lúc ông và đồng nghiệp chợt lảo đảo người, có dấu hiệu ngộ độc khí sarin khi hít phải. Câu chuyện liên quan đến vụ tai nạn này có đoạn: “Ra bên ngoài trời, hô hấp của họ dần trở lại bình thường. Sống sót trong sự cố ở Nancekuke, 2 người đàn ông hò reo mừng rỡ vì cảm thấy số phận quá may mắn”. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Griffiths đột nhiên trở bệnh. Luật bảo mật đã chặn việc Tom Griffiths nói về Nancekuke, và cũng không nói chuyện với bác sĩ; đến năm 1971, ông nộp đơn xin trợ cấp tàn tật nhưng tòa đã bác đơn này.

Một nhà khoa học tại Nancekuke đang đo lường độc chất
Một nhà khoa học tại Nancekuke đang đo lường độc chất

Hồ sơ bệnh án mất tích bí ẩn

Phải mất thêm cả thập kỷ nữa thì nhà máy sarin Nancekuke mới lại xuất hiện, thậm chí cho đến ngày hôm nay nhiều hồ sơ vẫn đang được phân loại. Suốt nhiều năm, các Bộ trưởng Anh không hề đả động về địa điểm này. Năm 1969, có báo cáo về việc hàng trăm động vật bị chết quanh Nancekuke mà không có lời giải thích nào rõ ràng.

Áp lực về Nancekuke ngày càng tăng lên khiến cho nó bị đóng cửa vào năm 1980. Phòng thí nghiệm sarin bị phá hủy, một số thiết bị được chôn tại chỗ, số còn lại bị đổ chôn vào các mỏm đá. Giữa các năm 1950 và 1969, 9 công nhân đã bị chết ở đây, và nhiều người khác kiểu như Tom Griffiths đang phát triển các triệu chứng bệnh.

Một số người bị đe dọa không được tiết lộ bất kỳ điều gì, nhưng Tom Griffiths đã phát đơn kiện. Ông tuyên bố hồ sơ bệnh án của mình là ngộ độc lâu dài. Tuy nhiên, ngay trong giai đoạn đầu của thủ tục tố tụng, hồ sơ của Tom Griffiths bỗng dưng biến mất rất đáng ngờ. Tom rời tòa án vào năm 1976, nhận được số tiền chỉ 110 bảng Anh, bằng đúng 60 USD!.