Vì sao Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương bị 'xóa sổ' trong tích tắc?

(PLO) -Chiếc máy bay sau khi cất cánh mới chỉ lên đến độ cao 50 mét thì gặp phải luồng khí mạnh thổi ngang. Theo thói quen, phi công cho máy bay nghiêng về bên phải để ép luồng khí xuống. Không ngờ, thân máy bay rất mất cân bằng lại gặp phải luồng khí mạnh nên bỗng chốc nó cắm đầu xuống đất như chiếc diều đứt dây… 
Xác máy bay còn lại sau vụ cháy nổ
Xác máy bay còn lại sau vụ cháy nổ

Phi công chính và lái phụ kinh hoàng, không thốt lên được lời nào, nhưng trong hộp đen thấy có giọng nói thất thanh của nhân viên dẫn đường: “Đi đâu thế? Đi đâu thế? Đi đâu thế?” Chắc anh ta không biết rằng chiếc máy bay đang “bay” xuống đất theo chiều thẳng đứng. Từ khi máy bay cất cánh đến khi rơi xuống đất, chỉ trong vòng 8 giây!

Chìm trong biển lửa

Sao khi máy bay rơi xuống đất, mấy tấn dầu lập tức tràn vào khoang hành khách, tiếp đó là tiếng nổ lớn đã hủy hoại mọi hy vọng sống sót của mọi người. Xác chiếc máy bay chìm trong biển lửa…

Lúc này, ở Vladivostok cách xa hàng ngàn cây số, các chiến hữu và thân nhân của các nạn nhân đang chờ đợi họ khải hoàn trở về, một cuộc liên hoan chào mừng thành tích ưu tú đã được chuẩn bị sẵn…

Vợ của Thiếu tướng Vasili sau này nhớ lại: “Lúc đó tôi đang chuẩn bị bữa tối thịnh soạn để đón chồng trở về. Khi đang múc thức ăn ra đĩa thì đột nhiên tay tôi trở nên cứng đờ, chiếc đĩa tuột xuống, vỡ tan. Từ xa vọng lại tiếng còi xe, tôi tưởng rằng ông ấy đã về, vui mừng chạy ra cửa đón, thì thấy trên xe bước xuống một viên tướng mặc lễ phục Hải quân màu đen.

Tôi cảm thấy có gì đó không ổn, vội nói: Tướng Vasili chưa về! Viên tướng và những người tháp tùng nói: “Không! Chúng tôi đến để báo tin…”.Nghe chưa dứt câu tôi đã ngã lăn ra bất tỉnh. Một lát sau tôi nghe thấy ai đó nói “Họ đều không còn nữa…”. Vì sao lại xảy ra sự cố đó? Vì sao sau khi Hạm đội giành được thành tích tốt như thế họ không thông báo cho các ông ấy biết tin về cơn bão tuyết?”

Vợ của Đại tá Victor cũng kể lại: “Trước khi lên đường đi Leningrad, Victor đã biết tin khi trở về sẽ được nhận quân hàm Thiếu tướng Hải quân. Để chào mừng ông ấy, tôi đã chuẩn bị món vịt nướng; nhưng sau khi làm xong, không hiểu sao tôi lại quên bỏ vịt vào lò nướng. Tôi dự cảm thấy điều gì đó sẽ xảy ra với chồng mình…

Ngày thứ hai, khi mở cửa, thấy mấy người mặc lễ phục Hải quân màu đen bước vào. Họ không nói ngay tin Victor gặp nạn, một người nói với tôi: “Chị biết về máy bay chứ? Máy bay vừa cất cánh, nhưng…tình hình cụ thể chúng tôi không được biết…sau này chúng tôi sẽ thông báo tiếp cho chị…”

.Tôi ôm lấy ảnh Victor: “Lẽ nào đã xảy ra chuyện gì với anh ấy? Anh ấy gặp nạn rồi sao?”. Nhưng các sĩ quan đều ấp úng, tôi đoán họ cũng không biết tình hình cụ thể, nhưng khẳng định đã xảy ra sự việc ngoài mong muốn. Các sĩ quan bắt đầu nói một thôi một hồi những lời động viên, an ủi, nhưng tôi không còn biết gì nữa; mãi đến ngày hôm sau tôi mới tỉnh lại. Khi đó tin chồng tôi gặp nạn đã được chính thức xác nhận…”.

