Vì sao những người thân cận Tào Tháo không có kết cục tốt đẹp?

(PLO) - Những người trợ giúp đắc lực nhất cho Tào Tháo rất nhiều người không có kết cục tốt đẹp. Tào Tháo bề ngoài khoan hòa, bề trong nghi kỵ, nhưng đó lại không phải bản chất của Tào Tháo. Rốt cuộc là có vấn đề gì?
Tào Tháo là một người vui vẻ và rất hay đùa bỡn.
Tào Tháo là một người vui vẻ và rất hay đùa bỡn.

“Tam quốc diễn nghĩa” -  Giải mã những “vùng tối”...  Kỳ 20: Bí mật trong vỏ ốc" 

Tào Tháo luôn luôn khao khát nhân tài là sự thực. Vì Tháo cần đến trí tuệ và mưu lược của những nhân tài đó để bù đắp cho chỗ thiếu sót về trí tuệ và mưu lược của bản thân. Về mặt tuyển chọn nhân tài, Tào Tháo phụ thuộc vào nhóm Tuân Úc, Mao Giới, Trần Quần, Thôi Diễm.

Về mặt mưu lược, Tào Tháo phụ thuộc vào nhóm Quách Gia, Lâu Khuê, Lưu Diệp. Ngoài ra còn có rất nhiều nhân vật khác được Tháo tùy nghi hỏi kế. Tập đoàn Tào Tháo do đó mang tính chất một salon chính trị, nơi các chính khách tùy thời mà đến rồi đi. 

Gian hùng đáng yêu

Dịch Trung Thiên từng nói rằng Tào Tháo là một gian hùng, nhưng phải kèm thêm chữ “thật đáng yêu”. Đó là bởi vì Tào Tháo trong lịch sử là một người thân thiện, dễ gần. Thực vậy, Tào Tháo là một người trọng tình cảm, hơi sợ vợ (Đinh phu nhân), thích đùa bỡn và rất khôi hài. 

Tào Man truyện là nói đủ nhất về Tháo: “Thái Tổ là người dễ dãi không trọng uy, ưa âm nhạc, con hát ở bên cạnh, thường từ sáng đến tối. Thường mặc áo lụa mỏng, trên mình đeo một cái túi nhỏ có đai lớn để đựng khăn tay và những vật nhỏ, có lúc đội mũ kháp ra gặp tân khách. Mỗi khi cùng người khác đàm luận, nói năng đùa bỡn, không hề che giấu gì cả, lúc vui sướng khoái chí thì cười ầm lên, đến nỗi đầu ngả vào mâm bát ở giữa bàn, thức ăn dính đầy vào khăn vấn đầu”. 

Anh hùng ký cũng nói lúc Tháo đánh Nam Bì “tự hô vạn tuế, ngồi ở trên ngựa mà múa”, đánh Đạp Đốn thì “vỗ vào yên ngựa, ngồi ở trên ngựa vỗ tay, nhảy múa”. Lúc đánh Mã Siêu, Tháo ngồi trên cái hồ sàng (một loại xích đu) để chỉ huy quân đội, có lần còn nói đùa với quân địch rằng “ta cũng là người thôi, chẳng phải bốn mắt hai miệng gì”. 

Bản tính Tào Tháo cũng rất cả tin. Ông ta tin Trương Mạc, tin Lưu Bị, tin Hoàng Cái, mỗi lần như thế đều thua sấp mặt. Nhưng đột nhiên khi chuyển sang đối xử với nhân tài trong tập đoàn mình thì đột nhiên quay ra nghi kỵ. Không phải tự nhiên mà Tào Tháo như thế.

Bên ngoài Tào Tháo mượn danh nhà Hán, nhưng bên trong phải đảm bảo nhân tài phục vụ lợi ích cho riêng Tháo
Bên ngoài Tào Tháo mượn danh nhà Hán, nhưng bên trong phải đảm bảo nhân tài phục vụ lợi ích cho riêng Tháo

Con ốc mượn hồn

Tập đoàn Tào Tháo từ năm Kiến An trở về sau có một thay đổi vô cùng quan trọng. Tào Tháo đón thiên tử về huyện Hứa đã làm thay đổi hoàn toàn vị thế chính trị của tập đoàn mình. 

