Vụ bê bối trứng “bẩn” rúng động

(PLO) -Vụ bê bối trứng "bẩn" bắt nguồn từ Hà Lan tiếp tục lan rộng tại châu Âu khi các nước Đan Mạch, Romania và Slovakia đều thông báo phát hiện số lượng lớn trứng nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu độc hại. 
Bê bối trứng “bẩn” đã lan rộng ra khắp châu Âu
Bê bối trứng “bẩn” đã lan rộng ra khắp châu Âu

Cơ quan Thực phẩm và thú y Đan Mạch thông báo có 20 tấn trứng nhiễm thuốc trừ sâu fipronil được bán tại thị trường nước này. 

Trứng “bẩn”

Số trứng đã được luộc và bóc vỏ sẵn này do một công ty của Bỉ cung cấp và phần lớn được bán tới các quán cafe và các công ty cung cấp thực phẩm, không bày bán rộng rãi tại các cửa hàng bán lẻ của Đan Mạch.

Tuy nhiên, cơ quan trên cũng trấn an người dân rằng số trứng này không đe dọa tới sức khỏe người dùng do kết quả kiểm tra tại Hà Lan cho thấy fipronil có trong trứng chỉ ở mức rất thấp. Mặc dù vậy, do fipronil là hóa chất cấm trong thực phẩm, số trứng trên vẫn sẽ bị thu hồi. Cơ quan Thực phẩm và thú y Đan Mạch khẳng định đang theo dõi sát sao vụ việc. 

Trong khi đó, Romania cho biết đã phát hiện 1 tấn lòng đỏ trứng sống có chứa fipronil tại một nhà kho ở miền Tây nước này. Cơ quan y tế thú y của Romania cho biết số lòng đỏ trứng này được nhập từ Đức nhưng chưa được phân phối ra thị trường. Các giám sát viên của cơ quan trên đang giám sát chặt chẽ các nông trại gia cầm trên toàn quốc.

Cùng ngày 10/8, Bộ Nông nghiệp Slovakia cũng thông báo đã phát hiện một lô trứng luộc sẵn có chứa fipronil tại một nhà kho ở miền Tây. Bộ trên cho biết chính quyền Slovakia trước đó đã nhận được cảnh báo về các lô trứng "bẩn" được nhập khẩu vào nước này từ hệ thống cảnh báo khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU).

Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của Vương quốc Anh cũng cho biết, khoảng 700.000 quả trứng gà liên quan đến bê bối nhiễm hóa chất fipronil trừ bọ độc hại ở Hà Lan đã được phân phối tại Anh. Con số này cao hơn nhiều thông báo trước đó - chỉ là 21.000 quả. Số trứng "bẩn" vừa được thông báo trên tương đương 0,007% lượng trứng tiêu thụ tại quốc đảo này mỗi năm. 

Bê bối trứng “bẩn” đã lan rộng ra khắp châu Âu
Bê bối trứng “bẩn” đã lan rộng ra khắp châu Âu

Bắt người liên quan

Ngày 10/8, các nhà điều tra Hà Lan đã bắt giữ 2 đối tượng liên quan đến bê bối trứng gà châu Âu nhiễm hóa chất trừ bọ độc hại fipronil. 

Người phát ngôn cơ quan công tố Hà Lan Marieke van der Molen cho biết, hai đối tượng bị bắt giữ là người quản lý của công ty bị cáo buộc sử dụng hóa chất fipronil trong các trang trại gia cầm. Truyền thông nước này trước đó nêu tên công ty bị tình nghi là Chickfriend, một nhà cung cấp của Hà Lan.  Việc bắt giữ diễn ra trong các cuộc đột kích phối hợp với chính quyền Bỉ tại 8 địa điểm trên khắp Hà Lan, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan cảnh sát và tư pháp châu Âu là Europol và Eurojust. 

Thông báo của cơ quan công tố Hà Lan nêu rõ: "Hai đối tượng trên bị tình nghi gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng bằng việc cung cấp và sử dụng hóa chất fipronil trong các trang trại chăn nuôi gà lấy trứng". Hai nghi can trên bị bắt tại thị trấn miền Trung và miền Nam Hà Lan là Barneveld và Zaltbommel.

Cảnh sát cũng đã khám xét tại nhà riêng của hai đối tượng gần Bergen op Zoom và Uden cũng như tại một khu chuồng trại ở Ede và hai địa điểm khác. Các nhà điều tra đã thu giữ nhiều giấy tờ, xe ô tô, thẻ ngân hàng và một số tài sản cố định. 

Hàng triệu quả trứng đã bị thu hồi và hủy bỏ
Hàng triệu quả trứng đã bị thu hồi và hủy bỏ

Cơ quan công tố Hà Lan cho biết đã mở một cuộc điều tra hình sự từ giữa tháng 7 về nhằm xác định chất fipronil được đưa vào dây truyền thực phẩm như thế nào. Cuộc điều tra nhằm vào công ty Poultry-Vision của Bỉ và công ty Chickfriend của Hà Lan bị cho là đồng lõa. Một luật sư của Poultry-Vision thừa nhận công ty này đã bán fipronil cho Chickfriend nhưng không cho biết họ đã nhập hóa chất này từ đâu. 

Thanh tra các nhà máy chế biến trứng

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Pháp ngày 9/8 đã ban hành quyết định thanh tra toàn bộ các nhà máy chế biến, sản xuất sản phẩm từ trứng trên cả nước. Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Stephane Travert bày tỏ hi vọng sau vụ việc này, Pháp và các nước đối tác châu Âu sẽ có sự trao đổi thông tin thường xuyên để minh bạch trong các báo cáo.

Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp cũng chỉ trích Bỉ và Hà Lan đã không thông tin sớm cho Pháp về vụ bê bối trứng nhiễm thuốc trừ sâu chứa Fipronil mà hai nước này đang đối mặt. Theo truyền thông địa phương, với quyết định trên, sẽ có tổng cộng khoảng 80 nhà máy trên cả nước Pháp thuộc diện thanh tra. 

Trước đó, Bộ Nông nghiệp Pháp xác nhận 13 lô trứng có chứa thuốc trừ sâu Fipronil của Hà Lan đã được chuyển đến hai nhà máy ở miền Tây-Trung nước Pháp trong khoảng thời gian từ 11/7-26/7. Ngày 28/7, một nông trại ở miền Bắc nước Pháp cũng đã được đưa vào diện giám sát sau khi chủ nông trại thông báo với giới chức Pháp về việc nhà cung cấp Bỉ đã sử dụng thuốc trừ sâu Fipronil. Hiện Cơ quan An toàn thực phẩm của Bỉ (AFSCA) cũng đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ bê bối này. 

Hai công ty Poultry-Vision (Bỉ) và Chickfriend (Hà Lan) bị cho là có liên quan đến vụ bê bối
Hai công ty Poultry-Vision (Bỉ) và Chickfriend (Hà Lan) bị cho là có liên quan đến vụ bê bối

“Biết mà không nói sớm”

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Denis Ducarme, Hà Lan đã phát hiện trong trứng gà một loại thuốc trừ sâu có khả năng gây hại từ tháng 11 năm ngoái, tức là 9 tháng trước khi bê bối trứng bẩn tại châu Âu bị "phanh phui". 

Phát biểu trong phiên điều trần tại Quốc hội Bỉ, Bộ trưởng Ducarme cho biết Cơ quan An toàn thực phẩm Bỉ đã có được một tài liệu nội bộ của Hà Lan, trong đó "tường trình về việc theo dõi sự hiện diện của loại thuốc trừ sâu fipronil trong trứng gà của nước này vào cuối tháng 11/2016". Tuy nhiên, theo ông Ducarme, vẫn chưa có thông tin chính thức nào liên quan đến những ghi nhận trên được phía Hà Lan công bố. Quan chức này cho biết đã liên lạc với giới chức nước láng giềng để yêu cầu lời giải thích. 

Vụ bê bối trứng "bẩn" đã được công bố vào ngày 1/8 vừa qua, khi chính quyền Hà Lan ra lệnh thu hồi trứng khỏi các siêu thị và kêu gọi người tiêu dùng vứt bỏ số trứng gà đã mua. Trước đó, nhà chức trách Hà Lan cho biết đã tạm thời đóng cửa khoảng 138 trang trại chăn nuôi gia cầm ở nước này sau khi phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu fipronil trên các mẫu trứng, thịt và phân động vật.

Giới chức nước này cũng yêu cầu các siêu thị ngừng bày bán mặt hàng trứng, đồng thời khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng số trứng đã mua. Ngoài Hà Lan, các siêu thị tại Đức, Bỉ, Thụy Điển và Thụy Sĩ cũng đã thu lại hàng triệu quả trứng trên kệ do nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu độc hại. Riêng Albert Heijn - chuỗi siêu thị lớn nhất tại Hà Lan - cho biết đã rút khỏi kệ hàng 14 loại trứng để đem đi tiêu hủy. 

Hai công ty Poultry-Vision (Bỉ) và Chickfriend (Hà Lan) bị cho là có liên quan đến vụ bê bối
Hai công ty Poultry-Vision (Bỉ) và Chickfriend (Hà Lan) bị cho là có liên quan đến vụ bê bối

Chất hóa học fipronil được sử dụng phổ biến trong ngành trồng trọt để trừ sâu bệnh cho cây, diệt bọ chét, rận, bọ chó, nhưng bị EU cấm sử dụng để xử lý các loại động vật làm thực phẩm cho con người, như gà. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu sử dụng với số lượng lớn, loại hóa chất này có thể "gây nguy hiểm nhẹ" cho thận, gan và tuyến giáp.

Hóa chất trên đã được một công ty Hà Lan là Chickfriend đưa vào các trang trại gia cầm nhằm tiêu diệt bọ đỏ ký sinh trên gà. Có thông tin cho biết một công ty của Bỉ đã cung cấp cho Chickfriend loại hóa chất trên, song thông tin này chưa được kiểm chứng…/.

Hạn chế sử dụng hóa chất fipronil

Tập đoàn hóa chất khổng lồ BASF của Đức cho biết sẽ không tái đề nghị Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng hóa chất fipronil, "tâm điểm" của vụ bê bối trứng "bẩn" hiện nay. Theo người phát ngôn BASF, giấy phép hiện tại của BASF sẽ hết hiệu lực vào ngày 30/9 tới. 

Theo BASF, hóa chất fipronil chỉ được cấp phép sử dụng với một lượng nhỏ để xử lý các loại hạt, và tiến trình đăng ký cấp phép "rất tốn kém" nên rất lãng phí. Tập đoàn này cho biết thêm rằng quyết định trên không ảnh hưởng tới việc sử dụng fipronil như một loại "thuốc trừ sâu sinh học" chống kiến, gián và mối mọt, đã được EU cấp phép sử dụng cho đến năm 2023.