Tỷ phú Trump vướng hồ sơ 'đen', bà Hillary đắc lợi

(PLO) - Ngày 3/10, ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump cùng ê-kíp vận động tranh cử của mình đã lên tiếng công kích tờ The New York Times sau khi báo này công bố một báo cáo thuế cho thấy “ông trùm” bất động sản có thể đã lách luận để trốn đóng thuế cá nhân trong gần 20 năm qua.
Tỷ phú Trump đang vướng nghi án trốn thuế gần 18 năm do tờ New York Times nêu ra công luận. (Ảnh: ABC)
Tỷ phú Trump đang vướng nghi án trốn thuế gần 18 năm do tờ New York Times nêu ra công luận. (Ảnh: ABC)

Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter, tỷ phú Trump không thừa nhận việc chỉ trả một ít hay thậm chí không đóng một đồng thuế nào, đồng thời nhấn mạnh mình là một chuyên gia về Luật thuế: “Tôi hiểu rõ luật thuế của chúng ta hơn bất cứ ai từng ra tranh cử Tổng thống và tôi là người duy nhất có thể khắc phục các vấn đề (trong Luật thuế)”.

Hồ sơ “đen” trốn thuế

Trong khi đó, ê-kíp vận động chiến dịch tranh cử của tỷ phú New York ra thông báo khẳng định ông Trump “là một doanh nhân có kỹ năng tốt, có trách nhiệm với doanh nghiệp, gia đình và nhân viên của mình”. 

Trước đó, New York Times ngày 1/10 cho biết vừa tìm ra một báo cáo thuế của công ty do tỷ phú Trump đứng đầu vào năm 1995 cho thấy doanh nhân này đã báo cáo lỗ 916 triệu USD vào năm này. Theo các chuyên gia về thuế, mức lỗ này sẽ cho phép “ông trùm” bất động sản không phải nộp thuế thu nhập trong ít nhất 18 năm kế tiếp. Phản ứng trước bài viết của “New York Times”, ứng cử viên của Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố thông tin đã cho thấy hồ sơ kinh doanh tệ hại của ông Trump cũng như khoảng thời gian mà ông này đã tránh được việc nộp thuế, trong khi hơn 10 triệu hộ gia đình lao động vẫn phải nộp đầy đủ hàng năm.

Theo New York Times, rất khó để khẳng định việc Trump công bố lỗ 916 triệu USD là thật hay chỉ là một biện pháp trốn thuế. Trong khi đó, kênh truyền hình CNN dẫn một điều tra dư luận vào tháng 8/2016 cho thấy 62% cử tri coi việc các ứng viên Tổng thống công khai hồ sơ thuế là một vấn đề quan trọng. Do đó, CNN cho rằng vụ việc này có thể sẽ có tác động tiêu cực tới sự ủng hộ của cử tri đối với ông Trump, ít nhất là trong nhóm những cử tri còn do dự.

Thật vậy, theo kết quả cuộc thăm dò do hãng Reuters/Ipsos công bố ngày 4/10 cho thấy khoảng 67% người Mỹ cho rằng đây là hành động “ích kỷ” của một ứng cử viên Tổng thống khi trả thuế thu nhập, trong đó 61% người cho rằng hành động này là “không yêu nước”. Cuộc thăm dò cũng cho thấy chỉ một số ít cử tri tôn trọng một ứng cử viên có khả năng cắt giảm hóa đơn thuế. Cụ thể, 46% người được hỏi, bao gồm 35% cử tri Dân chủ và 62% cử tri Cộng hòa, cho rằng một ứng cử viên Tổng thống không phải trả thuế là           “thông minh”. 

Ông Donald Trump được cho là đã khai báo lỗ gần 1 tỷ USD để trốn thuế trong suốt 18 năm. (Ảnh: Getty)
Ông Donald Trump được cho là đã khai báo lỗ gần 1 tỷ USD để trốn thuế trong suốt 18 năm. (Ảnh: Getty)

Sai phạm khi quyên góp?

Họa vô đơn chí, Văn phòng Tổng Chưởng lý New York, ông Eric T. Schneiderman, ngày 3/10 đã gửi công văn tới quỹ từ thiện của ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald J. Trump, yêu cầu quỹ này phải ngay lập tức chấm dứt các hoạt động gây quỹ cũng như can dự vào bất kỳ hoạt động gây quỹ nào khác ở New York.

