Vì sao Tổng thống Mỹ sa thải Cố vấn an ninh quốc gia?

(PLVN) - Động thái sa thải Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của Tổng thống Mỹ Donald Trump được nhiều người xem là nhằm thúc đẩy chương trình của ông Trump trong việc đàm phán với các đối thủ của Mỹ như Afghanistan, Triều Tiên và các điểm phức tạp khác. Nhân sự thay thế ông Bolton sẽ được công bố vào tuần tới. 

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ trên trang Twitter cá nhân ngày 10/9 cho biết ông đã yêu cầu ông John Bolton từ chức và thông báo từ chức đã được ông Bolton đưa ra vào sáng 10/9. Tổng thống Mỹ cũng công khai việc ông bất đồng mạnh mẽ với ông Bolton về vấn đề chính sách.

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (bên phải)
Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton (bên phải)

Theo thông báo của ông Trump, nhân sự thay thế ông Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia mới sẽ được công bố vào tuần tới. Đây sẽ là Cố vấn an ninh quốc gia thứ 4 của Nhà Trắng chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm trở lại đây. Thông báo của ông Trump được đưa ra chỉ 1 giờ sau khi bộ phận báo chí của Nhà Trắng cho biết, ông Bolton theo lịch trình sẽ xuất hiện tại một cuộc họp báo cùng với Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin. 

Vài phút sau thông báo của ông Trump, ông Bolton trên trang twitter của ông khẳng định ông đã từ chức chứ không phải bị sa thải. Là người có quan điểm “diều hâu”, ông Bolton được cho là một trong những động lực chính trong cách tiếp cận cứng rắn của Nhà Trắng tới Iran, Triều Tiên, Venezuela… Nổi tiếng với bộ ria mép lớn, vị cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc được cho là đã ngăn cản nỗ lực thúc đẩy đàm phán của ông Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và nhóm phiến quân Taliban.

Thông tin về sự ra đi của ông Bolton được đưa ra chỉ ít ngày sau khi ông Trump bất ngờ thông báo đã hủy bỏ các cuộc đàm phán mật với các đại diện của lực lượng phiến quân Taliban ở Afghanistan tại khu nghỉ dưỡng của tổng thống có tên Trại David vào cuối tuần qua. Dẫn các nguồn tin, báo chí Mỹ cho biết, vụ việc này chính là “giọt nước tràn ly” trong mối quan hệ vốn đã nhiều xung khắc giữa Tổng thống Mỹ và Cố vấn an ninh quốc gia.

Việc ông Bolton bị sa thải được nhiều người cho là có thể mang lại sự linh hoạt trong chính sách của Mỹ đối với một số nước trong thời gian tới, nhất là các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới với Triều Tiên. Phó Giáo sư về nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Leif-Eric Easley cho rằng thay đổi nhân sự ở Washington có thể được Triều Tiên đón nhận tích cực và điều này làm gia tăng khả năng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sẽ sớm được tái khởi động.

Tuy nhiên, việc ông Bolton ra đi cũng làm dấy lên quan ngại rằng chính sách đối ngoại của ông Trump có thể bị chi phối nhiều hơn bởi những cân nhắc chính trị, nhất là trong bối cảnh cuộc đua tái tranh cử tổng thống năm 2020 sắp bước vào giai đoạn nước rút.

Song, trong một tuyên bố tại Nhà Trắng, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định sự ra đi của ông Bolton không nên được hiểu là động thái báo hiệu sự thay đổi chiến lược của Mỹ. “Tôi không nghĩ rằng có nhà lãnh đạo nào trên thế giới lại đưa ra giả định rằng vì có người rời đi mà chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump sẽ thay đổi”, ông Pompeo nói. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng nhấn mạnh rằng ông Trump và các trợ lý hàng đầu vẫn đang thực hiện chiến dịch gây áp lực tối đa với Iran. Dù vậy nhưng khi được hỏi liệu ông Trump có còn sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran Hassan Rouhani bên lề Đại hội đồng Liên Hợp quốc trong tháng này hay không, ông Pompeo khẳng định đó là việc chắc chắn. Cuộc gặp này nếu diễn ra sẽ là một sự kiện mang tính đột phá như đề nghị đàm phán với Taliban mà ông Trump đã phải hủy bỏ vào phút chót.

Đọc thêm