Uzbekistan: Tổng thống qua đời, con gái phải hầu tòa

(PLO) -Sau khi Tổng thống Islam Karimov qua đời (2/9), câu hỏi ai sẽ kế nhiệm lại được đặt ra ở hải ngoại vì đây không phải lần đầu tiên vấn đề này được nhắc tới. Bởi từ năm 1990, ông Islam Karimov là Tổng thống duy nhất ở Uzbekistan, nên việc thay thế ông luôn được dư luận quan tâm. 
Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov qua đời hôm 2/9
Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov qua đời hôm 2/9

Chủ tịch Thượng viện Nigmatilla Yuldashev là quyền Tổng thống và hiện có 2 ứng cử viên chạy đua vào vị trí của ông Islam Karimov là Thủ tướng Shavkat Mirziyoyev (thuộc phe Samarkand) và Bộ trưởng Tài chính Rustam Azimov (thuộc phe Tashkent).

Giới truyền thông từng đưa tin, ông Islam Karimov tại vị lâu như vậy bởi biết cân bằng quyền lợi giữa 2 phe Samarkand và Tashkent. Trong đó, ông Rustam Inoyatov, người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia (SNB) thuộc phe Tashkent lãnh đạo và Bộ Nội vụ (MVD) từng được lãnh đạo bởi ông Zakir Almatov, thuộc phe Samarkand (và nay là ông Adhma Ahmedbaev).

Từ vụ ly hôn

Con gái lớn của ông Islam Karimov là Gulnara Karimova (sinh ngày 8/7/1972) từng là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí Tổng thống, nhưng sau khi “vua cha” qua đời, số phận của người từng được gọi là "công chúa Uzbekistan" tiếp tục trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Có tin cho rằng, vì mâu thuẫn với mẹ đẻ (bà Tatyana Akbarovna Karinova), em gái Lola Karimov-Tillyaeva và tranh giành quyền lực với người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia (SNB) Rustam Inoyatov, nên Gulnara Karimova mới có kết cục như hiện nay.

Cơ quan An ninh Uzbekistan từng trình lên Tổng thống Islam Karimov một tập hồ sơ dày liệt kê tỉ mỉ những thủ đoạn và mánh lới tài chính bất hợp pháp của Gulnara Karimova tại Uzbekistan.

Trong đó đáng quan tâm nhất là các hãng và công ty trong lĩnh vực dầu mỏ và dệt may tuy thuộc sở hữu của họ hàng với Tổng thống, nhưng hàng tháng đều phải “nộp tô” cho Gulnara Karimova từ 50 đến 70 triệu USD.

Việc Gulnara Karimova bị tước quyền miễn trừ ngoại giao sau nghi vấn rửa tiền chứng tỏ “vua cha” đã mất lòng tin vào con gái lớn. 

Gulnara Karimova kết hôn với Mansur Maqsudi, người Mỹ gốc Afghanistan khi mới 19 tuổi. Sau khi trở thành con rể Tổng thống Islam Karimov, Mansur Maqsudi được cử làm đại diện cho hãng Coca-Cola ở Tashkent.

Tuy đã có 2 con (trai là Islam, gái là Iman), nhưng Gulnara Karimova vẫn quyết định ly hôn sau khi Mansur Maqsudi yêu người đàn bà khác. Mùa hè năm 2001, Mansur Maqsudi đệ đơn ly hôn lên Tòa án Mỹ.

Sau khi ra tòa, Mansur Maqsudi vừa muốn giành quyền nuôi con, vừa yêu cầu Gulnara Karimova chi 3 triệu USD cho ngôi nhà ở bang New Jersey, Mỹ (trị giá 2 triệu USD), một phần tài sản của xí nghiệp ở Uzbekistan (trị giá 1,5 triệu USD) cùng hai chiếc xe Mercedes và Leksus.

Mùa hè năm 2002, Tòa án bang New Jersey, Mỹ ra phán quyết, theo đó Mansur Maqsudi được quyền nuôi 2 con, nhưng Gulnara Karimova không đưa con sang Mỹ. Trong khi Mỹ ra phán quyết như vậy, thì Viện kiểm sát Uzbekistan lại ra lệnh truy nã Mansur Maqsudi vì cho rằng, cựu con rể Tổng thống Islam Karimov đã phạm tội trốn thuế, hối lộ và buôn bán bất hợp pháp trong thời gian kinh doanh ở nước này.