Công văn này được gửi đi hôm 30/9 và được văn phòng của ông Schneiderman công bố sáng 3/10 (giờ địa phương), cho biết bộ phận quản lý các hoạt động từ thiện của văn phòng đã đi đến kết luận rằng Quỹ Donald Trump đã vi phạm pháp luật vì chưa đăng ký với chính quyền bang New York về hoạt động quyên tiền từ cộng đồng. Trong công văn, Văn phòng Tổng chưởng lý yêu cầu quỹ của ông Trump trong vòng 12 ngày phải cung cấp một số tài liệu cần thiết về các hoạt động gây quỹ, trong đó có các bản kê tài chính đã được kiểm toán và các báo cáo tài chính hàng năm. 

Quỹ Trump do ông Donald Trump làm chủ tịch được thành lập năm 1987, với mục đích để làm từ thiện từ số tiền thu được từ cuốn sách “The Art of the Deal” của ông. Trong nhiều năm, ông Trump là nhà tài trợ duy nhất của quỹ này với đóng góp khoảng 5,4 triệu USD từ năm 1987 đến 2006. Tuy nhiên, kể từ đầu những năm 2000, Quỹ Trump có sự thay đổi và bắt đầu nhận tiền quyên góp từ cộng đồng. Hồ sơ thuế cho thấy trong 10 năm qua, mỗi năm Quỹ Donal Trump đều quyên góp được hơn 25.000 USD từ các mạnh thường quân không thuộc gia đình Trump. Ngoài ra, đầu năm nay, quỹ này còn lập 1 trang web nhằm quyên góp tiền để giúp đỡ các cựu binh và thu được 1,67 triệu USD. Theo Luật New York, nơi Quỹ Donal Trump đặt trụ sở, bất kỳ tổ chức từ thiện nào quyên góp hơn 25.000 USD từ cộng đồng mỗi năm đều phải đăng ký hoạt động với chính quyền bang.

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa còn phải đối diện với nhiều nghi vấn xung quanh khoản quyên tặng 25.000 USD mà quỹ từ thiện của ông Trump dành cho một nhóm chính trị gia ủng hộ ông Pam Bondi - Giám đốc Sở Tư pháp Florida, hồi năm 2013. Việc quyên tặng này được thực hiện sau khi văn phòng của Pam Bondi thông báo đang cân nhắc việc có nên mở cuộc điều tra những sai phạm của Đại học Trump.

Đại diện cho chiến dịch tranh cử của ông Trump trước mắt chưa lên tiếng bình luận về thông tin trên. Trước đó, cố vấn truyền thông kỳ cựu của ông Trump, ông Jason Miller đã bác bỏ cuộc điều tra của Tổng chưởng lý và cho rằng ông Schneiderman là người “thiên vị đảng phái”. Hôm 13/9, ông Schneiderman xác nhận, văn phòng của ông đang điều tra nhằm xác minh xem Quỹ Donald J. Trump có đang thực sự tuân thủ những quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của các tổ chức nhân đạo tại New York hay không. Trước đó, tờ The Washington Post đưa tin tỉ phú Trump dùng tiền từ thiện để làm quà chính trị, mua tranh của chính mình và giải quyết các tranh chấp pháp lý liên quan đến việc kinh doanh của mình.

Hillary đắc lợi

Ngược lại, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đang đắc lợi, “vào cầu son” khi cho biết trong tháng 9 vừa qua, bà đã gây quỹ được số tiền kỷ lục 154 triệu USD trong cuộc đua vào Nhà Trắng trước đối thủ là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa Donald Trump. Trước đó một tháng, bà Clinton đã gây quỹ được 143 triệu USD so với 90 triệu USD của đối thủ Donald Trump. Khoản tiền này trên thực tế đã được chia làm hai phần, một phần sử dụng cho chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinon và một phần chi cho Đảng Dân chủ của bà.

Ứng cử viên Hillary Clinton đang ở thế đắc lợi
Ứng cử viên Hillary Clinton đang ở thế đắc lợi

Bà Clinton và các đồng minh trong Đảng Dân chủ bắt đầu gây quỹ cho chiến dịch vận động tranh cử vào tháng 10 năm nay với khoản tiền 150 triệu USD để chi cho các chiến dịch quảng cáo trên truyền hình, Đài phát thanh và Internet. Kể từ khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa bà và ứng cử viên Donald Trump bắt đầu diễn ra cho đến nay đã có 2,6 triệu người tài trợ cho chiến dịch tranh cử của bà và tính riêng trong tháng 9, số người tham gia hoạt động này là hơn 900.000 người.

