Venezuela lại bất ổn với “âm mưu đảo chính” mới

(PLO) - Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 25/10 đã cáo buộc Quốc hội “âm mưu đảo chính” sau khi cơ quan lập pháp do phe đối lập chiếm đa số này thông qua quyết định mở “phiên tòa chính trị và hình sự” đối với nhà lãnh đạo Venezuela.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro

Phát biểu trước đám đông người dân ủng hộ tại thủ đô Caracas, Tổng thống Maduro khẳng định “sẽ không cho phép để xảy ra cuộc đảo chính dưới bất kỳ hình thức nào tại Quốc hội”. 

Nhà lãnh đạo Venezuela cáo buộc phe đối lập tại Quốc hội đang tìm cách “phá hoại đất nước”, đồng thời hối thúc lực lượng đối lập tham gia tiến trình đối thoại. Tổng thống Maduro, người vừa về nước sau chuyến công du châu Á và châu Âu, tái khẳng định sẵn sàng đối thoại chính trị với phe đối lập, với sự tham gia của đại diện của các bên hòa giải gồm Tòa thánh Vatican và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR).

Tố cáo âm mưu đảo chính

Trước đó, ngày 23/10, một nhóm người ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã tràn vào trụ sở Quốc hội, do phe đối lập chiếm đa số, trong khi các nghị sĩ đang tiến hành một phiên họp bất thường nhằm thúc đẩy một phiên tòa chính trị xét xử người đứng đầu nhà nước. Thời điểm đó, Phó Chủ tịch Enrique Márquez đang phát biểu.

Phiên họp khẩn của cơ quan lập pháp Venezuela diễn ra chỉ hai ngày sau khi Hội đồng Bầu cử quốc gia (CNE) quyết định đình chỉ việc thu thập chữ ký của 20% cử tri để mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý phế truất Tổng thống Maduro, người đang có chuyến công du nước ngoài.

Lý do đưa ra là bởi cơ quan tư pháp tại nhiều địa phương tố cáo có sự gian lận trong việc thu thập 1% chữ ký của cử tri hồi tháng Tư vừa qua, do liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ đối lập thúc đẩy để tiến hành các thủ tục trưng cầu dân ý bãi nhiệm Tổng thống. 

Kết thúc phiên họp kéo dài 2 ngày, Quốc hội Venezuela do liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập chiếm đa số đã tuyên bố sẽ khởi động tiến trình xét xử đối với Tổng thống Maduro. MUD cho rằng ông Maduro gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, kinh tế và chính trị tại Venezuela. Tuyên bố chính thức của Quốc hội Venezuela yêu cầu ông Maduro ra điều trần trước cơ quan lập pháp này vào ngày 1/11. 

Quân đội “trung thành vô điều kiện”

Tòa án Tối cao Venezuela cho rằng tuyên bố của Quốc hội là “vô giá trị”. Trong khi đó, Tổng thống Maduro đã triệu tập Hội đồng an ninh quốc gia để đối phó với âm mưu đảo chính của Quốc hội và tiến trình đối thoại hòa bình, với sự tham gia của tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước và Chủ tịch Quốc hội Henry Ramos Allup. 

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino Lopez khẳng định quân đội nước này sẽ “trung thành vô điều kiện” với Tổng thống Nicolas Maduro. Trong một tuyên bố được truyền hình trực tiếp, Bộ trưởng Quốc phòng Lopez khẳng định ông Maduro là Tổng thống hợp hiến, Tổng Tư lệnh Lực lượng Vũ trang Bolivar, đồng thời tố cáo phe đối lập đang vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp, gây bất ổn tình hình đất nước với âm mưu lât đổ Chính phủ.

Ông nhấn mạnh lực lượng quân đội sẽ luôn tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp và kêu gọi phe đối lập đối thoại và kiềm chế. Các tướng lĩnh của Bộ Tổng Tham mưu cũng có mặt cùng ông Lopez khi đưa ra tuyên bố trên. 

Mưu phế truất Tổng thống

Những căng thẳng trên chính trường Venezuela đã bắt đầu “tăng nhiệt” sau khi CNE tuyên bố đình chỉ việc thu thập chữ ký của 20% cử tri nước này - hoạt động do phe đối lập khởi xướng nhằm mở đường cho cuộc trưng cầu dân ý để phế truất Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro.

Theo đó, CNE cho biết cơ quan tư pháp tại các bang Apure, Aragua, Bolivar và Carabobo đã nhận được những cáo buộc liên quan tới hành vi gian lận của liên minh Bàn Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập liên quan tới quá trình thu thập chữ ký các cử tri để có thể tiến hành trưng cầu dân ý nhằm bãi nhiệm người đứng đầu đất nước. 

Trước đó, ngày 21/9, CNE cũng đã loại trừ khả năng tổ chức trưng cầu ý dân ngay trong năm nay và chỉ có thể diễn ra vào giữa quý I năm tới trong trường hợp MUD đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, điều kiện mà phe đối lập đã nhiều lần đưa ra để đối thoại đó là việc tổ chức việc lấy 

phiếu tín nhiệm người đứng đầu nhà nước trước khi kết thúc năm 2016, để tiến hành tổng tuyển cử trước hạn. Đầu tháng 8 vừa qua, CNE xác nhận đủ 200.000 chữ ký của MUD, mở đầu cho việc tiếp tục tiến hành các bước cần thiết để tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lấy phiếu tín nhiệm Tổng thống Maduro. 24 địa phương đã hoàn thành yêu cầu tập hợp đủ 1% cử tri ủng hộ, tương đương 200.000 chữ ký. MUD cần thu thập 4 triệu chữ ký, tương đương 20% số cử tri, mới có thể tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân lấy phiếu tín nhiệm Tổng thống Maduro. 

Sở dĩ, MUD nhiều lần tổ chức biểu tình gây áp lực yêu cầu đẩy nhanh các thủ tục của quá trình trưng cầu ý dân ngay trong năm nay bởi nếu sau thời điểm này và trong trường hợp Tổng thống Maduro thất bại, cũng sẽ không thể tổ chức tổng tuyển cử trước hạn. Lúc đó, Phó Tổng thống, cũng là người của đảng Xã hội Chủ nghĩa thống nhất (PSUV) cầm quyền, sẽ lên nắm quyền điều hành đất nước theo quy định của Hiến pháp và đây là điều mà phe đối lập không muốn.

Đọc thêm