Về mặt chính trị đối ngoại, Tào Tháo thu được rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên cũng không hẳn là trăm lợi mà chẳng hại gì như Dịch Trung Thiên đã tán tụng. Về mặt đối nội, Tào Tháo vấp phải mâu thuẫn rất lớn. Tập đoàn Tào Tháo giờ là con ốc mượn hồn, bên ngoài vác cái vỏ nhà Hán, nhưng bên trong là con tôm ký cư họ Tào. Tào Tháo cũng không phải chuyển từ chỗ ban đầu muốn phụng thiên tử rồi sau mới thành ép thiên tử. 

Anh hùng ký cho biết Tháo nói chuyện với Lưu Bị, từng lộ ra ý định mưu đồ cho bản thân. Sau này Bị đem việc mách lại với Viên Thiệu. Tháo “tự cắn lưỡi mình đến chảy máu, để răn đời sau về việc lỡ lời”. Thực vậy, ngay từ khi vào Duyện Châu, Tháo đã không còn nghĩ đến chuyện đi về phía tây phụng thiên tử, mà phát triển binh lực sang phía đông. Đó là điều mà người thời Đường từng nói: cứ xem hướng phát binh của Từ Kính Nghiệp là đủ biết hắn trung hay gian.

Chính vì treo đầu dê bán thịt chó, Tào Tháo vấp phải mâu thuẫn. Tháo kêu gọi nhân tài là gọi dưới danh nghĩa nhà Hán, nhưng khi bắt đầu sử dụng thực sự thì lại phải đảm bảo rằng họ phục vụ lợi ích của Tào chứ không phải trung thành với Hán. Chuyện Trình Dục “mới thú vị” và là minh chứng rõ nét nhất.

Hán Hiến đế chọn Dục làm Thượng thư, nhưng Tháo liền lấy cớ “Duyện Châu còn chưa yên ổn”, lấy Dục làm Đông Trung lang tướng, lĩnh Thái thú Tế Âm, “Đô đốc việc ở Duyện Châu”. Đây hoàn toàn chỉ là thủ đoạn chính trị.

Vào thời điểm đó, cái gọi là “nhà Hán” cũng chỉ gói gọn ở Duyện Châu nên Trình Dục dù là Thượng thư hay Đô đốc Duyện Châu sự thì quyền lực vẫn chỉ như thế. Nhưng nếu Trình Dục làm Thượng thư thì thuộc ngạch triều đình, còn làm Thái thú Tế Âm thì lại dưới quyền Tào Tháo. Đó chẳng qua là vì muốn tranh giành nhân tài với nhà Hán, mà cuộc giành giật đó cứ tiếp diễn mãi.

Sau trận Xích Bích, Tào Tháo vỗ vai khen ngợi Dục (Dục từng dự đoán sẽ có liên minh Tôn Lưu, nhưng Tháo bỏ ngoài tai). Cùng lúc đó, Tông nhân (quan chủ quản việc thuộc về tông tộc nhà Hán) cũng dâng trâu rót rượu tiếp đãi Dục. Dục đột nhiên nói: “Biết đủ là chẳng phải nhục, ta nên lui về ở ẩn thôi”, rồi dâng biểu trả binh quyền, về nhà đóng cửa không ra. Quả nhiên sau đó có người tố Trình Dục mưu phản!

Trong suốt tiến trình chính trị của mình, Tào Tháo phải cố gắng nắm giữ quyền lực. Ngũ lương tướng dù tài năng đứng đầu, nhưng vẫn phải lệ thuộc vào sự chỉ đạo của những nhân vật thuộc họ Tào và họ Hạ Hầu như Hạ Hầu Uyên, Tào Hồng, thậm chí là hàng hậu bối như Tào Chân. Ba tuyến quân sự ở đông, nam và tây cũng do Hạ Hầu Đôn, Tào Nhân, Hạ Hầu Uyên nắm giữ quyền lực lớn nhất.

Tào Tháo cũng liên tục xung đột và loại trừ các nhân vật không trung thành với Tào, như Biên Nhượng, Khổng Dung, Lâu Khuê. Lâu Khuê bị giết chính là vì buông ra câu nói muốn làm được như cha con Tào Tháo. Tuy nhiên, đến một thời điểm thích hợp, ngay cả những nhân vật nằm ở cửa giữa họ Tào và nhà Hán, có nhiều đóng góp cho Tào Tháo nhất cũng phải lên máy chém, ví như Tuân Úc.