Thêm nữa, ngày càng nhiều cử tri dành thiện cảm và sự ủng hộ cho bà Hillary trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bởi họ không còn nhiều kỳ vọng ở tài năng điều hành của Donald Trump một khi đắc cử. Thậm chí, đến Nhà Trắng cũng khẳng định ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump không phải là một hình mẫu tiêu biểu mà người dân Mỹ có thể noi theo.

Phát biểu trước báo giới ngày 4/10 khi được hỏi liệu Tổng thống Mỹ Barack Obama có nghĩ rằng tỷ phú Trump nhìn chung có phải là một hình mẫu tiêu biểu, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest đã thẳng thắn trả lời “Không”. Ông Earnest nhấn mạnh: “Có hàng trăm triệu người Mỹ hàng ngày vẫn đang là hình mẫu để con cái họ noi theo. Tuy nhiên dựa vào những quan ngại sâu sắc của tổng thống về ứng cử viên Đảng Cộng hòa, tôi tự tin khẳng định rằng ông Obama sẽ không thoải mái khi miêu tả tỷ phú Trump theo cách đó”.

Câu hỏi xung quanh liệu ông Trump có phải là một hình mẫu tiêu biểu được đưa ra sau khi bà Kelly Ayotte, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của bang New Hampshire, đột ngột đính chính điều mà bà đánh giá trước đó rằng ông Trump là một hình mẫu để trẻ em noi theo. Nữ chính khách này cho biết lúc đó bà đã “nói nhầm”, đồng thời cho rằng cả ông Trump lẫn ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton không phải là “một tấm gương tốt” cũng như là “những hình mẫu lý tưởng” để trẻ em noi theo. 

Trước đó, Tổng thống Obama từng nhiều lần khẳng định rằng đại diện Đảng Cộng hòa không thích hợp làm tổng thống do thiếu kinh nghiệm và thường xuyên có những phát ngôn gây tranh cãi. Lần đầu tiên “ông trùm” bất động sản gây sự chú ý và hứng chịu sự chỉ trích của dư luận là hồi tháng 6 năm ngoái khi tuyên bố Mexico đã gửi “những kẻ hiếp dâm và buôn bán ma túy” đến Mỹ. Doanh nhân - chính khách này đã cam kết nếu đắc cử, ông sẽ trục xuất 11 triệu người nhập cư trái phép trên đất Mỹ.

Ông cũng kêu gọi “cấm cửa hoàn toàn” người Hồi giáo vào Mỹ do lo ngại các vụ tấn công khủng bố. Những đối tượng bị ông Trump công kích ngày càng mở rộng, bao gồm cả phụ nữ, những người biểu tình gốc Phi và các thành viên gia đình đối thủ. Theo danh sách được The New York Times thống kê, đại diện của Đảng Cộng hòa đã có những phát ngôn “động chạm” đến 210 cá nhân cũng như địa điểm trên trang mạng xã hội Twitter kể từ khi tuyên bố chạy đua vào Nhà Trắng. 

Liên quan đến những phát ngôn gây tranh cãi của ông Trump, cùng ngày, ứng cử viên Clinton đã chỉ trích đối thủ của mình khi đưa ra những bình luận miệt thị hình thức bên ngoài của người phụ nữ liên quan tới Hoa hậu Hoàn vũ Alicia Machado.

Phát biểu trong một sự kiện tại ngoại ô Philadelphia, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã hối thúc những cử tri nữ đứng lên đương đầu với những lời lẽ hạ thấp vẻ bề ngoài của họ. Bà nhấn mạnh: “Thật là tồi tệ khi những người phụ nữ bị gọi tên và bị đánh giá chỉ đơn thuần dựa vào vẻ bề ngoài tự nhiên của họ...” Và kết quả cuộc khảo sát do trang RealClearPolictics công bố cho thấy cựu Ngoại trưởng Clinton vẫn đang dẫn trước “ông trùm” bất động sản Trump với tỷ lệ 48,1% - 44,3%.

Đọc thêm