Sau khi bị "phản pháo", Mansur Maqsudi đã thuê luật sư kiện vợ cũ: “công chúa Uzbekistan” có nhiều nguồn thu nhập và là người giàu có: sở hữu số vàng bạc châu báu trị giá 4,5 triệu USD, có tiền gửi ngân hàng trị giá 11 triệu USD, có một hãng bán lẻ trị giá 10 triệu USD, 1 hộp đêm trị giá 4 triệu USD, 1 biệt thự trị giá 13 triệu USD…

Gulnara Karimova tốt nghiệp Học viện Toán học tại thủ đô Tashkent khi mới 16 tuổi. Năm 1989, thi đỗ vào Đại học Tổng hợp Tashkent, theo học Khoa Kinh tế quốc tế. Sau đó, lấy bằng Thạc sĩ tại Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Uzbekistan, bằng Thạc sĩ của Đại học Harvard và là Giáo sư khi chưa tới 30 tuổi.

Trong mắt nhiều người, Gulnara Karimova là người năng động và hiếu thắng khi quyết định làm phiên dịch tiếng Anh ở Phòng Thương mại và Công nghiệp Uzbekistan, và hoàn thành khóa thiết kế thời trang tại Học viện Công nghệ thời trang New York (Mỹ).

Khi hoạt động nghệ thuật, Gulnara Karimova lấy nghệ danh là GooGoosha - theo biệt danh “vua cha” đặt cho từ nhỏ. Và trong lĩnh vực thời trang, Gulnara Karimova là nhà tạo mẫu danh tiếng, là người Trung Á đầu tiên tổ chức tuần lễ thời trang ở New York và gặt hái được thành công lớn.

Gulnara Karimova từng được mô tả có "vẻ đẹp thuần khiết Uzbek". Năm 2009, Gulnara Karimova có tên trong danh sách “Những phụ nữ giàu nhất Tây Ban Nha” do tạp chí Bali của nước này bình chọn. 

Gulnara Karimova (trái) và cuốn kinh thánh được cho là bà đã đánh cắp từ bảo tàng quốc gia
Gulnara Karimova (trái) và cuốn kinh thánh được cho là bà đã đánh cắp từ bảo tàng quốc gia

Tới những bê bối khác

Gulnara Karimova được cho sở hữu khối tài sản lớn tới mức “vua cha” cũng không thể ước tính nổi - đang cất giữ số tài sản ở châu Âu, đặc biệt là Thụy Sĩ, Thụy Điển, Pháp, chưa kể tới khối bất động sản ở Uzbekistan. Có tin nói rằng, Gulnara Karimova từng kiểm soát toàn bộ mạng lưới di động quốc gia, cũng như lĩnh vực truyền thông và y tế ở Uzbekistan.

Giới chức Mỹ coi Gulnara Karimova là người tham lam, thèm khát quyền lực và thích sử dụng quyền lực của “vua cha” để trục lợi. Năm 2011, hãng AP từng chỉ trích Gulnara Karimova là: "Nữ hoàng quyến rũ. Nhà ngoại giao quốc tế. Kẻ bóc lột người nghèo".

Tháng 10/2012, một căn hộ sang trọng của bà Gulnara Karimova ở thủ đô Moskva, Nga bị niêm phong bởi công ty viễn thông của bà đã dùng những thủ đoạn "bẩn thỉu" chèn ép giới viễn thông xứ sở bạch dương.

Sau đó, căn hộ này bị thu giữ và đó là một phần trong vụ chống độc quyền do Công ty viễn thông Nga MTS khởi xướng để trả đũa việc kinh doanh của MTS tại Uzbekistan bị chính quyền địa phương đình chỉ, gây thiệt hại tới 1 tỉ USD.