Khổng Dung (bên phải) từng là nghị chủ trong triều đình của Hiến đế. Cuối cùng đã bị Tào Tháo trừ khử
Khổng Dung (bên phải) từng là nghị chủ trong triều đình của Hiến đế. Cuối cùng đã bị Tào Tháo trừ khử

Hiền thần hết đường

Sau khi thống nhất miền Bắc, Tào Tháo liền đi bước tiếp theo để mưu đồ cho bản thân. Tào Tháo muốn được phong tước công, lập ra công quốc và nhận cửu tích. Tào Tháo liền bàn mưu với Đổng Chiêu. Đổng Chiêu là người Tháo gặp khi tới đón thiên tử. Nếu Tuân Úc là Trương Lương sáng của Tào Tháo, thì Chiêu chính là Trương Lương tối.

Tháo chuyên bàn những chuyện xấu xa mà không thể nói với Úc, như chuyện bắt thiên tử về Hứa hay chuyện lập ra công quốc. Đổng Chiêu đem việc này hỏi ý Úc, Úc cho rằng “vốn hưng nghĩa binh để khuông phò triều đình, yên định quốc gia”, “chẳng nên như thế”.

Tháo “trong lòng bất bình”, rồi mượn cớ xin Úc đi úy lạo quân sĩ ở huyện Tiêu để giữ lại, từ Thượng thư lệnh giáng làm Thị trung, tham mưu việc quân cho Tào Tháo. Ngụy thị xuân thu nói Tháo gởi cho Úc hộp đồ ăn rỗng. Tuân Úc “uống thuốc độc chết”, hoặc ít ra cũng “lo lắng mà chết”.

Cùng chết với Tuân Úc còn có Thôi Diễm. Diễm từng ở trước mặt Viên Thiệu nói rằng thiên tử ở huyện Hứa, đáng nên “giữ yên bờ cõi, tuân theo chức phận”. Về sau Dương Huấn dâng biểu tán tụng Ngụy vương Tào Tháo. Có người chê huấn “dối trá xu phụ quyền thế”, Diễm bình luận rằng: “Xem biểu thì là việc tốt mà! Thời cơ! Thời cơ! Cũng có lúc thời cơ thay đổi thôi” (Thời hồ, thời hồ, hội đương hữu biến thời).

Tháo liền cho rằng Diễm “có ý tứ không khiêm tốn”, bắt làm nô lệ, rồi ban cho cái chết. Mao Giới là đồng liêu cùng tuyển chọn nhân tài với Diễm. Thôi Diễm chết rồi, “Giới trong bụng không vui”. Rồi có kẻ nói rằng Giới đi đường gặp tội nhân mưu phản bị thích chữ vào mặt, nói: “Trời không mưa là vì những việc như thế này”.

Tháo liền bắt Giới tống vào ngục, may chỉ bị cách chức, “một lần trách tội, vĩnh viễn bị ruồng bỏ” cuối cùng chết ở nhà. Cái chết của Thôi Diễm người đương thời đều cho là oan. Dịch Trung Thiên từng suy luận rất nhiều, cuối cùng phải thừa nhận rằng vẫn chưa thể giải thích thông suốt nguyên nhân bị oan khuất của Diễm. Ông cho rằng nếu muốn hiểu được thì chỉ cần “quy hết về cho danh sĩ”.

Đám người Thôi Diễm đều là danh sĩ, có mâu thuẫn với tên hàn môn ít học Tào Tháo. Nhưng thực ra phải quy hết cái chết của bọn họ về cho Hán thần. Đúng như Lư Bật thời Thanh giải thích: “Ngụy Vũ có lòng soán đoạt mà lại muốn tránh tiếng soán đoạt”, Diễm “làm lộ mưu kín, bởi thế mới căm hận mà đẩy vào chỗ chết”. Tào Tháo muốn cướp Hán thì phải dọn sạch đám thần tử đó, tạo ra một phong khí mới trong chính trị. Vậy Tào Tháo đã tạo nên một phong khí như thế nào?

(Mời xem tiếp số sau)