Vấn đề tranh chấp ở Biển Đông sẽ 'nóng' trong nghị trường ASEM

(PLO) - Các nhà ngoại giao cho biết tranh chấp ở Biển Đông chắc chắn sẽ là một vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Cấp cao Á – Âu (HNCC ASEM) lần thứ 11 sẽ diễn ra tại Mông Cổ trong các ngày 15 và 16/7 tới.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hội nghị Cấp cao Á – Âu lần thứ 11 diễn ra tại Ulaanbaatar với chủ đề “20 năm ASEM: Quan hệ đối tác vì tương lai thông qua kết nối”. Hội nghị sẽ có 3 phiên thảo luận, tập trung trao đổi các nội dung chính: các vấn đề toàn cầu; đánh giá hai thập kỷ quan hệ đối tác và định hướng hợp tác; kết nối Á - Âu; tình hình ở hai khu vực Á – Âu và các vấn đề hợp tác ASEM. Hội nghị dự kiến sẽ ra Tuyên bố Ulaanbaatar và nước chủ nhà Mông Cổ cũng sẽ ra Tuyên bố Chủ tịch. 

Theo Reuters, HNCC ASEM lần thứ 11 sẽ là sự kiện ngoại giao đa phương đầu tiên diễn ra sau khi Tòa trọng tài thường trực ở The Hague, Hà Lan công bố phán quyết liên quan đến tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines về vấn đề Biển Đông. 

Một ngày trước khi phán quyết được đưa ra, hôm qua (11/7), Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Kong Xuanyou cho rằng HNCC ASEM được tổ chức nhằm thảo luận về các vấn đề giữa châu Á và châu Âu và rằng việc thảo luận về Biển Đông sẽ không được hoan nghênh tại Hội nghị sẽ diễn ra tới đây. “Hội nghị cấp cao của các nhà lãnh đạo ASEM không phải là nơi phù hợp để thảo luận về Biển Đông. Hiện nay trong chương trình nghị sự của hội nghị chưa có kế hoạch thảo luận về chủ đề này. Và nó cũng không nên được đưa vào chương trình” – ông Kong nói.

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao sẽ tham dự ASEM cho rằng các cuộc thảo luận về tranh chấp Biển Đông là không thể tránh được tại HNCC tới đây. Dự kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tham dự Hội nghị.

Năm 2013, Philippines đã đệ đơn kiện lên tòa trọng tài phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, lập luận rằng các yêu sách chủ quyền này là bất hợp pháp theo Công ước của LHQ về Luật Biển. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã liên tục nhấn mạnh sẽ không tuân thủ phán quyết của Tòa, gọi vụ kiện là một trò hề. Không những thế, Trung Quốc còn cho rằng Tòa đã bị Mỹ sử dụng như một công cụ để gia tăng áp lực lên Trung Quốc, khiến Biển Đông trở nên căng thẳng hơn. 

Dự kiến, vào khoảng 16h00 hôm nay (12/7, giờ Việt Nam), Tòa trọng tài sẽ công bố phán quyết của mình và phần lớn các chuyên gia cho rằng phán quyết của Tòa sẽ nghiêng về phía có lợi cho Philippines.

Trước thềm phán quyết, Trung Quốc dường như đã dự liệu được kết quả theo chiều hướng bất lợi cho nước này và đã có những động thái lôi kéo các nước khác ủng hộ lập trường của nước này, theo đó bác bỏ thẩm quyền xét xử của Tòa trọng tài và phớt lờ phán quyết của Tòa. Bài xã luận đăng trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ngày 11/7 thậm chí cho rằng Trung Quốc mới là nạn nhân trong vấn đề Biển Đông, theo tờ Guardian. 

Theo tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự HNCC ASEM 11. Thủ tướng sẽ phát biểu tại Phiên toàn thể thứ nhất về “Hai thập kỷ Quan hệ Đối tác: Nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai”. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi song phương với Nguyên thủ, Lãnh đạo các đối tác quan trọng của Việt Nam trong ASEM… Nhân dịp ASEM 11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao các thành viên ASEM.