Một cựu quan chức cấp cao thuộc Bộ văn hóa Uzbekistan từng xác nhận, nhiều bức tranh biến mất khỏi bộ sưu tập của nhà nước bởi “lệnh” của Gulnara Karimova. Ông Sefer Bekjan từng giả làm quản gia cho Gulnara Karimova để chụp lại hơn 60 tác phẩm nghệ thuật của bảo tàng để trong tư dinh của “công chúa Uzbekistan”, và công bố trên facebook của mình.

Các nhà điều tra Thụy Sĩ và Thụy Điển từng lần theo mối liên hệ giữa một công ty viễn thông hàng đầu tại châu Âu và bê bối tham nhũng, gian lận hàng trăm triệu USD tại Uzbekistan, và đều có liên quan tới Gulnara Karimova. Nhiều tài liệu cho rằng, công ty viễn thông TeliaSonera đã hối lộ quan chức Uzbekistan để gia nhập thị trường di động ở nước này.

Đầu tháng 5/2013, một hãng truyền hình Thụy Điển phát chương trình đặc biệt tố cáo những việc làm bất hợp pháp của một doanh nhân có liên quan trực tiếp với bà Gulnara Karimova.

Sau đó, Viện Công tố Thụy Sĩ từng phối hợp với cảnh sát Pháp thi hành lệnh khám xét nhiều tư dinh tại thủ đô Paris bởi nó thuộc sở hữu của những cộng sự, giúp bà Gulnara Karimova rửa tiền. Gulnara Karimova là nghi can bị nêu tên công khai trong một vụ điều tra do Viện công tố quốc gia Uzbekistan đảm trách và đây là “xuất phát điểm” cho sự sụp đổ quyền lực và uy tín của “công chúa Uzbekistan”. 

Cuộc điều tra bắt nguồn từ vụ điều tra một nhóm tội phạm có tổ chức do 2 người đàn ông cầm đầu, trong đó có Rustam Madumarov, người được coi là cộng sự thân cận và là bạn trai của Gulnara Karimova.

Nhân viên ngân hàng tại Geneva từng lo lắng khi một khách hàng của họ là nhà tài phiệt viễn thông Uzbekistan Bekzod Ahmedov, bỗng xuất hiện trong danh sách bị truy nã của Interpol - bị cáo buộc gian lận. Ông Bekzod Ahmedov từng là Tổng giám đốc công ty điện thoại di động Uzdunrobita, thuộc quyền sở hữu của bà Gulnara Karimova.

Tháng 10/2013, các tài khoản ngân hàng Uzbekistan của các công ty có liên quan đến Gulnara Karimova bị phong tỏa, và các đài truyền thanh, truyền hình bị ngưng phát sóng. Tới tháng 3/2014, Gulnara Karimova phải đối mặt với cuộc điều tra có liên quan đến rửa tiền tại Thụy Sĩ.

Bức ảnh cho thấy bà Gulnara Karimova đang tranh cãi với nhân viên bảo vệ
Bức ảnh cho thấy bà Gulnara Karimova đang tranh cãi với nhân viên bảo vệ

Đế chế kinh doanh của Gulnara Karimova nhanh chóng sụp đổ, sau khi các quỹ từ thiện và đài truyền hình bị đóng cửa. Hàng trăm triệu USD trong ngân hàng nước ngoài bị phong tỏa, khiến Gulnara Karimova không thể thực hiện mơ ước thay thế “vua cha”, trở thành Tổng thống Uzbekistan. “Công chúa Uzbekistan” đã bị “vua cha” giam tại gia sau một loạt bê bối kể trên và đang đối mặt với nguy cơ hầu tòa...

Báo chí nước ngoài từng tiết lộ (trung tuần tháng 9/2013) mâu thuẫn của 2 chị em gái và cô em Lola Karimova-Tillyaeva là người trả lời phỏng vấn - "tôi rất ghét chị Gulnara Karimova, 2 người đã “từ mặt nhau” hơn 10 năm qua và giữa chúng tôi chưa bao giờ tồn tại tình cảm gia đình, thậm chí tình bạn cũng không". Lola Karimova-Tillyaeva sống tại Geneve, Thụy Sĩ, trong một biệt thự trị giá 29 triệu bảng Anh và là Đại sứ của Uzbekistan ở UNESCO tại Paris, Pháp.