Tại lễ truy điệu sau đó, cũng không ai giải thích rõ cho thân nhân những người bị nạn về nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay, báo chí cũng không đưa tin về vụ việc; chỉ có tờ Sao Đỏ của Quân đội Liên Xô đưa mấy dòng tin ngắn ở một vị trí khiêm tốn trên trang 2:

“Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Emil Nikolayevich Spiridonov, Phó Đô đốc Tư lệnh không quân Hạm đội A. Pavlop, Thiếu tướng Chủ nhiệm Chính trị Hạm đội Sabaniev cùng các quân nhân khác đã gặp nạn”. Mấy chữ khô khan “các quân nhân khác” ấy ẩn chứa 49 người khác gồm 17 tướng và 15 Đại tá.

Thân nhân những người gặp nạn lúc đầu được thông báo: Các thi thể đều đã được nhận diện, yêu cầu thân nhân cung cấp 1 số đồ để tùy táng (chôn theo); nhưng ít lâu sau lại được thông báo các tướng lĩnh bị nạn sẽ được hỏa táng. Ngày 12/2, lễ tang được tổ chức tại Leningrad, đến dự lễ truy điệu có Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô khi đó, Nguyên soái  Dmitriy Ustinov.

Ngày 7/2 hàng năm mọi người đều đến đặt hoa tưởng niệm những người tử nạn
Ngày 7/2 hàng năm mọi người đều đến đặt hoa tưởng niệm những người tử nạn

Sau khi lễ tang kết thúc, quân đội Liên Xô lập tức giao cho tướng Vladimir Vasilyevich Sidorov phụ trách Hạm đội Thái Bình Dương. Thân nhân các tướng lĩnh bị nạn thắc mắc với ông Sidorov tại sao trên giấy báo tử lại ghi là “tử vong”, chứ không phải “hy sinh vì việc công” nhưng vị Tư lệnh mới đó thẳng thắn: Luật dân sự của Liên Xô khi đó không có điều khoản quy định về “hy sinh vì việc công”.

Mãi 16 năm sau, ngày 3/3/1997, gia đình các nạn nhân mới nhận được giấy thông báo cho biết họ sẽ nhận được tiền tuất với mức mỗi thân nhân là người trưởng thành được 1000 rub, trẻ em được 500 rub; những bà vợ góa được quyền chọn nơi định cư tại một thành phố trên lãnh thổ Liên Xô cũ.

Có tới 26 gia đình đã chọn đến Saint Peterburg (lúc này đã đổi tên), nơi có phần mộ người thân để sinh sống; những gia đình khác thì chọn Moskow, Vladivostok, Kiev và Sevastopol. Rất nhiều năm về sau, tại nghĩa trang những người bị nạn mọc lên một tấm bia kỉ niệm, lúc đầu chỉ khắc dòng chữ “Các quân nhân Hạm đội Hải quân Thái Bình Dương”, nay khắc bổ sung mấy chữ “hy sinh vì việc công ngày 7/2/1981”. Trên bia có danh sách những người bị nạn, nhưng quân hàm và chức vụ của họ thì không được ghi rõ.

Liệu đã “cái quan định luận”?

Mấy tuần sau khi xảy ra vụ tai nạn, chính phủ Liên Xô mới lập Ủy ban điều tra đặc biệt, từ nghi ngờ bị khủng bố đến sự cố kỹ thuật, tất cả các khả năng đều được đặt ra. Trong quá trình điều tra, Cục thiết kế Tupolev, BTL Hải quân, Bộ Quốc phòng Liên Xô và các phi công thử nghiệm TU-104 sa vào cuộc tranh cãi kịch liệt.

