Việt Nam trở thành nước ứng phó thành công nhất với Covid-19 trên toàn cầu

(PLVN) - Tờ Politico (Mỹ) vừa công bố xếp hạng tác động toàn cầu của đại dịch do virus corona gây ra đối với các quốc gia, trong đó Việt Nam được xếp trong nhóm quốc gia có kết quả kinh tế tốt khi ứng phó với đại dịch.
Việt Nam ứng phó thành công nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP
Việt Nam ứng phó thành công nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: AFP

Politico nhận định, gần như mọi quốc gia trên trái đất đang vật lộn để mở lại nền kinh tế một cách an toàn trong khi tiếp tục chiến đấu với dịch do virus corona gây ra. Trong đó, một số quốc gia đã làm tốt hơn những quốc gia khác. 

Đại dịch do virus corona đã lan rộng khắp các quốc gia vào những thời điểm khác nhau và mỗi quốc gia đã phản ứng khác nhau tùy thuộc vào hệ thống y tế và chính trị, cũng như nền kinh tế. Mặc dù có một số điểm sáng, nhưng gần như mọi quốc gia đều đưa ra một bức tranh hỗn hợp.

Politico đã lập bản đồ hiệu suất của 30 quốc gia hàng đầu bằng cách đưa ra kết quả về kinh tế và sức khỏe và nhóm các quốc gia dựa trên việc họ có đưa ra các hạn chế nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng đối với thương mại và tương tác xã hội.

Biểu đồ này xem xét điểm mấu chốt của các quốc gia khi nói đến các ca nhiễm COVID-19, tử vong, GDP và tỷ lệ thất nghiệp, cũng như hiệu quả can thiệp của Chính phủ đối với việc hình thành các số liệu đó.

Theo biểu đồ, Việt Nam là nước đứng đầu về chống dịch thành công. "Là một nước đông dân nhưng Việt Nam không ghi nhận ca tử vong nào, với khoảng 300 ca nhiễm được báo cáo trong tổng số 95 triệu dân. Nền kinh tế Việt Nam được dự đoán tăng trưởng 2,7% trong năm 2020, đưa Việt Nam trở thành nước ứng phó thành công nhất với Covid-19 trên toàn cầu", báo Mỹ nhận định.

Xếp hạng của Politico về ảnh hưởng của đại dịch đến các quốc gia.
 Xếp hạng của Politico về ảnh hưởng của đại dịch đến các quốc gia.

Xếp ngay dưới Việt Nam là Trung Quốc. Politico cho rằng Trung Quốc có tỷ lệ tử vong vì nCoV tương đối thấp, chỉ 3/1.000.000, so với 287/1.000.000 ở Mỹ hay 793/1.000.000 ở Bỉ. Đây cũng là nước đầu tiên xóa bỏ được các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn nCoV lây lan, qua đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn mắc kẹt với tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 40 năm qua (1,2%), đồng thời đang đối mặt với các cáo buộc che giấu mức độ nghiêm trọng của Covid-19 khi dịch mới bùng phát.

Đức được Politico đánh giá "có kết quả đa dạng nhưng tương đối xấu" trong chống dịch COVID-19. Nền kinh tế của nó đang chìm cùng tốc độ với các nước láng giềng, nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn đáng kể so với tình hình lây  nhiễm virus ở quốc gia này nhờ việc xét nghiệm rộng rãi và chăm sóc y tế tốt. 

Politico đánh giá, New Zealand và Thụy Điển đã có những cách tiếp cận ngược lại để hạn chế sự lây lan của virus và có kết quả rất khác nhau, nhưng có cùng mức độ chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Một số quốc gia có số GDP tương tự nhưng tỷ lệ thất nghiệp hoàn toàn khác nhau (Hoa Kỳ, Anh và Nhật Bản) do khả năng của chính phủ đảm bảo mức lương cho người lao động. Mỹ, Anh, cùng một số quốc gia châu Âu khác như Tây Ban Nha, Italy, Pháp, Bỉ, Nga... nằm trong nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 trên cả phương diện kinh tế lẫn sức khỏe cộng đồng.

Theo Politico, việc chậm chạp áp dụng các biện pháp cách biệt cộng đồng của Anh là nguyên nhân chính khiến nước này trở thành quốc gia có số ca tử vong đứng thứ hai thế giới. Dù vậy, thu nhập của người lao động Anh được bảo vệ nhờ một gói cứu trợ hào phóng từ chính phủ, do đó, tỷ lệ thất nghiệp vẫn đứng ở mức một con số.

"Ấn Độ áp dụng biện pháp phong tỏa quy mô lớn nhất thế giới để tránh áp lực cho hệ thống y tế vốn còn nhiều khó khăn, nhưng điều đó đã ảnh hưởng đến nền kinh tế này khiến có thể giảm tốc độ tăng trưởng đến 45% trong quý 2" - Politico nhận xét.

Các quốc gia được xếp hạng đã hoặc đang duy trì các quy định hạn chế xã hội, chỉ cho phép các hoạt động thiết yếu được diễn ra bên ngoài, người dân được khuyến cáo dùng khẩu trang, hạn chế giao tiếp xã hội và thực hiện các quy định về giãn cách xã hội khi ra khỏi nhà.

Hầu hết các cơ sở thương mại đều đóng cửa (trừ các dịch vụ thực phẩm và nhà thuốc), cũng như các quán bar, nhà hàng, trường học và văn phòng. Tất cả các môn thể thao, tôn giáo và các cuộc tụ họp công cộng khác đều bị cấm. Các sự kiện lớn đã bị hạn chế hoặc cấm tổ chức.