Nhưng vụ tai nạn hàng không rốt cục phải có người chịu trách nhiệm, cuối cùng gánh nặng trách nhiệm ấy được đổ lên đầu Đại tá Yakovlev - Trung đoàn trưởng Trung đoàn vận tải Sư đoàn không quân Viễn Đông. Tuy vụ tai nạn xảy ra cách nơi làm việc của ông mấy ngàn cây số, nhưng chiếc máy bay đó của đoàn bay thuộc quyền chỉ huy của ông là đủ căn cứ để chính thức định tội.

Tổ điều tra phân tích nội dung các cuộc trao đổi vô tuyến giữa tháp chỉ huy và các phi công, cuối cùng xác định nguyên nhân sự cố là cánh lùa mở không cân xứng hai bên khiến máy bay bị nghiêng gây nên tai họa. Mặc dù phía chính quyền đã có kết luận chính thức về vụ không nạn như thế, nhưng vẫn lan truyền những tin đồn khác nhau về nguyên nhân sự cố.

Tuy nội bộ quân đội Liên Xô cũ có quy định nghiêm ngặt về chế độ bay, như khi bay mọi sĩ quan bất kể cấp bậc gì đều phải phục tùng sự chỉ huy của phi công, nhưng thực tế thực thi rất khó khăn. Chuyên cơ của Hạm đội Thái Bình Dương cũng quy định mỗi hành khách chỉ được mang 20kg hành lý như máy bay hàng không dân dụng, nếu mang quá cân phải được Tư lệnh Hạm đội phê chuẩn; nhưng Trung tá phi công Anton Ilushin không chấp hành nghiêm quy định này. Nguyên nhân rất đơn giản vì ông chỉ 2 tháng nữa là nghỉ hưu, đã quá quen với việc các sĩ quan xin xỏ thêm cân, càng không muốn gây khó dễ cho các chỉ huy của Hạm đội.

Một sĩ quan khác là Trung tá Boris Jemin, Tổ trưởng đảng của đội bay vận tải sau này kể lại: Chiếc TU-104A đó đã rất cũ, sư đoàn đã chuẩn bị ngừng bay. Khi đó, phi hành đoàn được bố trí gồm những phi công ưu tú nhất.

Các hạm tàu của Hạm đội Thái Bình Dương ngày nay
Các hạm tàu của Hạm đội Thái Bình Dương ngày nay

Trung tá Anton Ilushin khi sinh hoạt tổ đảng thường phát biểu tố khổ, đề nghị tổ chức đảng giúp có ý kiến với các tướng lĩnh thường xuyên vi phạm kỷ luật bay. Tất cả những điều đó được ông ghi lại đầy đủ trong sổ ghi biên bản sinh hoạt đảng, nhưng sau vụ không nạn nó đã bị lãnh đạo sư đoàn tịch thu.

Năm 2008, Đài truyền hình quốc gia Nga làm một phim tài liệu về vụ không nạn này “Bí mật về một vụ không nạn”, không những đưa những ý kiến thắc mắc của các bà vợ, thân nhân các tướng lĩnh, phát biểu của các nhân viên công tác mà còn thông qua diễn lại của các diễn viên phản ánh lại hiện trường vụ việc. Bộ phim được phát đã gây nên chấn động mạnh trên khắp nước Nga, cho thấy phần nào ảnh hưởng rất lớn của vụ không nạn đó đối với Nga và cả Liên Xô cũ thời đó.

Nhưng ảnh hưởng mạnh nhất là đối với Hạm đội Thái Bình Dương. Từ địa vị hạm đội hàng đầu vững chắc, sau vụ này nó bắt đầu tuột dốc vào thời kỳ cuối của Liên Xô và sau đó không còn được coi trọng. Tuy Hạm đội có các cảng tự nhiên rất tốt ở Viễn Đông, nhưng sức cạnh tranh trong nội bộ Hải quân bị giảm đi, không còn được giới lãnh đạo quân sự và chính trị Nga quan tâm như trước đây…/.

Đọc thêm